Giám sát chặt các ca viêm phổi do virus, ngăn nguy cơ dịch chồng dịch
Cập nhật ngày: 31/07/2022 05:31:16
Qua báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, thời gian gần đây, số ca mắc cúm nhập viện có xu hướng gia tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối, trong đó phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm A.
Không ít trường hợp mắc cúm A nhưng biến chứng nặng, phải nhập viện điều trị
Trước số người mắc cúm A đang tăng rất cao, Bộ Y tế vừa có công văn tốc gửi sở y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị chức năng trực thuộc yêu cầu tăng cường phòng chống dịch bệnh đường hô hấp.
Theo đó, Bộ Y tế nêu rõ, hàng năm, Việt Nam ghi nhận từ 600.000 - 1.000.000 ca mắc cúm mùa, số mắc có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa hè - thu và đông - xuân.
Qua báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, thời gian gần đây, số ca mắc cúm nhập viện có xu hướng gia tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối, trong đó phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm A nhưng không phải chủng độc lực cao.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm gia cầm A(H5N1), A(H5N6), A(H5N8), A(H7N9). Cùng với đó, Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện của cả 2 biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron trong cộng đồng và có sự gia tăng số mắc Covid-19 gần đây.
Để chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch chồng dịch, Bộ Y tế yêu cầu giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố, giám đốc các bệnh viện, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur khẩn trương chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch cúm mùa, Covid-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác, triển khai xử lý các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng.
Đẩy mạnh giám sát viêm phổi nặng do virus, các chùm ca bệnh cúm tại cộng đồng, cơ sở khám chữa bệnh, kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
Đối với các bệnh viện, thực hiện tốt công tác phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, sàng lọc bệnh. Đảm bảo công tác thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, đặc biệt chú ý đối với các trường hợp mắc cúm trong nhóm nguy cơ cao như: phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính, người già và trẻ em nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo, không để lây lan và bùng phát các ổ dịch tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Đặc biệt, tăng cường phối hợp với Viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur triển khai thực hiện lấy mẫu các trường hợp có biểu hiện bất thường, giải trình tự gene để xác định các chủng cúm đang lưu hành, phát hiện sớm các biến thể mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 và các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác. Kiện toàn các đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong trường hợp cần thiết, nhằm hạn chế tối đa các trường hợp mắc diễn biến nặng và tử vong.
Bộ Y tế yêu cầu giám sát chặt chẽ các trường hợp viêm phổi do virus để kịp thời phát hiện các ổ dịch
Đối với Viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur, cần đẩy mạnh các hoạt động chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn cho các trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố và bệnh viện tăng cường giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm để đảm bảo an toàn sinh học, chất lượng mẫu bệnh phẩm, chủ động phát hiện sớm các trường hợp viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi không rõ nguyên nhân tại cộng đồng và tại các cơ sở khám chữa bệnh để xử lý sớm, triệt để, hạn chế tối đa sự lây lan trong cộng đồng.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân; thường xuyên đeo khẩu trang; rửa tay với xà phòng; che miệng khi ho, hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi; không tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị mà cần phải tuân theo chỉ định của cán bộ y tế; tăng cường chất dinh dưỡng, tập thể dục nâng cao thể trạng; tiêm chủng đầy đủ vaccine.
|
Theo MINH KHANG (SGGPO)