Gia tăng bệnh đột quỵ nhưng thiếu cơ sở điều trị

Cập nhật ngày: 10/09/2023 05:47:48

Mới đây, trong lúc đọc diễn văn khai giảng năm học mới, Hiệu trưởng của một trường THPT trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã bị đột quỵ, tử vong. Trước đó, một nam tài xế đang lái xe chở khách ở quận 5 (TPHCM) bỗng nhiên đột quỵ và không qua khỏi trên đường đến bệnh viện… Hồi chuông cảnh báo bệnh đột quỵ tiếp tục được gióng lên.


Cấp cứu, điều trị người bệnh đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân 115 (Ảnh: QUANG HUY)

“Căn bệnh tử thần” thời đại 4.0

PGS-TS Nguyễn Huy Thắng - Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, cho biết, theo bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất, với tỷ lệ ước tính hơn 218/100.000 dân. Nếu với dân số gần 100 triệu người, số ca đột quỵ sẽ vào khoảng trên 200.000 ca/năm. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam mới chỉ có 110 đơn vị, trung tâm đột quỵ được thành lập trên toàn quốc. Khi đột quỵ xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên, việc cấp cứu bệnh nhân buộc phải chạy đua với thời gian để cứu lấy từng tế bào não.

Do đó, cấp cứu trước viện ở bệnh nhân đột quỵ rất quan trọng, nếu thực hiện nhanh chóng thì sẽ giúp bệnh nhân rút ngắn thời gian đến được trung tâm đột quỵ gần nhất. Tuy nhiên, khá nhiều tỉnh, thành phố đến nay chưa có cơ sở điều trị hoặc có nhưng không duy trì thăm khám được 24/7, khiến nhiều bệnh nhân bỏ lỡ “thời gian vàng” điều trị trong những giờ đầu.

Theo TS-BS Nguyễn Bá Thắng - Trưởng Đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, đột quỵ là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc suy giảm đáng kể. Khi đó, não bộ rơi vào tình trạng thiếu oxy và không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút, nếu không được cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ chết dần. Mỗi phần não đều đảm nhận một chức năng nhất định như chức năng vận động, cảm giác, thị giác, thính giác...

Khi xảy ra đột quỵ, phần não bị hư hại không thể đảm nhận chức năng ban đầu, dẫn đến xuất hiện các triệu chứng: yếu liệt nửa người, tê và mất cảm giác, mất thị lực một bên hoặc mù hoàn toàn, mất ngôn ngữ, hôn mê...

“Đột quỵ được đánh giá là “căn bệnh tử thần” thời đại 4.0 vì có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào”, TS-BS Nguyễn Bá Thắng thông tin.

Thiếu đơn vị điều trị đạt chuẩn

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay, Việt Nam đã có 36 trung tâm đột quỵ được Chủ tịch Hội Đột quỵ thế giới trao chứng nhận đạt chuẩn Kim cương, Vàng, Bạch kim về đột quỵ. Trong đó, 7 bệnh viện đạt chuẩn Kim cương, 20 bệnh viện đạt chứng nhận Vàng, 9 bệnh viện đạt chứng nhận Bạch kim.

Những chuẩn này đòi hỏi các bệnh viện, trung tâm phải đáp ứng nhiều tiêu chí gắt gao trong điều trị dựa trên các khuyến cáo tốt nhất hiện nay dành cho bệnh nhân được Tổ chức Đột quỵ thế giới đánh giá và cấp theo từng quý.

Đối với chuẩn Kim cương, đòi hỏi thời gian bệnh nhân đột quỵ được cơ sở y tế cấp cứu, thăm khám, xét nghiệm, chụp CT, mời hội chẩn, dùng thuốc chỉ diễn ra trong vòng 45 phút.

“Để điều trị cấp tốc cho bệnh nhân đột quỵ trong 60 phút đầu khởi phát, giúp người bệnh phục hồi hoàn toàn thì việc thành lập các đơn vị đột quỵ đạt chuẩn rộng khắp rất cần thiết. Việc thành lập các đơn vị đột quỵ, với đội ngũ thầy thuốc và điều dưỡng đào tạo chuyên biệt, được xem là chiến lược mang lại lợi ích lớn nhất cho cộng đồng tại nhiều quốc gia. Đặc biệt, với yêu cầu điều trị càng sớm càng tốt trong “thời gian vàng”, các đơn vị đột quỵ cần đạt được số lượng cần thiết theo khoảng cách địa lý, nhằm đảm bảo việc bệnh nhân có thể đến được đơn vị đột quỵ trong 60 phút sau khi khởi phát”, PGS-TS Nguyễn Huy Thắng nhấn mạnh.

Theo PGS-TS Nguyễn Huy Thắng, còn khá nhiều tỉnh, thành phố lớn vẫn chưa có đơn vị đột quỵ. Tính ra, tại Việt Nam hiện nay, cứ 1 đơn vị đột quỵ phải phụ trách cho trên 2.000 bệnh nhân/năm, trong khi theo khuyến cáo, trong điều kiện lý tưởng thì chỉ 500 bệnh nhân/năm/đơn vị đột quỵ. Điều đó có nghĩa là Việt Nam sẽ cần 400 đơn vị đột quỵ cho 200.000 ca trong những năm tới.

Còn theo BS CKII Nguyễn Thị Phương Nga - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM, mỗi khu vực hoặc tỉnh tùy theo dân số sẽ cần bố trí một trung tâm đột quỵ và từ 2 - 4 đơn vị đột quỵ vệ tinh như phân tuyến trong điều trị. Trung tâm đột quỵ là tuyến cuối, đơn vị đột quỵ là tuyến 1, các cơ sở khám chữa bệnh không có đơn vị đột quỵ là tuyến cơ sở chuyển bệnh lên tuyến 1 và tuyến 1 lên tuyến cuối. Do đó, có 2 vấn đề cần giải quyết: tăng số lượng đơn vị đột quỵ; Bộ Y tế nên có quy hoạch các đơn vị đột quỵ cho các tỉnh, thành phố theo khoảng cách địa lý và dân số.

Loạn giá khám, tầm soát đột quỵ

Việc xuất hiện nhiều ca đột quỵ trong thời gian gần đây đã và đang trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người. Đánh vào tâm lý đó, nhiều cơ sở y tế tại TPHCM đã đẩy mạnh quảng cáo tầm soát căn bệnh này với mức giá từ vài triệu tới hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, việc làm quá nhiều các gói tầm soát vừa gây tốn kém, lại không hiệu quả.

Cụ thể, gói tầm soát đột quỵ được công bố trên website của hệ thống phòng khám Victoria với giá gần 4,3 triệu đồng; tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (quận 10) có giá 5,8 triệu đồng; tại Bệnh viện FV (quận 7) có giá 21,4 triệu đồng; tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (TP Thủ Đức) có giá 17,5 triệu đồng.

Theo THÀNH AN - KIM HUYỀN (SGGP)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn