Viêm phổi ở trẻ nhỏ

Cập nhật ngày: 12/12/2022 09:04:20

ĐTO - Viêm phổi là một trong những bệnh lý đường hô hấp thường gặp ở trẻ, nhất là trong điều kiện thời tiết lạnh như hiện nay. Những ngày gần đây, tỷ lệ trẻ em đến khám và nhập viện do các bệnh đường hô hấp tăng cao. Điển hình tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày tiếp nhận hơn 300 bệnh nhi.


Trẻ nhập viện điều trị viêm phổi

Dấu hiệu nhận biết sớm ở trẻ mắc viêm phổi là thở nhanh. Cha, mẹ hoặc người chăm sóc có thể phát hiện tình trạng thở nhanh của trẻ thông qua việc đếm nhịp thở của trẻ trong 1 phút. Một trẻ được xem là có dấu hiệu thở nhanh khi:

- Ở trẻ dưới 2 tháng tuổi nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên.

- Ở trẻ từ 2 - 11 tháng tuổi nhịp thở từ 50 lần/phút trở lên.

- Ở trẻ từ 12 tháng tuổi đến 5 tuổi nhịp thở từ 40 lần/phút trở lên.

Bên cạnh đó, một vài biểu hiện không điển hình thường thấy khi trẻ mắc viêm phổi như: sốt, ho, môi khô, lưỡi bẩn, quấy khóc, ăn uống kém... Các dấu hiệu viêm phổi trở nặng của trẻ có thể phát hiện được nhờ các biểu hiện thở rút lõm lòng ngực - lòng ngực của trẻ bị lõm khi trẻ hít vào thay vì nở ra như bình thường. Để quan sát điều này, cha, mẹ trẻ cần vén áo trẻ cao lên để thấy rõ vùng ngực và bụng trẻ, quan sát khi trẻ nằm yên, không bú, không khóc. Khi phát hiện trẻ có các biểu hiện như trên, cha, mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Cần lưu ý các yếu tố nguy cơ trẻ mắc viêm phổi trở nặng như:

- Trẻ dưới 3 tháng tuổi;

- Có một số bệnh lý bẩm sinh (như bệnh tim bẩm sinh, bệnh phổi bẩm sinh);

- Có bệnh lý thần kinh cơ (như bại não);

- Suy dinh dưỡng nặng;

- Suy giảm miễn dịch bẩm sinh;

- Có bất thường về nhiễm sắc thể do hội chứng Down...

Những trẻ thuộc trường hợp trên, nếu mắc bệnh viêm phổi đa phần sẽ dễ trở nặng hơn, có nhiều biến chứng, thậm chí tỷ lệ tử vong cũng cao hơn nhiều. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần nhận biết và có biện pháp phòng ngừa phù hợp ngay từ sớm.

Phòng ngừa viêm phổi ở trẻ

- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh. Đây là biện pháp phòng ngừa có hiệu quả nhất được chứng minh, nó giúp giảm gần ¼ viêm phổi ở trẻ em. Trong sữa mẹ có chứa một lượng kháng thể và rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển cho trẻ trong giai đoạn đầu đời mà không một loại sản phẩm nào thay thế được.

- Nuôi dưỡng trẻ tốt, tránh tình trạng suy dinh dưỡng, đảm bảo trẻ được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng thông qua khẩu phần ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ. Cho trẻ uống vitamin A theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Đảm bảo môi trường xung quanh trẻ được sạch sẽ. Cần thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, sử dụng bếp sạch không khói giúp giảm 50% nguy cơ viêm phổi ở trẻ em. Không để trẻ hít phải khói bụi, đặc biệt là khói thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ viêm phổi gấp 2 lần ở trẻ.

- Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ. Bệnh viêm phổi có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc-xin ngừa viêm phổi cho trẻ đúng lịch. Ngoài ra, trẻ cũng cần tiêm đầy đủ các loại vắc-xin khác trong chương trình tiêm chủng rộng và những mũi tiêm ngoài chương trình, đặc biệt là vắc-xin phòng bệnh cúm. Không chỉ nên tiêm vắc-xin phòng bệnh ở trẻ mà người chăm sóc trẻ cũng cần được tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ, đảm bảo không trở thành nguồn lây bệnh cho trẻ.

- Đặc biệt, đối với người trực tiếp chăm sóc cho trẻ cũng phải đảm bảo có sức khỏe tốt, khỏe mạnh. Khi tiếp xúc với trẻ cần phải giữ vệ sinh, thường xuyên rửa tay để diệt các loại vi khuẩn, vi-rút, nấm... gây bệnh. Không để trẻ tiếp xúc những người đang mắc bệnh, hạn chế ôm, hôn trẻ tránh vô tình lây bệnh cho trẻ nhỏ.

Mỹ Hạnh - CDC Đồng Tháp

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn