Gia Lai: Ngộ độc do ăn thịt cóc, 1 người tử vong
Cập nhật ngày: 07/04/2023 19:03:36
Ngày 7/4, theo báo cáo từ Trung tâm y tế huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, trên địa bàn vừa xảy ra vụ ngộ độc thịt cóc, khiến 2 nạn nhân phải điều trị tích cực; 1 nạn nhân tử vong.
2 cháu Đinh Thưn và Đinh Ngục đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Hồi sức Cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Chư Sê (Ảnh: Như Nguyện)
Theo đó, vào lúc rạng sáng 7/4, Khoa Hồi sức cấp cứu -Trung tâm y tế huyện Chư Sê có tiếp nhận 3 ca ngộ độc thịt cóc.
Nạn nhân gồm: Đinh Thưm, sinh ngày 21/2/2009, địa chỉ Ia H Bòng, xã Al bá, huyện Chư Sê; Đinh Ngục, sinh ngày 8/12/2017, làng Ia Sâm, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh; Nguyễn Đình Thanh Tú, sinh ngày 27/4/2021, làng Ia Sâm, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai.
Theo chẩn đoán ban đầu, cả 3 nạn nhân ngộ độc thịt cóc. Theo hồ sơ bệnh án, các bệnh nhân nhập viện lúc 3 giờ 45 phút trong tình trạng nôn ói nhiều lần. Quá trình cứu chữa 2 nạn nhân Đinh Thưm; Đinh Ngục sức khỏe ổn định và được chỉ định, nằm điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu, thuộc Trung tâm y tế huyện Chư Sê.
Riêng nạn nhân Nguyễn Đình Thanh Tú, huyết áp không đo được, mạch không bắt được, đồng tử giãn tối đa, da tím tái toàn thân. Mặc dù các bác sĩ tiến hành hồi sức cấp cứu tích cực nhưng sau 30 phút hồi sức không có kết quả đã ngưng tuần hoàn hô hấp dẫn đến tử vong.
Người nhà bệnh nhân cho biết, chiều 6/4, bà Đinh Jơt (sinh năm 1991) là mẹ đẻ của 3 cháu Đinh Thưn (sinh năm 2009), Đinh Ngục (sinh năm 2017) và Nguyễn Đình Thanh Tú (sinh năm 2021) đã bắt được 1 con cóc về làm thịt và nấu ăn.
Sau khi ăn thịt và trứng cóc tại nhà, khoảng 21 giờ cùng ngày, cả 3 cháu đều xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn ói, đi ngoài phân lỏng.
Khoảng 3 giờ sáng 7/4, các cháu được người nhà đưa lên Trung tâm y tế huyện Chư Sê để cấp cứu. Trong đó, cháu Nguyễn Đình Thanh Tú được xác định tử vong ngoại viện.
Ngay sau vụ việc xảy ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Gia Lai đã phối hợp Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh, Trạm y tế xã Ia Rong đến nhà bà Đinh Jơt điều tra xác minh, nhưng các mẫu thịt cóc, trứng cóc không còn, vì vậy Đoàn không tiến hành lấy mẫu thực phẩm.
Qua vụ việc đau lòng trên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã đề nghị Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh triển khai công tác truyền thông tại chỗ cho người dân về việc không làm, chế biến cóc để làm thức ăn; không nên ăn những thực phẩm đã nấu chín nhưng để lâu ở nhiệt độ thường; thực hiện ăn chín, uống chín, ăn ngay sau khi vừa được nấu chín, đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn.
Theo PHAN HÒA (NDO)