Hướng đến đảm bảo an toàn thức ăn đường phố
Cập nhật ngày: 11/04/2014 05:51:16
Trong tháng 4/2014, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm triển khai thực hiện Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2014 với chủ đề “An toàn thực phẩm thức ăn đường phố”. Qua đó, cơ quan chức năng sẽ mở các đợt thanh, kiểm tra hàng loạt các điểm kinh doanh, chế biến thức ăn đường phố tại các địa phương, nhằm giảm thiểu nguy cơ mất an toàn vệ sinh do loại hình kinh doanh này gây ra.
Thức ăn đường phố tiềm ẩn nguy cơ
ngộ độc thực phẩm (ảnh tư liệu)
Đa số các loại thức ăn đường phố được bán ở chỗ đông người qua lại như vỉa hè, trước cổng trường học, chợ, nhà thi đấu, khu vui chơi... Khu liên hợp thể dục thể thao, phường Mỹ Phú, TP.Cao Lãnh có nhiều gian hàng kinh doanh thức ăn đường phố. Khoảng 17 giờ hàng ngày, các gian hàng thức ăn đường phố nhộn nhịp hẳn lên. Toàn khu vực này, có khoảng 100 gian hàng bán các loại đồ ăn, thức uống trên các tuyến đường chính. Trái với sự đa dạng về các loại đồ ăn, thức uống là sự “tiết kiệm” trong vệ sinh chén dĩa, ly tách bởi nước rửa ở đây khá khan hiếm.
Một số gian hàng đồ ăn vặt được bố trí bên cạnh miệng cống rãnh để tiện việc thoát nước khi rửa chén, dĩa như gian hàng bán các loại cua, sò, ốc, cháo lòng ngay vòng xoay Khu liên hợp; một số gian hàng bán các loại bánh xèo, bánh cống trên đường Tôn Đức Thắng cũng sử dụng nước rửa dè sẻn và đôi khi rửa ngay chỗ miệng cống thoát nước. Thông thường, những gian hàng bán thức ăn tại đây cũng chỉ sắm tối đa 3 thùng (hoặc thau) nước rửa chén, dĩa. Một thùng để tráng sơ thức ăn, thùng thứ 2 rửa nước rửa chén, thùng thứ 3 rửa lại nước sạch. Đa số người bán ở đây thường không thay thùng nước khác để rửa chén dĩa cho sạch. Lý do được người bán giải thích là “đi lấy nước xa, rửa vậy là sạch rồi?!”.
Thức ăn đường phố là nét văn hóa truyền thống của mỗi địa phương, mỗi vùng, mỗi món ăn khác nhau, tạo nên sự đa dạng trong văn hóa ẩm thực. Tuy nhiên, thức ăn đường phố cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm do cơ sở vật chất không đảm bảo vệ sinh, nơi bán hàng gần khu vực công cộng, bến tàu xe, sử dụng phẩm màu trong chế biến thực phẩm. Từ năm 2005 đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã từng bước chấn chỉnh lại loại hình thức ăn đường phố. Tuy nhiên, do thói quen cung, cầu nên việc quản lý loại hình ăn uống đường phố này vẫn chỉ mới thực hiện ở phạm vi hẹp. Tại TP.Cao Lãnh, TP.Sa Đéc hiện có mô hình thí điểm bán thức ăn đường phố. Theo đó, những hộ bán thức ăn đường phố được phát tờ rơi, dán thông điệp vệ sinh thực phẩm ngay phía trước gian hàng. Cơ quan chức năng sẽ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý các gian hàng kinh doanh, chế biến thức ăn vi phạm. Ngoài việc thí điểm mô hình, tại địa phương, công tác kiểm tra nhắc nhở các hộ kinh doanh, chế biến được giao cho UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp cùng với y tế địa phương thực hiện. Thỉnh thoảng, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh, huyện trực tiếp lấy mẫu kiểm tra đột xuất.
Hiện nay, thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng thực phẩm đường phố người tiêu dùng cao, việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc. Nhằm ngăn ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm, trong tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2014 (từ ngày 15/4 đến 15/5), Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm, nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia, nguồn nước dùng cho chế biến thức phẩm. Qua kiểm tra, một số mẫu thực phẩm sẽ được mang về kiểm tra nhanh các chỉ tiêu an toàn theo quy định. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật.
C.Phương