Đề xuất hỗ trợ tiền cho phụ nữ sinh con thứ 2
Cập nhật ngày: 11/11/2023 04:57:42
Cục Dân số đang tham mưu xây dựng dự thảo Luật, trong đó đề xuất các tỉnh, thành có mức sinh thấp sẽ hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2.
Thông tin được ông Mai Trung Sơn - Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết tại hội thảo "Mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp" tổ chức ngày 10/11.
Theo ông Sơn, mức sinh tại khu vực Đông Nam bộ giảm xuống rất thấp, còn 1,56. Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long là 1,8. “Nếu mức sinh này giảm xuống dưới 1,3 thì gần như không có khả năng hồi phục về mức sinh thay thế”, ông Sơn nhận định.
Vì vậy, để giải quyết chênh lệch mức sinh, Thủ tướng đã ban hành quyết định phê duyệt chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng có quyết định ban hành kế hoạch hành động thực hiện, trong đó, nêu rõ cần đạt mục tiêu đến năm 2030 của vùng mức sinh thấp là tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2 con).
Một em bé chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Ảnh minh họa)
Với hiện trạng này, ông Sơn cho biết, Cục Dân số đang tham mưu xây dựng dự thảo Luật Dân số, trong đó, đề xuất các biện pháp của nhà nước khuyến khích sinh đủ 2 con tại các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp.
"Đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2, mục đích là trong quá trình mang thai, phụ nữ cần nghỉ làm, bồi dưỡng sức khỏe", ông Sơn nói.
Cũng theo đó, dự thảo cũng đề xuất miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; xây dựng môi trường cộng đồng phù hợp, tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con.
Các tỉnh, thành có mức sinh thấp cũng cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con, thay vào đó cần khuyến khích sinh đủ 2 con.
“Nếu không có biện pháp can thiệp thì tình hình rất quan ngại. Các địa phương phải xác định thực trạng, xu hướng mức sinh của địa phương để có kế hoạch phù hợp thực tiễn”, ông Sơn nói.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhìn nhận tốc độ gia tăng dân số của Việt Nam đã được khống chế, đạt mức sinh thay thế suốt 15 năm qua, tức là trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở Việt Nam sinh khoảng 2,1 con. Song, Việt Nam đang đối mặt tình trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng.
Hiện 33 tỉnh, thành có mức sinh cao (trên 2,2 con), 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp (dưới 2 con). Một số nơi mức sinh rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung.
Các tỉnh, thành sinh thấp gồm: TP.HCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An...
"Các tỉnh mức sinh thấp có quy mô dân số gần 38 triệu người, chiếm gần 40% dân số cả nước, tác động rất lớn đến phát triển bền vững", Thứ trưởng Hương nói.
Theo các chuyên gia, mức sinh thấp để lại hệ lụy lâu dài, chi phí chăm sóc sức khỏe và chi phí xã hội khác cao hơn. Lượng người lao động, công nhân ít hơn cũng làm giảm khả năng cạnh tranh kinh tế, ít người tiêu dùng, từ đó khiến tăng trưởng kinh tế thấp hơn và mức sống giảm đi.
Theo NHƯ LOAN (VTC News)