Đồng Tháp: Tăng cường phòng, chống bệnh đau mắt đỏ lây lan trong cộng đồng
Cập nhật ngày: 26/09/2023 05:02:36
ĐTO - Bệnh đau mắt đỏ (ĐMĐ) đang gia tăng và lây lan nhanh trên cả nước. Tại tỉnh Đồng Tháp đã ghi nhận các chùm ca ĐMĐ tại các trường học, khu công nghiệp. Trước tình hình trên, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đồng Tháp yêu cầu Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường phòng, chống dịch bệnh ĐMĐ, hạn chế lây lan trong cộng đồng.
Thống kê tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp (BVĐKĐT), số người mắc bệnh ĐMĐ tăng gấp đôi trong thời gian gần đây, bệnh ĐMĐ có nguy cơ lây lan thành dịch. Các bác sĩ khuyến cáo, người mắc bệnh cần được điều trị kịp thời và thực hiện các biện pháp chống lây lan sang những người lành.
Bác sĩ CKI Võ Anh Tuấn - Khoa Mắt, BVĐKĐT cho biết: “ĐMĐ là tình trạng viêm kết mạc, xảy ra vào thời điểm giao mùa; vào mùa tựu trường, học sinh đi học nhiều, nên rất dễ cho sự phát triển mầm bệnh và tạo sự lây lan. Hiện tại, số bệnh nhân đến khám tại BVĐKĐT đã tăng gấp đôi so với những ngày trước, thường bệnh nhân đi khám đi cả gia đình: cha, mẹ, các con, ông, bà... những người ở chung với bệnh nhân là những đối tượng dễ lây lan nhất”.
Như trường hợp của gia đình anh Nguyễn Văn Sang (ngụ xã Mỹ Tân, TP Cao Lãnh) vừa đến khám mắt tại BVĐKĐT. 2 con trai của anh Sang bị ĐMĐ sau khi đi học về, sau đó, anh cũng bị lây bệnh, mắt sưng đỏ, khó chịu. Anh đưa các con đến bệnh viện khám để bác sĩ chẩn đoán điều trị.
Bà Bùi Thị Thum bị đau mắt đỏ đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp
Nhập viện được 3 ngày vì bị ĐMĐ, bà Bùi Thị Thum ở Ấp 2, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh bộc bạch: “Cách đây 3 ngày, mắt tôi bị ngứa, xốn như có hạt bụi, khó chịu lắm, có dùng thuốc nhỏ mắt, nhưng thấy càng ngày càng sưng, nên đến bệnh viện khám. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị ĐMĐ”.
Bác sĩ CKI Võ Anh Tuấn cho biết thêm: “Có nhiều nguyên nhân gây ĐMĐ, thường do virus, vi khuẩn và những tác nhân gây dị ứng, nhưng hiện tại để gây thành dịch thì virus là tác nhân chủ yếu. Bệnh ĐMĐ có các triệu chứng như: mắt đỏ, cộm xốn, mắt đổ ghèn, mi mắt sưng, đau nhức. Bệnh có thể kèm theo các triệu chứng khác như: ho, sổ mũi, cảm sốt... Nếu điều trị không đúng cách hoặc chậm trễ có thể gây ra biến chứng viêm giác mạc, loét giác mạc”.
Để phòng bệnh ĐMĐ, bác sĩ Võ Anh Tuấn khuyến cáo người dân: “Giữ vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, vệ sinh tay bằng xà phòng, nhỏ nước muối sinh lý để rửa mắt, mang kính khi đi ra ngoài để hạn chế gió và bụi bẩn, không tiếp xúc quá gần hay sử dụng chung vật dụng cá nhân với người đang mắc bệnh, hạn chế tới nơi đông người. Đối với học sinh, phụ huynh nên cho trẻ đeo khẩu trang, mắt kính phòng hộ khi đi học, hướng dẫn trẻ vệ sinh tay sau khi sử dụng những vật dụng công cộng, hạn chế tiếp xúc với những trẻ có dấu hiệu của bệnh”.
Bên cạnh đó, bác sĩ Võ Anh Tuấn nhấn mạnh, bệnh ĐMĐ không có thuốc phòng ngừa đặc hiệu, do đó, người dân không nên tự ý sử dụng thuốc phòng ngừa, thuốc duy nhất bệnh nhân có thể mua được là nước muối sinh lý để rửa mắt, hoặc vệ sinh mũi, họng sau khi đi những khu vực đông người về; nếu bệnh nhận có những dấu hiệu của ĐMĐ thì nên đi khám và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để tránh mua thuốc không đúng chỉ định nguy cơ bị những tác dụng phụ không mong muốn.
Trước tình hình dịch đau mắt đỏ gia tăng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp đã có văn bản yêu cầu Trung tâm Y tế huyện, thành phố tăng cường công tác giám sát, phát hiện, phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với phòng giáo dục, các trường học đóng trên địa bàn trong công tác phát hiện, báo cáo, phòng ngừa giảm thiểu lây lan; hướng dẫn xử trí, cách ly ca bệnh đối với các trường hợp ĐMĐ ghi nhận tại trường học, khu công nghiệp... hạn chế lây lan dịch, bệnh; tăng cường truyền thông hướng dẫn người dân, giáo viên, phụ huynh học sinh về các dấu hiệu bệnh đau mắt đỏ; khuyến cáo phòng ngừa lây lan, phân biệt với các bệnh lý về mắt khác, hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với các trường hợp nhẹ, khi đó dấu hiệu chuyển nặng cần nhập viện. Khuyến cáo người dân, khi có các dấu hiệu ĐMĐ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời; không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
SÔNG NGÂN