Chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh
Cập nhật ngày: 10/12/2023 06:00:55
ĐTO - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Tháp, hiện nay, thời tiết mưa nắng bất thường là môi trường thuận lợi để vi khuẩn, virus có hại phát triển và gây bệnh. Để phòng ngừa dịch bệnh, tiêm vắc-xin là giải pháp hiệu quả nhất. Nhờ được tuyên truyền, nhiều người dân đã nhận thức đúng và chủ động tiêm phòng vắc-xin. Song, việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho người lớn thì chưa được quan tâm đúng mức.
Hiểu được ý nghĩa của việc tiêm chủng định kỳ, chị Đàm Thị Thanh Thảo ở xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh cho biết, con chị khi mới sinh 1 - 2 ngày tuổi được tiêm ngừa tại bệnh viện. Hiện con của chị Thảo 6 tháng tuổi, chị đã duy trì tiêm ngừa theo đúng lịch hẹn của bác sĩ và bé chưa xuất hiện bệnh vặt. Chị Thảo chia sẻ: “Tôi chủ động đưa con đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để tiêm ngừa cho cháu phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm”.
Bác sĩ Dương Ân Hận - Phó Giám đốc CDC Đồng Tháp, cho biết: “Hiện nay, có hơn 35 loại vắc-xin phòng được các loại bệnh cho cả trẻ em và người lớn. Đối với chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) đang triển khai tiêm cho trẻ em dưới 1 tuổi với các loại vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi - rubella, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản. Đây là những bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, gây bệnh cho nhiều trẻ em và là một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất cho TE”.
Người dân đưa con đi tiêm vắc-xin tại CDC Đồng Tháp
Theo báo cáo của CDC Đồng Tháp, tỷ lệ TCMR trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, 10 tháng đầu năm 2023, các địa phương đã tiêm vắc-xin miễn dịch cơ bản cho trẻ dưới 1 tuổi mới đạt 70%, trong khi đó yêu cầu đề ra là 95%. Nguyên nhân xuất phát từ yếu tố khách quan là việc cung ứng nguồn vắc-xin cho địa phương bị gián đoạn. Do vậy, CDC khuyến cáo, cơ thể trẻ chưa có đủ sức đề kháng chống lại bệnh tật nên khi mắc các bệnh truyền nhiễm có thể gây nặng, để lại di chứng hoặc có thể tử vong. Do đó, trong thời gian chờ được cung ứng vắc-xin TCMR, các phụ huynh cần chủ động đưa trẻ đi tiêm ngừa vắc-xin ngoài Chương trình TCMR như: 5 trong 1 hoặc 6 trong 1, phòng não mô cầu BC, tiêu chảy, thủy đậu, phế cầu, sởi - quai bị - rubella, viêm não Nhật Bản, cúm... để phòng bệnh cho trẻ.
Bên cạnh việc tiêm phòng bệnh cho trẻ em, người lớn có thể tiêm vắc-xin phòng các bệnh: cúm, sởi - quai bị - rubella, viêm gan A, viêm gan B, ung thư cổ tử cung, thủy đậu, não mô cầu, dại, uốn ván. Một số đối tượng phải quan tâm và thực hiện tiêm chủng như: phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, người chăm sóc trẻ nhỏ, người cao tuổi, người chuẩn bị đi nước ngoài. Thế nhưng, không phải ai cũng biết sự cần thiết của tiêm vắc-xin phòng bệnh để chủ động tiêm chủng.
Khảo sát tại một số trung tâm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh, phóng viên ghi nhận, người lớn đến tiêm phòng chủ yếu tập trung vào các loại vắc-xin như: phòng ung thư cổ tử cung, cúm, uốn ván... Chị Nguyễn Ngọc Diễm ở Phường 1, TP Cao Lãnh, chia sẻ: “Sức khỏe rất quan trọng với mỗi chúng ta, nên cần chủ động tiêm ngừa. Hôm nay, tôi đến tiêm ngừa bệnh viêm não mô cầu, trước đó tôi đã tiêm ngừa viêm phổi và hàng năm đều tiêm ngừa cúm để bảo vệ sức khỏe”. Còn chị Nguyễn Thị Ngọc ở xã Mỹ Tân chia sẻ, chưa bao giờ chị quan tâm đến việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho bản thân. Đến khi mang thai, được các bác sĩ tư vấn chị mới thực hiện tiêm phòng uốn ván. Có thể thấy, nhiều người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, nghĩ rằng tiêm vắc-xin phòng bệnh đối với người lớn là không cần thiết. Bởi, người lớn ít ốm đau và có sức đề kháng tốt để chống lại bệnh hơn trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, đời sống còn nhiều khó khăn nên cho rằng chi phí tiêm chủng dịch vụ hiện nay tương đối cao. Ví dụ như: vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung có giá gần 2 triệu đồng/liều. Thường, mỗi loại vắc-xin phòng bệnh phải tiêm từ 1-5 liều. Điều này cũng khiến cho nhiều người dân băn khoăn khi thực hiện tiêm chủng.
Bác sĩ Dương Ân Hận cho biết: “Dù có một số loại vắc-xin trong TCMR chưa được cung ứng đầy đủ; tuy nhiên, ngoài những cơ sở tiêm chủng của Nhà nước quản lý, người dân đã đến cơ sở tiêm chủng dịch vụ để tiêm vắc-xin khác bù vào lượng vắc-xin chưa được cung ứng. Đẩy mạnh tiêm chủng là giải pháp quan trọng để chủ động phòng ngừa dịch bệnh, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Do vậy, vì sức khỏe của con trẻ, các phụ huynh cần cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Đồng thời duy trì chế độ dinh dưỡng, chăm sóc đảm bảo giúp trẻ phòng, tránh bệnh tật”.
SÔNG NGÂN