Lai Vung

Hướng tới liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản

Cập nhật ngày: 30/09/2013 05:01:52

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, diện tích sản xuất nấm rơm trên toàn huyện là khoảng 500ha, hàng năm cung ứng cho thị trường từ 8.000 - 10.000 tấn. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, đồng thời tận dụng hiệu quả nguồn phế phẩm từ nông nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.


Liên kết sản xuất tiêu thụ để hướng tới sản xuất bền vững

Anh Lưu Văn Bực ngụ xã Hòa Long chia sẻ, kỹ thuật nghề trồng nấm không mấy khó khăn, trong khi mô hình trồng nấm rơm lại cho nguồn thu nhập khá. Với diện tích 1.300m2 đất chất nấm, năng suất thu hoạch đạt gần 1.500kg, với mức giá 35.000 đồng/kg thì lợi nhuận anh thu về trên 10 triệu đồng (những lúc cao điểm giá nấm có thể lên đến 70.000 đồng/kg).

Với lợi nhuận như thế, nhưng anh Bực chia sẻ và mong muốn giá nấm được ổn định, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa người nông dân và doanh nghiệp.

Vấn đề này ông Huỳnh Văn Tồn - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho hay: “Do chưa có sự liên kết chặt chẽ, chỉ có hợp đồng miệng giữa người sản xuất và thương lái nên thường xuyên xảy ra chuyện “vỡ hợp đồng”, khiến giá nấm bấp bênh. Hiện nay, Công ty Cổ phần Việt Mỹ đang có kế hoạch liên kết tiêu thụ nấm trong thời gian tới. Khi có doanh nghiệp vào tiêu thụ sẽ góp phần cho nghề nấm ổn định, phát triển”.

Song song đó, Công ty Việt Mỹ cũng tiến đến nhu cầu tiêu thụ bắp non. Với tình hình trên, huyện cũng triển khai đến các xã nhằm xây dựng vùng nguyên liệu để cung ứng cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, người dân các xã: Định Hòa, Tân Hòa và Vĩnh Thới đang rất phấn khởi trước sản phẩm đậu bắp Nhật được doanh nghiệp Thủy sản Bạc Liêu liên kết tiêu thụ. Trong năm 2013, diện tích gieo trồng được kí kết là khoảng 100ha. Công ty sẽ tiến hành cung ứng giống, sau đó sẽ trừ lại sau khi tiêu thụ. Theo đánh giá, đây là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, năng suất khá tốt. Ông Huỳnh Văn Tồn cho biết, việc sản xuất đậu bắp Nhật đạt lợi nhuận cao gấp 2-3 lần so với canh tác lúa, trừ toàn bộ chi phí mỗi công thu lãi gần 10 triệu đồng. Với kết quả trên, người dân rất phấn khởi.

Hướng tới việc sản xuất bền vững, ông Huỳnh Văn Tồn chia sẻ: “Trong nhu cầu tiến tới liên kết tiêu thụ sản phẩm nhất thiết phải có vai trò của kinh tế tập thể để liên kết với doanh nghiệp, vì thế trong thời gian tới huyện sẽ xúc tiến thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã. Trong đó, định hướng là xây dựng hợp tác xã chuyên canh về hoa màu, nhằm đảm bảo nhu cầu hàng hóa cho doanh nghiệp tiêu thụ suốt năm. Song song đó, tiến tới tạo thương hiệu cho sản phẩm, thu hút doanh nghiệp...”.

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn