Chuyện “con cá”, chuyện “cần câu”
Cập nhật ngày: 24/07/2015 07:50:05
Khi nói về công tác giảm nghèo, chúng ta hay nói cho người nghèo “con cá”, sau đó, lại nói cho “cần câu” thay vì cho “con cá”, ngụ ý nói đến việc tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận nghề nghiệp, việc làm chứ không phải chia phần kinh phí nhỏ nhoi cho người nghèo. Từ Trung ương đến cơ sở đều có nhận thức chung như vậy. Liên tưởng về vấn đề trên, tôi chợt nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn với hai phiên bản trái ngược nhau, xin chia sẻ để cùng suy ngẫm.
* Câu chuyện thứ nhất: Có 2 người nghèo, thật nghèo, đói lả, trên đường tìm cái ăn, bỗng gặp một người giàu tốt bụng đặt trước mặt một con cá và một chiếc cần câu để 2 người lựa chọn. Một người “xí phần” con cá, đem nướng lên và ăn ngấu nghiến. Do bụng quá đói nên ăn xong bị bội thực và ngã lăn ra chết. Người còn lại bèn “chụp lấy” cần câu và tiến về phía biển để câu cá. Đi mãi, đi mãi, cuối cùng cũng nhìn thấy xa xa mặt nước đại dương xanh biếc, nhưng lúc đó cũng là lúc sức cùng, lực kiệt, ngã lăn ra chết, trên tay vẫn còn chiếc cần câu.
* Câu chuyện thứ hai: Cũng với 2 người nghèo, cũng đói lả trên đường tìm cái ăn, cũng gặp một người giàu tốt bụng đặt trước mặt con cá và chiếc cần câu. Nhưng đến đây thì diễn biến lại hoàn toàn khác với câu chuyện thứ nhất. Hai người nghèo thống nhất lấy chiếc cần câu tiến về phía biển, trên đường đi, họ nướng con cá lên cùng chia nhau ăn từ từ. Cuối cùng, họ đủ sức đến được bờ biển và bắt đầu câu cá. Dần dần, họ không những đủ ăn mà còn đem bán cho nhân dân trong vùng. Nghe nói sau này họ trở thành những ngư phủ giàu có.
Câu chuyện có tính chất ngụ ngôn nêu trên nói lên điều gì?
Tinh thần đoàn kết giữa những người nghèo. Nếu từng người đứng riêng lẻ sẽ rất khó vượt lên cái nghèo, nguồn lực xã hội tài trợ cùng lắm chỉ giúp họ vượt qua cái khó khăn trước mắt, chứ không đủ để hướng đến cái đích lâu dài, thoát nghèo và vươn lên khá giả. Như vậy, người nghèo phải biết cách tập hợp lại, hoặc chính quyền giúp họ tập hợp lại, để cùng bàn chuyện làm ăn, chuyện trước mắt và chuyện lâu dài, chuyện ngày nay và chuyện mai sau. Họ cùng bảo ban nhau, góp ý cho nhau, lúc tối lửa tắt đèn có nhau. Đứng riêng từng người, dù có “con cá”thì cũng chỉ vượt qua cái đói, hết “cá”thì vẫn đói; có “cần câu” thì cũng không có điều kiện để câu, làm sao để câu, buôn bán ra sao? Thậm chí đôi khi họ bán luôn cần câu để vượt qua cái thắt ngặt tạm thời cũng nên.
Người nghèo cần sự dẫn dắt của người khá giả hơn. Người nghèo thường quẩn quanh trong nhà, mặc cảm với xóm giềng, ngại tiếp xúc với cộng đồng. Quẩn quanh trong nhà thì không dễ có những tính toán căn cơ. Người khá giả biết làm ăn sẽ giúp đỡ người nghèo không chỉ vốn liếng, mà còn động viên tinh thần, khuyên nhủ, chỉ bảo cách làm ăn, cách buôn cách bán.
Tôi có dịp tiếp xúc với một vài doanh nghiệp, họ bảo từ nay về sau sẽ không tham gia ủng hộ quỹ vì người nghèo do địa phương vận động nữa. Hỏi sao vậy, đó là trách nhiệm xã hội, là “lá lành đùm lá rách”kia mà! Họ nói, nếu giúp không đúng cách thì làm cho người nghèo ỷ lại, ăn hết rồi lại như cũ, hoặc không biết làm ăn thì sẽ mất vốn. Muốn họ giúp thì phải chứng minh người nghèo có ý chí vươn lên, rồi tập hợp lại thành một nhóm để cùng chăn nuôi, trồng trọt hoặc mua bán gì đó. Người giàu cùng với chính quyền giúp cho người nghèo biết sản xuất kinh doanh, có như vậy mới thoát nghèo bền vững.
Để chiến thắng cái nghèo, buộc chúng ta phải trông rộng, nhìn xa. Các cấp uỷ, chinh quyền cấp cơ sở đừng “áng chừng” đưa ra chỉ tiêu giảm nghèo bao nhiêu phần trăm, mà phải sâu sát đến từng hộ nghèo. Các tổ tư vấn giảm nghèo xã phường, khóm ấp phải phân tích thật sâu về nguyên nhân, tâm trạng từng đối tượng, chuẩn bị lên phương án, kế hoạch thật cụ thể. Có kế hoạch rồi thì vận động những người thiện nguyện khá giả tham gia tư vấn, cùng với những người nghèo bàn bạc cách thức triển khai thực hiện. Hãy tạo cho công tác giảm nghèo đi vào chiều sâu, đầy tính nhân văn giữa người cho và người nhận. “Của cho không bằng cách cho” là vậy!
Đang có tư duy chuyển từ giảm nghèo đơn chiều (dựa trên thu nhập) sang đa chiều (dựa trên các nhu cầu tối thiểu về y tế, giáo dục, việc làm, nhà ở và thông tin). Nhưng trước khi đề cập đến đơn chiều hay đa chiều, chúng ta cần có thay đổi cách thức tổ chức thực hiện.
Vậy thì, đừng ngồi tranh luận mãi về”con cá” và “cần câu”!
Xích Lô