Tháp Mười - Điểm sáng trong thực hiện Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh

Cập nhật ngày: 13/08/2018 09:46:03

ĐTO - huyện Tháp Mười, nếu trước đây, người dân ít hiểu biết nên dẫn đến việc không thực hiện hoặc e ngại thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh (SLTS&SS) thì nay hầu hết các gia đình đều biết và rất quan tâm đến vấn đề SLTS&SS để sinh ra những đứa con khỏe mạnh về thể chất và trí tuệ. Đó là kết quả đáng ghi nhận của địa phương trong thực hiện Đề án SLTS&SS.


Lấy máu gót chân sàng lọc sau sinh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tháp Mười

Em Trần Kim Hường (24 tuổi, ngụ xã Mỹ Quí) vừa sinh con tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tháp Mười cho biết: “Em mới sinh con đầu lòng. Sáng nay được nhân viên bệnh viện tư vấn lấy máu gót chân cho bé để sàng lọc một số bệnh tật. Em đã đăng ký làm cho bé. Em nghĩ việc sàng lọc này rất cần thiết và hữu ích, nếu không may con mình mắc phải bệnh thì sẽ kịp thời điều trị, đảm bảo cho sự phát triển sau này của con”.

Đồng quan điểm với Kim Hường, chị Nguyễn Khánh Vy (ở Phú Điền) chuẩn bị sinh đứa con thứ 2, chia sẻ: “Đứa con đầu cũng như đứa chuẩn bị sinh, giai đoạn mang bầu, tôi đều đi khám định kỳ theo hướng dẫn của nhân viên trạm y tế, nhất là giai đoạn mang thai tuần thứ 11, 12, tôi đều khám sàng lọc đo độ mờ da gáy để phát hiện sớm những bất thường của bé. Lúc sinh con trai đầu tôi cũng được cán bộ dân số vận động lấy mẫu máu gót chân của con để sàng lọc một số bệnh tật. Qua sàng lọc, kết quả con tôi khỏe mạnh. Tôi cũng khuyên các bà mẹ chuẩn bị sinh hãy thực hiện SLSS để yên tâm con mình không bị bệnh thiếu men G6PD, suy tuyến giáp bẩm sinh”.

Đề án SLTS&SS được thực hiện thí điểm ở huyện Tháp Mười từ năm 2011 cùng với 4 địa phương khác là: TP.Sa Đéc, TX.Hồng Ngự, TP.Cao Lãnh và huyện Hồng Ngự. Ông Nguyễn Văn Diễn – Trưởng Khoa Dân số (Trung tâm Y tế huyện Tháp Mười) cho biết, trước đây, với tâm lý e ngại lo sợ con mình bị đau và ảnh hưởng đến sức khỏe khi lấy máu gót chân, thậm chí nhiều người chủ quan cho rằng không ai trong gia đình mắc bệnh nên vợ hoặc con họ không cần làm các xét nghiệm, do đó việc triển khai dịch vụ SLTS&SS gặp nhiều khó khăn.

Trước những thách thức đó, Trung tâm Y tế huyện khẩn trương triển khai đề án đến tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn; tổ chức tập huấn kỹ năng tuyên truyền về SLTS&SS cho cán bộ chuyên trách, nhân viên y tế khóm, ấp. Đồng thời để đề án được triển khai sâu rộng trong nhân dân, hàng tháng, các xã đều tổ chức buổi tuyên truyền; Trung tâm Y tế huyện phối hợp cán bộ y tế cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức: tư vấn trực tiếp với thai phụ khi thăm khám, tổ chức truyền thông, tư vấn nhóm, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của các đoàn thể, nhất là hội phụ nữ để tuyên truyền cho hội viên; phát tờ rơi; vãng gia tư vấn đến từng hộ gia đình;...

Nhờ có những biện pháp tích cực trong công tác tuyên truyền, cùng đội ngũ cán bộ chuyên trách, nhân viên y tế khóm, ấp năng nổ, nhiệt tình, đề án đã được huyện triển khai hiệu quả, nhiều người dân đã nhận thức được sự cần thiết của việc SLTS&SS, chủ động đăng ký khám sàng lọc. Nữ Hộ sinh Nguyễn Thị Tuyết Vân (người trực tiếp tư vấn và lấy máu gót chân cho bé tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tháp Mười) cho biết: “Hiện nay, nhận thức của người dân được nâng cao nên việc kiểm tra thai kỳ và SLSS được nhiều bà mẹ quan tâm. Các bà mẹ không còn e ngại khi lấy máu gót chân của trẻ ngay sau sinh. Hơn thế nữa, nhiều người còn mong muốn con, cháu mình được sàng lọc bệnh sớm dù là làm theo phương thức dịch vụ thu phí”.

Theo Trung tâm Y tế huyện Tháp Mười, trong năm 2017, toàn huyện có 847/1.115 người mang thai tham gia thực hiện SLTS, đạt 217,1% kế hoạch và 1.020/1.334 trẻ thực hiện SLSS, đạt 116,3% kế hoạch năm. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ SLTS của huyện đã vượt chỉ tiêu 104,4% (chỉ tiêu là 41%, thực hiện đạt 83,8%) và tỷ lệ SLSS đạt 85% vượt chỉ tiêu 28,8% (chỉ tiêu 66%).

Ông Nguyễn Văn Diễn chia sẻ: “Trung tâm Y tế huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh, nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện. Theo đó, ngành sẽ tăng cường tham mưu với các cấp ủy Đảng và chính quyền nâng cao hiệu quả truyền thông về SLTS&SS; phối hợp với các đơn vị y tế có liên quan đảm bảo thực hiện tốt chuyên môn kỹ thuật SLTS&SS trên địa bàn huyện, đồng thời triển khai công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dịch vụ SLTS&SS.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn