Lấp Vò
Nhận thức của người dân về sinh đẻ có kế hoạch được nâng cao
Cập nhật ngày: 16/09/2013 05:06:49
Thời gian qua, nhận thức về sinh đẻ có kế hoạch của người dân trên địa bàn huyện Lấp Vò ngày càng được nâng lên. Đa số người dân đều nắm được những kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe trong từng độ tuổi, thời kỳ mang thai và nâng cao kiến thức nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Bên cạnh đó, những tư tưởng lạc hậu dần được xóa bỏ.
Anh Lê Ngọc Hiền, ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Thạnh là một điển hình về việc sinh đẻ có kế hoạch. Vợ chồng anh hiện có hai cô con gái, anh lại là con trai út, điều kiện kinh tế gia đình khá giả. Dù bản thân rất mong muốn có được một đứa con trai để nối dõi, nhưng nhận thức được việc sinh đông con không chỉ ảnh hưởng đến việc chăm sóc con cái không được chu đáo, kinh tế gia đình mà sức khỏe người vợ cũng không được đảm bảo tốt, vợ chồng anh Hiền quyết định dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt.
Tương tự như anh Hiền, anh Nguyễn Văn Thành, ấp Bình Hòa, xã Bình Thành cũng có hai cô con gái và quyết định không sinh con nữa. Anh Thành cho biết: “Thấy bà con ở đây sinh con nhiều vất vả quá, con cái lo không nỗi phải bỏ học nửa chừng. Dù có hai đứa con gái nhưng vợ chồng bàn lại không sinh thêm nữa, trai gái gì thì nó cũng là con của mình”.
Ý thức của người dân về sinh đẻ có kế hoạch được nâng lên, góp phần giúp cho công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của huyện Lấp Vò đạt được những kết quả quan trọng. Từ đầu năm 2013 đến nay, toàn huyện có 1.204 trẻ được sinh ra (giảm 208 trẻ so cùng kỳ năm 2012), trong đó con thứ ba trở lên là 54 trẻ (giảm 9 trẻ so cùng kỳ năm 2012). Song song đó, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng đã áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, tổng số lượt áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 11.530 trường hợp, đạt 90,4% chỉ tiêu kế hoạch năm, tăng 13,14% so với cùng kỳ năm 2012.
Có được những kết quả trên là do thời gian qua công tác DS-KHHGĐ được các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trên địa bàn huyện đặc biệt quan tâm, đã ban hành nhiều Nghị quyết, văn bản liên quan đến chính sách công tác DS-KHHGĐ. Hàng năm, đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số, cộng tác viên không ngại khó khăn xuống tận hộ gia đình, địa bàn tuyên truyền vận động theo phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.
Ngoài ra, ngành dân số huyện cũng đề ra nhiều giải pháp, cách thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sinh đẻ có kế hoạch, huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, đoàn thể trong việc đẩy mạnh tuyên truyền vận động và tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS)/KHHGĐ,... giúp các chị em phụ nữ có điều kiện tiếp cận với những phương thức chăm sóc sức khỏe hiện đại, phát hiện sớm các bệnh phụ khoa để kịp thời chữa trị, giảm tỷ lệ tử vong khi thai nghén; phòng ngừa và điều trị có hiệu quả các bệnh nhiễm khuẩn qua đường sinh sản và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục,...
Ông Lê Văn Hoằng - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Lấp Vò cho biết: “Thời gian tới, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp. Trọng tâm là tăng cường công tác truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số, SKSS/KHHGĐ, đây là giải pháp quan trọng trong thực hiện công tác DS-KHHGĐ của huyện. Công tác truyền thông cần tập trung ưu tiên các địa bàn có mức sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao, đối tượng có nguy cơ và tình trạng sức khỏe sinh sản kém. Chủ động và đa dạng hóa mô hình, hình thức truyền thông, nhất là tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh huyện, xã; truyền thông của cán bộ dân số và lực lượng cộng tác viên thông qua sinh hoạt nhóm và truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình”.
Cẩm Nhung