Tầm nhìn cho bóng đá Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 15/12/2016 09:20:12

Sau thời gian thi đấu ở V.League, năm 2017, Câu lạc bộ (CLB) bóng đá Đồng Tháp xuống thi đấu tại giải hạng nhất. Đây là sự thất vọng của những người hâm mộ bóng đá tỉnh nhà. Trước mắt là sự hụt hẫng, nhưng rất cần một tầm nhìn đúng đắn để thắp sáng niềm tin cho tương lai.


Lãnh đạo Câu lạc bộ bóng đá Đồng Tháp làm việc với Ban Tổ chức giải chuẩn bị mùa giải hạng nhất năm 2017

Sau 2 năm hoạt động, Công ty CP Phát triển bóng đá Đồng Tháp, mặc dù có nhiều năng động về ý tưởng kinh doanh: tiếp thị, quảng cáo và bán vé..., nhưng vẫn không thoát khỏi thực trạng chung là không thể tự cân đối nguồn tài chính và kéo theo những hạn chế để CLB phải xuống thi đấu tại giải hạng nhất năm 2017.

Theo số liệu hàng năm, nguồn tài chính huy động từ các cổ đông gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, vốn điều lệ kế hoạch năm là 24,5 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ góp được 10,07 tỷ đồng. Vì vậy, nguồn thu không đảm bảo cho các hoạt động; ở giai đoạn cuối mùa giải vừa qua, nếu không có sự quan tâm chia sẻ từ lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp thì đội tuyển có khi phải bỏ cuộc. Qua thống kê nguồn thu tự thân của Công ty chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại 70% là nguồn kinh phí từ ngân sách và quảng cáo từ các doanh nghiệp nhà nước.

Như vậy, theo chiến lược kinh doanh nhằm tăng thu để tái cân đối kế hoạch tài chính và giảm dần các khoản đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước là không khả thi. Nếu như việc kinh doanh trước đây đặt ra khi còn ở sân chơi đỉnh cao V.League thì hiện nay môi trường giải hạng nhất càng thách thức, khó khăn hơn. Từ đó, dự báo nguồn tài chính của CLB trong những năm tới vẫn dựa vào sự hỗ trợ từ ngân sách. Điều này, đi ngược lại mục tiêu xã hội hóa bóng đá.

Hiện nay, đa số mô hình của các CLB đều nhấn mạnh đến vai trò văn hóa dân tộc, địa phương và phải có sự đồng hành của doanh nghiệp đủ tiềm lực để phối hợp cùng địa phương tác động đến phát triển xã hội như: đô thị, du lịch thương mại, dịch vụ khách sạn, tín dụng... và tất yếu trong đó có nguồn lợi để tái đầu tư cho bóng đá. Đặc biệt cần lưu ý: đôi khi doanh nhân đến với bóng đá bằng ý chí chủ quan thì khi gặp rủi ro, trở ngại dễ dẫn tới sự rút lui làm ảnh hưởng đến thương hiệu bóng đá của địa phương.

Hiện tại, giải pháp doanh nghiệp tiếp tục quản lý đội tuyển Đồng Tháp tham dự giải hạng nhất Quốc gia năm 2017 có thuận lợi là phù hợp với quy định của Quy chế bóng đá chuyên nghiệp và xu thế phát triển chung. Tuy nhiên, việc quản lý chuyên môn theo hệ thống còn nhiều bất cập, bởi các mục tiêu và nguồn lực đầu tư đào tạo cầu thủ trẻ hiện tại thuộc sự quản lý, định hướng của Trung tâm Thể dục Thể thao tỉnh. Trong khi Công ty CP Phát triển bóng đá quản lý đội bóng chuyên nghiệp với tham vọng đạt đẳng cấp thương hiệu CLB. Khi mục tiêu đào tạo cầu thủ trẻ kế thừa không đạt trình độ đẳng cấp, hay vấn đề quyền sở hữu cầu thủ của địa phương chưa được làm rõ, thì mâu thuẫn về quyền, nghĩa vụ và thành tích của 2 đơn vị là khó tránh khỏi.

Ngoài ra, sự ra đi của Huấn luyện viên Phạm Công Lộc và Trần Công Minh để lại khoảng trống lớn về chuyên môn cho Huấn luyện viên Bùi Văn Đông tiếp quản ghế huấn luyện viên trưởng. Về xây dựng lực lượng, trong số 16 cầu thủ còn lại có 12 cầu thủ trưởng thành từ địa phương. Cần ưu tiên qui hoạch các tuyển thủ trẻ có bản sắc như: Công Thành, Đồng Tháp, Thiện Chí và Huỳnh Công, các cầu thủ nòng cốt U19: Văn Luân, Văn Danh, Việt Cường, Hồng Hân và dự phòng các tài năng U17 như: Công Minh, Tấn Hoài, Thanh Huy, Hoàng Duy... Tuy nhiên, ở cấp độ thi đấu giải Quốc gia rất cần sự cân bằng về lực lượng các tuyến nên cần tăng cường có chọn lọc các vị trí trụ cột như: thủ môn, trung vệ, tiền vệ trung tâm và tiền đạo để đảm bảo đội hình khung đủ mạnh. Đặc biệt, giải pháp có thể mượn các cầu thủ trẻ xuất sắc từ Học viện Quỹ Đầu tư Phát triển bóng đá (PVF).


Huấn luyện viên Bùi Văn Đông và các cầu thủ nòng cốt U21 được Câu lạc bộ Đồng Tháp tín nhiệm tại mùa giải hạng nhất 2017

Các đội trẻ, năng khiếu hiện tại do Trung tâm Thể dục Thể thao tỉnh quản lý, mặc dù có tiềm năng nhưng cần có chiến lược đột phá theo hướng xã hội hóa để có điều kiện đầu tư thi đấu quốc tế, tiếp cận chuyên gia giỏi mới có thể trở thành tài năng Quốc gia. Điều lo lắng là các học sinh có năng khiếu trong tỉnh hiện chưa thành tài năng đã chảy máu với những bản hợp đồng hấp dẫn của các CLB như Quỹ Đầu tư Phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF), Nutifood ... Giải pháp cho vấn đề đào tạo cầu thủ trẻ và định hướng cầu thủ CLB hiện nay là cần sớm thành lập Hội đồng huấn luyện viên, trong đó có vai trò trung gian của các chuyên gia bóng đá thuộc Sở chủ quản và Liên đoàn bóng đá tỉnh. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến sự phát triển của bóng đá tỉnh nhà.

Chuyên nghiệp hóa bóng đá nhằm huy động mọi nguồn lực đầu tư của xã hội và thúc đẩy quá trình hội nhập bóng đá với khu vực, quốc tế. Tuy nhiên, từ thực trạng đã phân tích trên, mục tiêu trước mắt của CLB chưa thể đáp ứng trình độ thi đấu ở hạng V.League một cách ổn định. Vì vậy, phát triển bóng đá Đồng Tháp cần xác định giai đoạn trước mắt từ nay đến năm 2019 là tìm sự thăng bằng hợp lý và tầm nhìn sau năm 2020 để có đủ điều kiện vững chắc thắp sáng niềm tin cho tương lai.

TRƯỜNG THƯ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn