Mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
Cập nhật ngày: 25/09/2017 10:38:02
Thời gian qua, việc phòng, chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại một số địa phương trong tỉnh gặp không ít khó khăn. Theo ngành y tế, ngoài những nguyên nhân khách quan do mưa nắng thất thường là điều kiện thuận lợi cho muỗi gây bệnh SXH phát triển, thì còn có nhiều yếu tố chủ quan như: người dân vẫn còn lơ là, ý thức phòng, chống bệnh chưa cao, thậm chí có hộ dân không hợp tác với cán bộ y tế trong công tác phòng, chống dịch dẫn đến hiệu quả chưa cao.
Để đề phòng bệnh sốt xuất huyết, mỗi người dân cần thường xuyên diệt muỗi, diệt lăng quăng
Qua khảo sát thực địa tại một số địa phương trong tỉnh về công tác phòng, chống SXH, ngành y tế cho biết, vẫn còn một số hộ dân sử dụng nhiều dụng cụ chứa nước nhưng không đậy kín; các vật dụng bỏ phế: chai, lọ, vỏ dừa... chưa được kiểm soát, loại bỏ nguy cơ trú ẩn của muỗi đã tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sôi, phát triển. Đây chính là những nguyên nhân khiến tỷ lệ muỗi vằn và lăng quăng tồn tại trong môi trường cao.
Để công tác phòng, chống SXH hiệu quả, ngày 21/9/2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh phối hợp với ngành y tế, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống SXH trên tất cả kênh truyền thông; nhấn mạnh việc triển khai một cách thường xuyên và liên tục các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng bằng phương pháp dân gian, sinh học: thả cá, ngủ mùng, mặc quần áo dài tay; chú trọng nâng cao kỹ năng thực hành diệt lăng quăng ở những dụng cụ chứa nước, lọ hoa, bánh xe, chum, vại,...
Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân cấp huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân cấp xã phối hợp với ngành Y tế thường xuyên giám sát và hỗ trợ kỹ thuật cho người dân: vệ sinh nhà cửa, phát quang bụi rậm, khai thông cống rảnh, lật úp các dụng cụ chứa nước, vật phế thải...
Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế tuyến huyện, xã, nhân viên y tế khóm, ấp phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên đến nhà tuyên truyền, nhắc nhở người dân diệt muỗi, diệt lăng quăng, khảo sát các chỉ số muỗi, lăng quăng ở cộng đồng để có biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH kịp thời. Các đơn vị trực thuộc giám sát, kiểm soát chặt chẽ các ổ dịch, tích cực tuyên truyền đến người dân các dấu hiệu, triệu chứng để sớm phát hiện bệnh và đưa vào cơ sở y tế gần nhất...
Cộng đồng cùng chung tay, góp sức phòng, chống SXH, thực hiện phương châm “Không có lăng quăng, không có SXH”, “Không bệnh, không tốn hao sức khỏe sẽ không hao mòn kinh tế”.
NGUYỄN HIỀN