MU - phòng ngự dở tệ vẫn có thể vô địch

Cập nhật ngày: 07/12/2012 10:46:43

Lịch sử cho thấy tình trạng lạm phát bàn thua của MU hiện tại không hẳn là điềm dữ với thầy trò Ferguson khi họ nuôi vọng chinh phục Ngoại hạng Anh mùa này.

Ferguson mới đây ví hàng phòng ngự MU đá như trong phim hoạt hình. Ở trận gần nhất, thắng ngược Reading 4-3, MU dễ dàng để thua liền ba bàn chỉ trong 23 phút thi đấu đầu tiên, nâng tổng số bàn thua của họ ở Ngoại hạng Anh mùa này lên 21 bàn qua 15 vòng. Trong 15 vòng đó, MU chỉ giữ sạch lưới ba trận, bảy lần thắng ngược trong 10 trận bị đối phương ghi bàn trước.


Ba bàn thua trước Reading là hồi chuông báo động mới nhất
về chất lượng phòng ngự của MU mùa này

Dù đang dẫn đầu cuộc đua với ba điểm cách biệt, Ferguson vẫn rất lo ngại về chất lượng phòng ngự của MU và cho rằng nếu không sớm cải thiện, ông và các học trò có thể phải một lần nữa nuốt hận, nhìn Man City nâng cao cup vô địch Ngoại hạng Anh cuối mùa này.

Cảnh báo của Ferguson không thừa, nhưng lịch sử cho thấy mọi chuyện chẳng tới mức nghiêm trọng như thế. Không tính những mùa giải mà MU vô địch với thành tích phòng ngự tốt, tấn công hủy diệt, họ cũng từng một lần đăng quang ở Ngoại hạng Anh với thành tích phòng ngự tội tệ chẳng kém mùa giải hiện tại - mùa 1999-2000. Khi đó, MU để thủng lưới tới 45 bàn trong cả mùa giải và trở thành đội thủng lưới nhiều nhất mà vẫn vô địch trong kỷ nguyên Ngoại hạng Anh (từ 1992).

Dựa vào bảng thống kê trên, MU hiện tại để thủng lưới nhiều hơn một bàn so với 15 trận đầu mùa 1999-2000, nhưng vị thế của họ trên bảng xếp hạng hiện tại cũng tốt hơn 13 năm về trước. Khi đó, MU có 33 điểm, chỉ hơn nhì bảng Leeds Utd đúng một điểm. Bây giờ, MU có 36 điểm và khoảng cách với nhì bảng Man City là ba điểm.

Nếu MU tiếp tục để thủng lưới với tỷ lệ 1,4 bàn mỗi trận như 15 trận đầu mùa này, họ có thể kết thúc mùa giải với khoảng 52 bàn. Và để trụ vững ở ngôi đầu bảng cho tới lúc hạ màn, MU có thể phải ghi xấp xỉ 100 bàn để trụ vững ở ngôi đầu, tức tiệm cận kỷ lục 103 bàn mà Chelsea lập ở mùa 2009-2010. Mùa 1999-2000, MU đã vô địch theo đúng phương châm lấy công bù thủ ấy.

Dù để thủng lưới tới 45 bàn - tức trung bình 1,18 bàn mỗi trận, đội bóng của HLV Ferguson vẫn thổi bay mọi chướng ngại vật trên đường lên đỉnh vinh quang mùa 1999-2000 bằng sức mạnh tấn công hủy diệt. MU khi đó ghi tới 97 bàn, đạt hiệu suất 2.55 bàn mỗi trận, chỉ thua đúng một trận trong ba phần tư chặng đường cuối cùng, và đăng quang trước tới bốn vòng đấu, tạo cách biệt lớn đến khó tin - 18 điểm - với nhì bảng Arsenal sau vòng đấu hạ màn.

Như bây giờ, hàng công của MU thời điểm 1999-2000 cũng sở hữu hàng công đáng sợ với bộ tứ tiền đạo Andy Cole (19 bàn), Dwight Yorke (20), Teddy Sheringham (năm) and Ole Gunnar Solskjaer (12). Tuyến giữa của họ khi đó cũng rất mắn bàn với những cái tên như Paul Scholes (chín bàn), Roy Keane (năm bàn), David Beckham (sáu bàn) và Ryan Giggs (sáu bàn).

Một điểm tương đồng nữa về đội hình MU hiện tại với đội hình mùa 1999/2000 là việc hàng thủ sa sút xuất phát từ sự bất ổn ở vị trí thủ môn. Với việc Peter Schmeichel huyền thoại ra đi ngay sau chiến công ăn ba, Mark Bosnich được đôn lên bắt chính, nhưng thủ môn người Australia này bắt không ấn tượng, khiến HLV Ferguson phải lần lượt sử dụng thêm Raymond Van der Gouw, Massimo Taibi, những người cũng gây thất vọng không kém.

Nhưng cũng như MU hiện tại, việc HLV Ferguson chọn lối chơi lấy tấn công, giàu tính cống hiến làm kim chỉ nam ít nhiều đã góp phần khiến hàng thủ của đội trở nên mong manh và dễ bị thủng lưới hơn. Trong mùa giải đoạt cú ăn ba vĩ đại trước đó - mùa 1998-1999, với Schmeichel vững vàng trong khung gỗ, MU cũng để thủng lưới tới 37 bản ở Ngoại hạng Anh.

Mùa 2012-2013 sẽ khó khăn hơn mùa 1999-2000

Cách đây 13 năm, MU vào cuộc với sự tự tin và hưng phấn cao độ sau chiến tích ăn ba. Đối thủ lớn nhất của họ khi đó - Arsenal - thì vẫn chưa hết choáng váng sau khi bị bỏ cách quá xa trên đường đua vô địch Ngoại hạng Anh và thất bại đau đớn trong trận đá lại bán kết Cup FA với chính MU ở mùa giải trước đó.

Khác biệt về tâm thế theo hướng có lợi cho MU ấy được thầy trò Ferguson tận dụng triệt để và đánh bại Arsenal ngay lần chạm trán trực tiếp đầu mùa giải. Thắng lợi 2-1 (Keane lập một cú đúp) trên sân Highbury này là tiền đề quan trọng giúp MU củng cố hơn nữa vị thế trên bảng xếp hạng cũng như trong tâm lý thi đấu so với đối thủ cạnh tranh trực tiếp đến từ thành London.

Tuy nhiên, trong mùa giải hiện tại, ưu thế về tâm lý đó dường như thuộc về Man City, chứ không phải MU. Mùa trước, Man City thắng ở cả hai trận đối đầu trực tiếp, trong đó có kết quả 6-1 được ví như một trận động đất mạnh tới sáu độ Richter ngay tại Old Trafford, trước khi nẫng Cup vô địch Ngoại hạng ngay trước mũi MU với bàn quyết định được ghi ở những giây cuối cùng của mùa giải. Man City trên thực tế cũng đã hình thành thói quen vốn được xem như điểm mạnh truyền thống của MU - ra đòn kết liễu đối phương ở những thời khắc cuối cùng.

Man City giờ cũng rất khó bị đánh bại, mà bằng chứng rõ nhất là việc họ đang bất bại tại Ngoại hạng Anh mùa này, bất bại trên sân nhà suốt 33 trận Ngoại hạng Anh gần nhất và thắng 29 trận trong số đó. So với Arsenal, Leeds và phần còn lại ở mùa 1999-2000, Man City giờ đây hứa hẹn là thách thức lớn hơn nhiều cho MU. Trận derby chủ nhật này sẽ là cơ hội để thầy trò HLV Mancini thể hiện rõ điều đó.

ĐH (Theo Phương My-VnE)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn