Phụ huynh và vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ nhỏ

Cập nhật ngày: 13/10/2020 05:33:57

ĐTO - Hiện nay, vấn nạn ấu dâm và xâm hại tình dục trẻ em vẫn đang là vấn đề đáng báo động nhưng không ít bậc phụ huynh lại phó thác cho trường học việc giáo dục giới tính (GDGT) cho con mình hoặc nghĩ rằng “nó còn rất nhỏ” nên bỏ qua việc này. Thế nhưng GDGT cho trẻ mầm non và tiểu học tại nhà là điều vô cùng cần thiết và quan trọng để giúp trẻ tự bảo vệ bản thân tránh bị xâm hại.


Phụ huynh nên chú trọng giáo dục giới tính cho trẻ từ sớm, ít nhất là với trẻ tiểu học và mầm non

Nhiều phụ huynh còn tâm lý “ngại” và mắc sai lầm

Chị Cao Thị Diệu ở Phường 4, TP.Cao Lãnh đã bắt đầu GDGT cho con gái khi bé học lớp hai. Chị bắt đầu các buổi nói chuyện về giới tính với con thông qua việc cho bé xem phim hoạt hình về cách phòng tránh xâm hại tình dục ở trẻ em. Sau đó, chị giải thích thêm về những vùng nhạy cảm trên cơ thể của trẻ mà bất kể ai, kể cả người thân trong gia đình cũng không được phép nhìn hoặc đụng chạm. Ngoài ra, chị cũng chia sẻ với con về việc làm thế nào để có em bé rồi từ đó chỉ bảo con.

Chị Diệu là một trong số rất ít phụ huynh dạy về vấn đề này cho con. Đa số các phụ huynh chia sẻ cảm thấy khó khi trao đổi với các con về chủ đề giới tính và tình dục. Nhiều người còn cho rằng: lớn lên con sẽ tự hiểu, không nên “Vẽ đường cho hươu chạy” hay đến tuổi dậy thì mới bắt đầu dạy,... Chị Nguyễn Thị Diễm ở xã Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh cho biết: Khi con có những câu hỏi tò mò về giới tính, về các bộ phận khác so với các bạn khác giới thì chị thường lảng tránh, phớt lờ cho là những câu hỏi không phù hợp hoặc chỉ trả lời mập mờ cho qua chuyện. Còn chị Châu Thị Út ở xã Tịnh Thới, TP.Cao Lãnh nói: “GDGT cho trẻ từ sớm khiến trẻ coi tình dục là thứ bình thường, dễ sa vào các mối quan hệ yêu đương sớm, dẫn đến quan hệ tình dục sớm”.

Theo Thạc sĩ Trần Văn Thọ - Giảng viên Bộ môn Tâm lý học, Trường Đại học Đồng Tháp: Những quan điểm trên của các bậc phụ huynh có thể phù hợp trong thời điểm trước những năm 1980, khi kiến thức tình dục của đại bộ phận đều còn ít, sự cách biệt với thế giới internet, truyền thông... cũng có thể được coi như là một sự bảo vệ. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, mức độ cởi mở của xã hội ngày một cao, các chương trình trên internet, tivi thúc đẩy sự tò mò, tìm hiểu của trẻ, khiến trẻ trưởng thành sớm hơn trước rất nhiều. Vì thế, sự trì hoãn trò chuyện thẳng thắn với con về tình dục để bảo vệ chúng là không cần thiết.

Mục đích của GDGT cho trẻ nhằm giúp trẻ nhận thức đúng đắn hơn về tình dục theo kiểu “Vẽ đường cho hươu chạy đúng”, đồng thời trang bị cho trẻ các kiến thức nhằm tránh nguy cơ bị xâm hại, lạm dụng. Do đó, việc trẻ có kiến thức về tình dục an toàn thông qua GDGT tại nhà là rất hữu ích. Nếu chúng ta cố gắng giấu kín trẻ chuyện giới tính, phủ nhận các thông tin thực tế về quấy rối tình dục, hành động đó giống như cố bịt mắt trẻ bằng dải băng màu hồng và để trẻ tự mày mò băng qua con đường đầy rủi ro.

GDGT sớm tạo “lá chắn” an toàn cho con

Bên cạnh trách nhiệm của nhà trường, gia đình là nền tảng vững chắc để giảng giải cho con hiểu những vấn đề nhạy cảm về giới tính và tình dục ngay từ khi còn nhỏ. Theo các chuyên gia giáo dục, trang bị cho trẻ kiến thức sớm về giới tính, sức khỏe sinh sản,... là tạo “lá chắn” an toàn cho trẻ bảo vệ mình.

Thạc sĩ Trần Văn Thọ cho biết: Khi biết đi và nói chuyện, trẻ cũng bắt đầu tìm hiểu về cơ thể của mình. Do đó, phụ huynh nên chú trọng GDGT cho trẻ từ sớm, ít nhất là với trẻ tiểu học và trẻ mầm non. Ở lứa tuổi mầm non, đây chính là lúc cha mẹ nên GDGT cho trẻ, bắt đầu bằng cách dạy cho trẻ biết tên gọi của cơ quan sinh dục trên cơ thể (có thể nói với con trong lúc tắm cho con). Chia sẻ thẳng thắn với con về vấn đề giới tính, tình dục và các cơ quan nhạy cảm trên cơ thể khi con còn nhỏ giúp con hiểu rằng tình dục và giới tính là điều bình thường trong cuộc sống. Tuy nhiên, cha mẹ khi GDGT cho trẻ cần thể hiện sự tế nhị và cởi mở đúng mực, tránh làm cho con cảm thấy hoang mang và nhìn nhận sai lầm về giới tính.

Điều quan trọng là cha mẹ phải trang bị sẵn sàng những kiến thức tối thiểu về vấn đề này để giải đáp tất cả những câu hỏi hay thắc mắc của con. Nếu con chỉ vào một bộ phận nhạy cảm nào đó trên cơ thể, cha mẹ cần cho con biết đó là cơ quan gì, có chức năng thế nào hoặc có thể lấy ví dụ phù hợp với độ tuổi của trẻ. Khi con đặt câu hỏi về vấn đề giới tính, cha mẹ cần giải đáp rõ ràng, nghiêm túc, không nên tỏ ra ngượng ngùng, bối rối, không cười giỡn, đùa cợt với thắc mắc của con. GDGT cho trẻ biết được đâu là bộ phận mang tính riêng tư, kín đáo của mỗi người, không được phô bày ra ngoài và không được để người khác động đến. Cha mẹ cần nhấn mạnh với con rằng không ai được phép chạm vào những bộ phận riêng tư trên cơ thể, trừ trường hợp đi khám bác sĩ và phải có sự đồng ý của cha mẹ.

Khi con trưởng thành và bắt đầu đặt những câu hỏi chi tiết hơn, phụ huynh nên giải đáp bằng những câu trả lời chi tiết hơn, cố gắng trả lời cụ thể và thẳng vào vấn đề, sử dụng chính xác những thuật ngữ, tên gọi các bộ phận. GDGT cho trẻ không thể hoàn thành chỉ trong một sớm một chiều, trên thực tế, điều này nên diễn ra hàng ngày, cha mẹ hãy tận dụng những cơ hội và tình huống thực tế để thảo luận với con về vấn đề giới tính.

Khi trao đổi với con trẻ về chủ đề giới tính, cha mẹ nên dùng ngôn từ đơn giản, nếu không biết phải trả lời bé như thế nào, đừng tùy tiện “vẽ” ra thông tin, hãy thẳng thắn nói với con rằng hiện tại bạn cũng chưa hiểu rõ về vấn đề này và hẹn con một dịp nào đó sẽ giải đáp. Ngay sau đó, phụ huynh nên tìm hiểu thông tin rõ ràng và giải đáp lại cho bé một cách chính xác; cả cha và mẹ nên tham gia vào việc GDGT cho trẻ thì trẻ sẽ thấy rằng tất cả mọi người đều có thể tham gia thảo luận bình đẳng về vấn đề này. Một số trẻ gần như không bao giờ chủ động đặt câu hỏi, trong trường hợp này, cha mẹ cần phải chủ động khơi dậy sự tò mò về giới tính cho con trong những tình huống diễn ra hàng ngày.

GDGT cho trẻ không phải là điều dễ dàng và cần thực hiện xuyên suốt trong quá trình phát triển của trẻ. Cha mẹ đóng vai trò là mắt xích quan trọng giúp con tiếp cận với vấn đề giới tính ngay từ khi còn nhỏ, để con không phải bỡ ngỡ và chủ động bảo vệ bản thân trong những năm tháng sau này.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn