Nhiễm khuẩn bệnh viện: nguyên nhân tử vong của 1/2 trẻ sơ sinh

Cập nhật ngày: 24/11/2017 09:06:44

Bốn trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh tử vong được nhận định nguyên nhân do nhiễm khuẩn bệnh viện. 19 cháu được chuyển lên tuyến trên điều trị cũng được các bác sĩ nhận định mắc cùng chung bệnh lý... nhiễm khuẩn bệnh viện.

Thêm một lần nữa, nhiễm khuẩn bệnh viện lại được cảnh báo là nguyên nhân gây ra nhiều ca tử vong cho con người và cần phải được triển khai nhiều biện pháp cấp bách hơn nữa.


Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai chăm sóc trẻ sơ sinh được chuyển tuyến từ Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh

Vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện chưa được chú trọng

Theo TS.BS Trương Anh Thư (Phó trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai), tác nhân chính gây nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) là 78% trực khuẩn gram (-); 19% cầu khuẩn gram (+) và 3% nấm. Các yếu tố liên quan tới NKBV gồm bệnh nhân nặng điều trị tại đơn vị hồi sức cấp cứu, ngoại, bệnh nhân trải qua nhiều thủ thuật xâm nhập và bệnh nhân nhi.

Hằng năm thế giới có khoảng 2 triệu bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn bệnh viện làm 90.000 người tử vong và chi phí y tế tăng thêm 4,5 tỷ USD. Tại các nước phát triển, có khoảng 5 - 10% người bệnh nằm viện bị nhiễm khuẩn bệnh viện.

Trong hội thảo mới đây nhất của Bộ Y tế, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Hoàng Văn Thành từng chỉ ra, việc kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện đang ở mức thấp, công tác giám sát nhiễm khuẩn chưa được thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế. Hiện nay, có 72,06% bệnh viện đã xây dựng kế hoạch giám sát nhiễm khuẩn hằng năm, nhưng việc thực hiện giám sát vẫn rất thấp. Chỉ có 35,29% bệnh viện có bộ phận giám sát nhiễm khuẩn chuyên trách. Tỷ lệ NKBV tại Việt Nam dao động từ 4,2-8,1%.

Trong cuộc khảo sát gần đây nhất cho thấy, các bệnh viện tuyến Trung ương có tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện cao hơn bệnh viện tuyến cơ sở. Nguy hiểm hiện nay là các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh đặc trị dao động trong khoảng 50% đến 75%.

Mặc dù quy trình giám sát nhiễm khuẩn đã có, nhưng tỷ lệ tuân thủ của nhân viên y tế mới chỉ đạt 50%, trong khi của các nước phát triển lên đến 90%... Những lỗ hổng này là con đường để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Việc triển khai giám sát nhiễm khuẩn kém, dẫn tới khó kiểm soát được thực trạng nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế.

PGS, TS Nguyễn Việt Hùng (Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, mỗi năm Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khoảng 700 bệnh nhân vào các khoa hồi sức tích cực, và được kiểm soát, theo dõi nhiễm khuẩn hằng ngày. Hiện nay, các nhân viên y tế chưa có chuẩn trong việc thực hiện việc chống nhiễm khuẩn. Có người áp dụng cao quá mức cần thiết, có người lại áp dụng chưa đủ yêu cầu dẫn đến đánh giá chất lượng khó khăn. Nếu kiểm soát nhiễm khuẩn không tốt, môi trường không tốt, nhân viên y tế không tuân thủ… thì không chỉ một người bệnh bị nhiễm mà sẽ lây lan cho các bệnh nhân bên cạnh.

Bên cạnh đó, tình trạng người nhà quá đông và luôn muốn chăm sóc trực tiếp người bệnh cũng chính là nguồn lây lan vi khuẩn. TS Hùng nhấn mạnh, chống NKBV không chỉ là câu chuyện của nhân viên y tế mà còn của cả gia đình người bệnh.

Tỷ lệ trẻ sinh non tử vong khi mắc nhiễm khuẩn bệnh viện có thể lên tới 50%

Theo PGS,TS Nguyễn Việt Hùng (Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, trẻ sơ sinh, đặc biệt trẻ sinh non là đối tượng có nguy cơ nhiễm cao nhất và khi đã mắc nhiễm khuẩn thì tỷ lệ tử vong sẽ rất cao do chưa hoàn chỉnh hệ thống miễn dịch. Tỷ lệ tử vong khi mắc nhiễm khuẩn bệnh viện có thể lên tới 50%.


Chống nhiễm khuẩn cho bệnh nhi sinh non cần sự vào cuộc của cả gia đình và nhân viên y tế

Ngoài công tác thực hiện chống nhiễm khuẩn của đội ngũ y tế, việc chăm sóc những cháu bé này còn phụ thuộc rất lớn vào gia đình vì môi trường xung quanh đều có nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn cho cơ thể non nớt của các cháu bé. “Vi khuẩn luôn tồn tại trong phòng, lồng ấp và trên da của trẻ. Khi tiêm, truyền, cho ăn, vi khuẩn sẽ nhanh chóng xâm nhập vào cơ thể trẻ. Do đó, phòng ngừa vi khuẩn phải phòng ngừa từ môi trường. Chỉ cần một hành vi như thăm hỏi, ru cháu, sờ vào cháu... đều là hành vi mang vi khuẩn, dễ xâm nhập vào cơ thể vốn đã có hệ thống miễn dịch kém” - BS Hùng nói.

PGS,TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết có hai loại vi khuẩn là vi khuẩn môi trường và vi khuẩn bệnh viện. Trong đó, vi khuẩn ở môi trường bệnh viện rất nguy hiểm do dễ nhờn với kháng sinh, rất khó trong công tác điều trị, đặc biệt là trẻ sinh non.

Những bài học đau đớn vì nhiễm khuẩn bệnh viện

Dịch sởi năm 2014 là bài học vô cùng đau đớn. Các gia đình chủ quan tiêm chủng phòng bệnh, bệnh nhân dồn lên tuyến trên khiến quá tải, công tác phân loại bệnh nhân chưa tốt, phân tuyến chưa rõ ràng, cho nằm chung các cháu mắc sởi nặng với các ca bệnh khác, kiểm soát nhiễm khuẩn kém... dẫn tới tình trạng lây nhiễm chéo khiến hơn 100 trẻ em tử vong.

NKBV thêm một lần nữa đã cướp đi sinh mạng của bốn trẻ sinh non tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh và đe dọa tính mạng của nhiều cháu bé khác, trong đó có 19 cháu đã được chuyển lên tuyến trên điều trị.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, có 4/8 cháu trong tình trạng nặng. Các cháu bé được điều trị với phác đồ nhiễm khuẩn huyết và được cách ly riêng. PGS,T S Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi cho biết, đã có kết quả cấy vi khuẩn trong máu của hai bệnh nhi nặng. Đây là loại vi khuẩn kháng thuốc, thậm chí đa kháng thuốc nên việc điều trị đặt vào tình trạng tối đa. Bệnh viện đang dốc toàn lực để điều trị tích cực bằng kháng sinh mạnh nhất, cộng với thuốc tăng cường miễn dịch cho hai cháu bé.

Trong 3/8 cháu bé được chuyển lên Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai có một cháu bé trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, có vi khuẩn đa kháng thuốc. Các bác sĩ Bạch Mai đang nỗ lực để giành giật lại sự sống cho cháu bé này vì cơ thể cháu bé mắc đa bệnh xuất huyết não, tim to, bụng trướng, gan tổn thương...

Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, TS Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh cho biết, chiều ngày 21/11, tất cả các cháu chuyển đến BV Phụ sản Trung ương đều phải thở máy, tuy nhiên đến chiều ngày 22/11, có 3/7 cháu nhẹ cân từ 1kg đến 1,4 kg hiện đang có sự hỗ trợ của máy trợ thở, 4/7 cháu thở ô-xi. Dự kiến có 2-3 cháu sẽ ra viện trong tuần tới. Riêng có ba cháu cân nặng 1-1,4 kg dự kiến sẽ phải nằm nuôi dưỡng trong lồng ấp từ 1 đến 2 tháng.

Sau sự việc bốn trẻ sơ sinh tử vong, hiện Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh đang được tiến hành các biện pháp xử lý nhiễm khuẩn bệnh viện bằng cách giảm bớt số bệnh nhân tại đơn nguyên sơ sinh, giải phóng giường bệnh để tiệt khuẩn môi trường. Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh cũng đã cấy vi khuẩn các mẫu bệnh nhi, nhân viên y tế ở khu vực chăm sóc trẻ sinh non để tìm tác nhân gây nhiễm khuẩn.

Nhiễm khuẩn liên quan tới chăm sóc y tế đang là gánh nặng cho người dân cũng như cho các cơ sở khám, chữa bệnh. NKBV làm tăng tỷ lệ người bệnh tử vong, tăng biến chứng, tăng ngày nằm điều trị, tăng mức sử dụng kháng sinh, tăng sự kháng thuốc của vi sinh vật, tăng chi phí dùng thuốc và gánh nặng bệnh tật cho cả người bệnh và hệ thống y tế. Một lần nữa, sau vụ việc tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh, câu chuyện NKBV lại được đặt ra một cách cấp bách cho ngành y tế, cần phải tăng cường hơn nữa công tác giám sát nhiễm khuẩn.

THIÊN LAM (NDĐT)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn