Nâng cao hiệu quả truyền thông, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Cập nhật ngày: 20/09/2022 17:00:09

ĐTO - Công tác thông tin, tuyên truyền được xem là một trong những giải pháp quan trọng nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS). Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng dân số, cải thiện đời sống Nhân dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.


Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình triển khai tập huấn kiểm soát 
mất cân bằng giới tính khi sinh cho cán bộ, cộng tác viên trên địa bàn tỉnh

HIỆU QUẢ BƯỚC ĐẦU TRONG GIẢM THIỂU MCBGTKS

Tại tỉnh Đồng Tháp, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về công tác dân số và phát triển trong tình hình mới là nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, giảm thiểu MCBGTKS trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về công tác dân số và phát triển. Sở Y tế đã triển khai các Kế hoạch số 25 ngày 11/3/2022 về thực hiện Chương trình truyền thông về dân số; về MCBGTKS và các hành vi vi phạm pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi đến năm 2030; Kế hoạch số 40 ngày 14/4/2022 về thực hiện Đề án kiểm soát MCBGTKS tỉnh Đồng Tháp năm 2022.

Những năm qua, tỉnh ta đã hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh về chính sách này cũng được nâng lên rõ rệt. Mô hình gia đình 2 con được chấp nhận ngày càng rộng rãi; số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai ngày càng tăng. Quy mô dân số dần được ổn định và trong tầm kiểm soát, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên luôn giữ dưới 1%. Cơ cấu dân số vàng là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.

Ông Lê Văn Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ cho biết, công tác DS-KHHGĐ luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Nhiều hoạt động được tổ chức thực hiện theo kế hoạch, từ củng cố tổ chức bộ máy, đào tạo tập huấn, nâng cao chất lượng cán bộ đến hoạt động truyền thông.

Theo số liệu thống kê dân số, kết quả tỷ số giới tính khi sinh toàn tỉnh năm 2019 là gần 103 bé trai/100 bé gái, năm 2020 là 103 bé trai/100 bé gái, năm 2021 là 106 bé trai/100 bé gái. Kết quả này cho thấy, tỷ lệ giới tính khi sinh của tỉnh được duy trì trong quy luật tự nhiên (103 -107 bé trai/100 bé gái). Điều này cho thấy sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân.

Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Lê Văn Hùng chia sẻ: “Những kết quả trên tạo tiền đề căn bản để tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2021-2025, nhất là tiếp tục đưa mức sinh về mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con); đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.


Nhân viên y tế TP Sa Đéc tư vấn trực tiếp cho người dân

ĐA DẠNG HÌNH THỨCTRUYỀN THÔNG VỀ DÂN SỐ

Nhận thức rõ hệ lụy của tình trạng MCBGTKS, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã chủ động chỉ đạo các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội và tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kiểm soát tình trạng MCBGTKS.

Ngành y tế đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức chính trị xã hội, các địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm thay đổi nhận thức của người dân về bình đẳng giới như: đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động, khuyến khích, hỗ trợ, nâng cao vị thế, vai trò của nữ giới trong gia đình, xã hội. Các biện pháp khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh được tăng cường, thông qua việc cung cấp đầy đủ, thường xuyên thông tin về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng MCBGTKS tại các hội nghị chuyên đề của các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương.

Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức truyền thông nhóm nhỏ, tư vấn tại cộng đồng, nói chuyện chuyên đề dành cho các cặp vợ chồng, nam giới, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, thanh niên và những người có uy tín trong cộng đồng về tình trạng MCBGTKS và những hệ lụy xã hội; phổ biến các quy định pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho các nhóm đối tượng liên quan tại cộng đồng; đồng thời duy trì và xây dựng mới những Câu lạc bộ Tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, vận động các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, các cặp vợ chồng sinh con một bề tham gia sinh hoạt câu lạc bộ.

Hàng năm, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức các chiến dịch truyền thông, lồng ghép cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản, KHHGĐ đến các địa phương khó khăn, đặc biệt tuyên truyền tập trung tại các địa phương có mức sinh cao; in ấn và cấp phát tài liệu tuyên truyền không lựa chọn giới tính thai nhi vì sự phát triển bền vững của gia đình và xã hội; tổ chức họp mặt, biểu dương trẻ em gái trong gia đình sinh con một bề là học sinh giỏi.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng huy động các chức sắc tôn giáo, trưởng khóm, ấp, khu dân cư, người có uy tín trong cộng đồng tích cực ủng hộ các hành vi có lợi về dân số và phát triển; lồng ghép nội dung truyền thông dân số và phát triển vào sinh hoạt cộng đồng; đưa tiêu chí về dân số và phát triển vào hương ước, quy ước của cộng đồng, tiêu chuẩn khóm, ấp văn hóa, gia đình văn hóa; ký cam kết không hỗ trợ lựa chọn giới tính thai nhi; xây dựng hòm thư, đường dây nóng thu nhận tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tuyên truyền, lựa chọn giới tính thai nhi ở cộng đồng dân cư; thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về dân số và xử lý nghiêm hành vi vi phạm.

Bằng các giải pháp đồng bộ, đặc biệt là việc triển khai hiệu quả giảm thiểu MCBGTKS đã góp phần làm chuyển biến công tác dân số, tỷ số giới tính khi sinh tại tỉnh đang dần được kiểm soát. Ước tính đến tháng 6/2022, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh Đồng Tháp vẫn giữ ở mức 106 bé trai/100 bé gái. Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn tỉnh vẫn ổn định, tuy nhiên theo số liệu thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ, một số địa phương có tỷ số giới tính khi sinh bé trai/bé gái đã tăng vượt mức quy định. Năm 2021, tại các huyện: Lai Vung, Tam Nông, Tân Hồng, tỷ số giới tính khi sinh bé trai/bé gái lần lượt là gần 113 bé trai/100 bé gái; trên 112 bé trai/100 bé gái; 111 bé trai/100 bé gái.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả đề án Kiểm soát MCBGTKS, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tăng cường phối hợp với Thanh tra Sở Y tế tổ chức thanh tra các cơ sở siêu âm, cơ sở kinh doanh sách báo liên quan đến lựa chọn giới tính khi sinh; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chính sách về DS-KHHGĐ; lồng ghép nội dung công tác dân số và phát triển vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tiếp tục chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát các huyện triển khai đề án, nhằm thúc đẩy các hoạt động tại địa phương; nâng cao hiệu quả các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của cộng đồng dân cư; cung cấp dịch vụ KHHGĐ, quan tâm các đối tượng đặc thù... góp phần nâng cao chất lượng dân số, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, từng bước thay đổi đời sống Nhân dân theo hướng tích cực.

SÔNG NGÂN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn