Sàng lọc dị tật bẩm sinh giúp nâng cao chất lượng dân số

Cập nhật ngày: 16/08/2022 06:20:27

ĐTO - Sàng lọc trước sinh và sơ sinh (TS&SS) là giải pháp quan trọng nhằm phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh, giúp trẻ phát triển bình thường, tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh (DTBS), qua đó góp phần nâng cao chất lượng dân số.


Tuyên truyền về lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sau sinh cho phụ nữ mang thai

Theo Cử nhân Lê Thị Bảnh - Phó trưởng Khoa Sức khỏe sinh sản - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, sàng lọc trước sinh là hoạt động can thiệp đối với phụ nữ đang mang thai thông qua các kỹ thuật siêu âm, xét nghiệm máu để chẩn đoán các DTBS ở thai nhi như: hội chứng Down, Edward, Patau, bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia), dị tật ống thần kinh, di truyền tế bào... Còn sàng lọc sơ sinh là hoạt động can thiệp đối với trẻ sơ sinh bằng xét nghiệm máu gót chân trong 48-72 giờ sau khi trẻ chào đời nhằm phát hiện các rối loạn bẩm sinh, di truyền ở trẻ như: bệnh thiếu men G6PD, suy giáp trạng bẩm sinh, tăng sản thượng thận bẩm sinh, khiếm thính, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa...

Mục đích của sàng lọc trước sinh là phát hiện sớm các thai dị tật để xử trí kịp thời, tránh sinh ra những đứa trẻ có dị tật, dị dạng không thể chữa trị. Còn sàng lọc sơ sinh nhằm phát hiện sớm trẻ bị bệnh bẩm sinh để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Năm 2011, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Đồng Tháp đã triển khai tổ chức thực hiện Đề án sàng lọc TS&SS tại 5 địa phương: TP Sa Đéc, TP Cao Lãnh, thị xã Hồng Ngự (nay là TP Hồng Ngự), huyện Tháp Mười và huyện Hồng Ngự. Đề án đã mang lại hiệu quả đáng kể trong việc phát hiện những bất thường của trẻ từ khi còn trong bụng mẹ và sau khi trẻ ra đời, giúp trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề do DTBS, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng. Trước hiệu quả và lợi ích của đề án, đến nay, tỉnh đã triển khai mở rộng khắp trên 12 huyện, thành phố trong tỉnh.

Năm 2021, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật TS&SS giai đoạn 2021-2025. Với mục tiêu cụ thể đến năm 2025, toàn tỉnh có 70% nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn và giảm 1/2 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn so với năm 2020; 60% phụ nữ mang thai đồng ý tham gia sàng lọc trước sinh và 80% trẻ sơ sinh tham gia sàng lọc sơ sinh; mở rộng dịch vụ tầm soát (sàng lọc sơ sinh) đạt ít nhất 5 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến nhất; 100 huyện, thành phố có cơ sở y tế đủ điều kiện cung cấp dịch vụ khám sức khỏe tổng quát trước khi kết hôn, tầm soát TS&SS...


Phụ nữ mang thai khám thai kỳ tại Phòng khám Đa khoa - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Để làm tốt điều này, tỉnh Đồng Tháp đặt ra một số nhiệm vụ, giải pháp: hoàn thành cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn kỹ thuật; tuyên truyền, vận động tạo môi trường đồng thuận của xã hội; củng cố và phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, các cơ sở y tế ngoài công lập; huy đồng nguồn lực xã hội. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh truyền thông, vận động tại cộng đồng nhằm thay đổi nhận thức và chuyển đổi hành vi của nam, nữ thanh niên trong độ tuổi kết hôn tham gia dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; phụ nữ mang thai thực hiện sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh; trẻ sơ sinh được thực hiện sàng lọc, điều trị một số bệnh, tật bẩm sinh. Đồng thời đa dạng hóa các hình thức truyền thông, tư vấn nhóm, tư vấn trực tiếp, phát tờ rơi, áp phích, phát thanh... để người dân biết và tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ mang thai trên địa bàn được khám sàng lọc TS&SS; tăng cường giáo dục pháp luật, vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định về cấm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Sàng lọc TS&SS là giải pháp hiệu quả trong việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm những bất thường của trẻ; mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

SÔNG NGÂN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn