Phòng tránh ngộ độc rượu
Cập nhật ngày: 20/03/2017 05:47:34
Sử dụng đồ uống có cồn (rượu, bia) hiện đang là một trong những yếu tố nguy cơ chủ yếu gây ra các bệnh lý nguy hiểm, dễ tử vong như: tim mạch, ung thư, đái tháo đường,... Điều đáng báo động là mức độ tiêu thụ đồ uống có cồn tại Việt Nam đang đứng đầu trong khu vực ASEAN, đứng thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ rượu, bia. Bên cạnh đó, phải nhắc đến tình trạng ngộ độc rượu, một vấn đề luôn có nguy cơ xảy ra hàng ngày, hàng giờ trên khắp cả nước, đặc biệt là các dịp lễ, Tết.
Theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, nguyên nhân gây ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu, uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể; sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm như: uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; uống rượu ngâm với thảo mộc (lá, rễ, hạt cây) hoặc ngâm với động vật (như mật, phủ tạng...).
Mỗi đơn vị cồn thường có từ 8-14g cồn nguyên chất chứa trong dung dịch đó. Mỗi đơn vị tương đương: 1 lon bia 270-330ml 2-12o hoặc 1 chén rượu vang 125ml 9-18o hay 1 chén rượu mạnh 40ml 40o. Nam giới uống quá 3 đơn vị rượu/ngày; nữ giới uống quá 2 đơn vị rượu/ ngày được coi là lạm dụng rượu.
Các dấu hiệu và triệu chứng của ngộ độc rượu gồm: lú lẫn, nói lắp nghiêm trọng, mất phối hợp, ói mửa, động kinh, thở chậm (ít hơn tám hơi thở một phút), nhịp thở không đều, da xanh hoặc da nhợt nhạt, thân nhiệt thấp, bất tỉnh.
Các biến chứng do ngộ độc rượu:
Rượu là một chất kích thích dạ dày và có thể gây nôn mửa. Nó cũng làm giảm phản xạ há miệng. Điều này làm tăng nguy cơ bị nghẹt thở vì chất nôn nếu uống rượu quá mức, cũng có thể dẫn đến một sự gián đoạn nguy hiểm hoặc gây tử vong do ngạt thở nếu vô tình hít phải chất nôn vào phổi. Nôn quá nhiều cũng có thể dẫn đến mất nước nghiêm trọng.
Trong trường hợp nghiêm trọng nhất, ngộ độc rượu có thể dẫn đến hôn mê, tổn thương não và tử vong. Những người sống sót có thể có tổn thương não vĩnh viễn không thể phục hồi.
Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia, cần thực hiện các nguyên tắc sau:
Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.
Không uống rượu nồng độ từ 30o trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.
Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
Không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu, bia.
Uống rượu lâu ngày dễ dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột; da, niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu; thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan; nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần... Phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có thể gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi. Vì vậy, để bảo đảm sức khỏe cho mọi người, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo về việc sử dụng thức uống có cồn như sau:
Uống dưới 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, dưới 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày trong 1 tuần. Đặc biệt, không sử dụng rượu, bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu, bia làm cho bệnh nặng lên.
Tường VI/Trung tâm TT-GDSK