Ứng phó việc gia tăng số ca Covid-19 chuyển nặng
Cập nhật ngày: 20/08/2022 06:04:16
Dịch bệnh Covid-19 đang có xu hướng gia tăng số ca bệnh chuyển nặng, nguy kịch và tử vong. Điều này đòi hỏi các cơ sở y tế cần kích hoạt trở lại hoạt động khám chữa bệnh, điều trị bệnh nhân Covid-19 và các địa phương cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine mũi nhắc lại.
Tiêm vaccine mũi nhắc lại giúp người dân có miễn dịch chủ động khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp
Sáng 19/8, tại Trung tâm quản lý và điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán và điều trị Covid-19- Bộ Y tế đã diễn ra cuộc họp Tổ chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh Covid-19. Cuộc họp nhằm kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác chăm sóc, điều trị ca bệnh Covid-19 trong giai đoạn hiện nay.
Tăng ca nhiễm mới và ca chuyển nặng
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), biến thể phụ mới BA.2.74 được ghi nhận lần đầu tiên tại báo cáo số 2233/BVBM-KHTH ngày 8/8 của Bệnh viện Bạch Mai. Như vậy, trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1, làm gia tăng số ca nhiễm mới thời gian gần đây.
TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, trong một tháng qua, đã có hơn 45.000 ca mắc mới trên toàn quốc. Trung bình 2.000 ca/ngày, riêng ngày 18/8 hôm qua đã có hơn 3.000 ca mắc. Xu hướng gia tăng ca mắc Covid-19 đã hiện rõ.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã chỉ đạo các cơ sở sàng lọc, phân luồng và thu dung điều trị theo Quyết định 1226/QĐ-BYT ngày 17/5/2022, các khoa lâm sàng, khoa truyền nhiễm tiếp nhận các ca nghi nhiễm; không tổ chức bệnh viện dã chiến.
Hiện một số địa phương có kế hoạch kích hoạt lại bệnh viện dã chiến như TP Hồ Chí Minh. Các bệnh nhân Covid-19 nặng hiện chủ yếu điều trị tại các viện tuyến cuối.
Trong số 30 ca đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế hiện nay, số các ca nặng, nguy kịch là 6 trường hợp nặng, nguy kịch, 5 ca thở máy.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, trong hơn 232 bệnh nhân nhập viện tháng 8 có đến 46% bệnh nhân trên 65 tuổi; số bệnh nhân chưa tiêm phòng vaccine điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chiếm 24,3%. Có 3 ca tử vong. Hiện tại Bệnh viện đang điều trị 123 ca, trong đó có 26 ca thở máy,1 ca ECMO….
Tổ chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh Covid-19 hội chẩn ca bệnh nặng
Riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, từ ngày 10/5 - 16/7/2022 không có ca bệnh nhân Covid-19 điều trị. Đến ngày 17/7 phát hiện ca Covid-19 đầu tiên trong bệnh viện.
Từ ngày 18/7 đến 17/8/2022, đã có 32 bệnh nhân Covid-19 điều trị, trong đó có 31 ca nhập viện trong tháng 8/2022. Trong số các bệnh nhân này có 19 bệnh nhân mức độ nặng/nguy kịch và có 6 ca tử vong.
Nâng cao tinh thần cảnh giác tại các cơ sở y tế
Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, qua báo cáo của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nhận thấy, bệnh nhân nhiễm Covid-19 có xu hướng tăng, đặc biệt bệnh nhân nặng tăng lên rõ rệt trong những ngày đầu tháng 8/2022.
Do đó, cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác đối với các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh.
Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Hội đồng chuyên môn tập huấn cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 cũng như theo dõi, xử trí đối với các ca từ nhẹ chuyển nặng, hạn chế tử vong do luân chuyển.
Tại cuộc họp Hội đồng chuyên môn, GS,TS Nguyễn Gia Bình đã cùng các thành viên đã trao đổi chuyên môn về một số ca bệnh nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy.
|
Hiện các trường hợp nặng và tử vong chưa tiêm vaccine chiếm tỷ lệ 23-25% ở các tuyến. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tỷ lệ tử vong do không tiêm vaccine là 50%.
Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, các địa phương cần rà soát, lập danh sách quản lý, theo dõi và tiêm vaccine cho đối tượng có tuổi, mắc bệnh nền đúng thời gian để bảo đảm hiệu lực của vaccine.
Với những biến chủng mới hiện này, Thứ trưởng đề nghị các bệnh viện phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur… theo dõi biến thể, biến chủng đối với bệnh nhân nặng và tử vong. Các địa phương đánh giá lại các nguồn lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất, nhân lực chuẩn bị cho 4 tại chỗ.
"Hiện tại, Bộ Y tế chưa yêu cầu các địa phương thành lập bệnh viện dã chiến; mô hình bệnh viện tách đôi vẫn phù hợp. Đối với các trường hợp nặng, chuyển biến nặng cần theo dõi và điều trị tại chỗ và chỉ chuyển viện sau khi có hội chẩn và bảo đảm đầy đủ, trang thiết bị khi vận chuyển”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đối với một số thuốc phục vụ công tác điều trị, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị cần có dự trù và lập kế hoạch để thực hiện điều phối thuốc phù hợp và đáp ứng công tác điều trị.
Trước việc gia tăng của ca nhiễm mới và trở nặng, TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Miền Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cho biết, sau khi đã tiêm các mũi cơ bản thì người dân mắc bệnh cũng nhẹ nhàng nên trì hoãn việc đi tiêm nhắc lại.
Nhưng thực tế mũi 4 này rất cần đối với người thuộc nhóm dễ bị tổn thương, miễn dịch kém như những người lớn tuổi và những người giảm kháng thể sau tiêm mũi cơ bản (thường giảm nhanh hơn những người khác).
"Một số trường hợp nhập viện trong thời gian gần đây là thấy bệnh nặng quá rồi mới đi khám. Trước đó, những người này đã được tiêm mũi 1-2 -3 nên khi mắc Covid-19 1-2 lần, họ thấy rất nhẹ nhàng. Do đó họ có tâm lý chủ quan, 4-5 tháng sau không tiêm mũi 4 nên khi bị nhiễm lại thì bệnh nặng. Việc chúng ta tăng cường truyền thông để tăng tỷ lệ tiêm mũi 4 là rất quan trọng”, ông Thái nói.
PGS,TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng nhấn mạnh, Việt Nam đã qua thời gian 4-6 tháng tiêm mũi 3 nên miễn dịch đang giảm. Số ca mắc Covid-19 đang tăng lên, và số ca bệnh phải nhập viện cũng tăng lên, bắt đầu lấp đầy bệnh viện tuyến Trung ương là một cảnh báo. Nếu chúng ta không giải quyết sẽ lấp đầy các bệnh viện tuyến dưới. Do đó, tiêm vaccine nhắc lại sẽ giúp người dân có miễn dịch chủ động, bền vững, nếu tái nhiễm sẽ không bị trở nặng.
Theo THIÊN LAM - LÊ HẢO (NDO)