"Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải ra tay trực tiếp"
Cập nhật ngày: 04/04/2017 06:31:02
Đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều 3/4 trước những vấn đề đặt ra đối với nền kinh tế sau quý I.
Hai sức ép với nền kinh tế
Hai lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế là nông nghiệp và công nghiệp gặp không ít khó khăn trong quý 1 năm nay, nhất là với công nghiệp khai khoáng và công nghiệp chế tạo, khiến đóng góp vào tăng trưởng không đạt kế hoạch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, tín hiệu tích cực là sản xuất nông nghiệp quý I tăng trưởng dương. 3 triệu ha sản xuất lương thực đang được triển khai tốt. Vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng về vụ sản xuất đặc biệt sau thiệt hại do mưa lũ. Sản xuất cây công nghiệp, nuôi trồng, khai thác thủy hải sản cũng đạt kết quả khá.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, có ba thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp cả trước mắt và lâu dài, đó là tác động của biến đổi khí hậu, tác động của thị trường và yêu cầu tổ chức lại nền sản xuất nhỏ. Đối với khó khăn thị trường, nông sản Việt Nam xuất khẩu trước xu hướng bảo hộ mậu dịch của nhiều nước, trong đó có thị trường Mỹ.
Do đó, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công thương để khai thác các thị trường mới là Trung Quốc, Ấn Độ và ba là ASEAN, đặc biệt là thị trường nội địa.
Trong khi đó, sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp khai khoáng và chế biến chế tạo đóng góp không như mong đợi, khiến GDP quý 1 chỉ tăng 5,1%. Trong công nghiệp khai khoáng sụt giảm có cả mặt hàng than và dầu thô.
Đối với mặt hàng than, hiện lượng than tồn kho rất lớn, khoảng trên 12 triệu tấn và nếu tiếp tục tăng khai thác than và lượng than nhập khẩu trong năm nay thì khả năng tồn kho lớn hơn nữa.
Nguyên nhân là bởi giá thành khai thác của nước ta cao hơn 30% so với các nước trong khu vực trong khi lại chịu nhiều loại thuế, phí liên quan đến môi trường. Trong khi đó khai thác dầu thô sụt giảm cũng khiến không thúc đẩy được tăng trưởng.
Bộ Công thương đề nghị Chính phủ nghiên cứu giảm một số loại phí tác động làm tăng chi phí đối với than, nhằm hạ giá thành và tiêu thụ than ngay tại thị trường trong nước, đóng góp vào tăng trưởng. Đề xuất này đã được Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu để có giải pháp phù hợp, thúc đẩy công nghiệp khai khoáng.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, nền kinh tế có nhiều tín hiệu đáng mừng, như xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng cao; ngành dịch vụ, nhất là du lịch, tăng khá nhanh, xấp xỉ 3%, trong đó có nhiều khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng; 65% doanh nghiệp tư nhân có lãi, cao nhất trong 5 năm, có 48% doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh.
Tuy vậy, nền kinh tế đang chịu sức ép lớn, chủ yếu là từ các vấn đề dài hạn tồn tại từ nhiều năm nay chưa giải quyết được, trong khi tình hình quốc tế phức tạp, nhất là chính sách bảo hộ thương mại, chính sách thuế biên giới của Mỹ.
Nền kinh tế đang gặp hai sức ép lớn là tăng trưởng quý 1 thấp và sức ép tỷ giá. Với nguyên nhân quan trọng từ sản xuất công nghiệp, các bộ, ngành đã đưa ra kịch bản cho từng ngành, sản phẩm, trong đó tập trung vào các lĩnh vực giàu tiềm năng như công nghiệp khai khoáng, xây dựng, sản phẩm công nghiệp chế tạo…
Thủ tướng nêu rõ, với GDP quý 1 chỉ tăng 5,1%, nếu không quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt, các bộ, ngành và doanh nghiệp không nỗ lực vượt bậc sẽ khó đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 6,7%.
Đối với sức tỷ giá, đây là yếu tố gắn liền với lãi suất và tác động đến lạm phát. Với việc FED có thể tăng lãi suất trong năm nay và năm tới cùng một số yếu tố khác, nếu không có dự báo và biện pháp điều hành mạch lạc, CPI năm nay khó giữ được dưới 4%.
Mở hội nghị doanh nghiệp lần thứ hai
Đưa ra các giải pháp khắc phục khó khăn của nền kinh tế, Thủ tướng nêu rõ, xã hội còn nhiều lãng phí nên cần triệt để tiết kiệm trong đầu tư, trong sản xuất kinh doanh để hạ chi phí, giảm giá thành, tăng giá trị gia tăng và tăng GDP. Đây vừa là giải pháp trước mắt vừa là giải pháp cơ bản và dài hạn, cũng là giải pháp phản ánh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Giải pháp lớn nữa là dù có tiến bộ về môi trường đầu tư kinh doanh nhưng ở địa phương, còn có những cán bộ chưa thực hiện tốt chủ trương này. Do đó, cần tiếp tục tập trung cải cách thể chế, tránh tình trạng vẫn còn sự kêu ca về thủ tục đầu tư kinh doanh, sự lo sợ trách nhiệm, thiếu quyết đoán, chậm trễ của không ít cán bộ trong bộ máy từ Trung ương đến địa phương.
Trên cơ sở đánh giá một năm qua, việc triển khai Nghị quyết 35 của Chính phủ có kết quả tốt, Thủ tướng quyết định mở hội nghị doanh nghiệp lần thứ hai để lắng nghe doanh nghiệp và có quyết sách rõ hơn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến giải pháp đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp Nhà nước. Đây là nơi tập trung nguồn lực lớn nhưng chưa được sử dụng hiệu quả nên phải tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực này thông qua cổ phần hóa, bán toàn bộ hoặc phần lớn vốn Nhà nước, thay đổi quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và góp phần tăng GDP.
Phần vốn Nhà nước bán được một cách cạnh tranh trên thị trường chứng khoán có thể đầu tư hạ tầng giao thông, năng lượng, giải quyết nợ xấu, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó là tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành đẩy mạnh giải quyết nợ xấu để giảm lãi suất cho vay.
Thủ tướng đánh giá cao đề xuất của Ngân hàng Nhà nước dành ra gói tín dụng 100.000 tỷ cho nông nghiệp công nghệ cao với mức giảm lãi suất cho vay từ 1 đến 1,5%.
“Nếu không giảm được lãi suất thì cũng không được tăng lãi suất, yêu cầu của Chính phủ là như vậy” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ. “Vì chúng ta biết với 5,5 triệu tỉ tín dụng hiện tại, nếu giảm được 1% lãi suất, thì nền kinh tế tiết kiệm được 55 nghìn tỉ chi phí tài chính".
Từ thực tế khó khăn của thị trường quốc tế, Thủ tướng yêu cầu các ngành, lĩnh vực có giải pháp thúc đẩy tiêu dùng nội địa để phục vụ thị trường 100 triệu dân; tăng trưởng bán lẻ phải đảm bảo hai con số; ngành công thương cần phối hợp với các ngành có hàng rào kỹ thuật phù hợp với pháp luật để bảo vệ sản xuất trong nước.
Do đó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, chống tình trạng trì trệ trong cán bộ, công chức trong bộ máy.
“Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải ra tay trực tiếp”, Thủ tướng nhấn mạnh. “Phó Thủ tướng phụ trách phải chỉ đạo, giao ban, kiểm tra, xử lý cụ thể. Cùng với việc tháo gỡ thể chế chúng ta phải chỉ đạo cụ thể những vấn đề vướng mắc hiện nay trong sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho phát triển. Đi liền với đó là việc thúc đẩy giải ngân, là vấn đề rất lớn trong quý 2, cũng như kiểm tra, đôn đốc thường xuyên hơn các vấn đề tồn tại mà các đồng chí tại hội nghị đã nêu lên.”
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng phải có chương trình hành động cụ thể thực hiện các chủ trương của Chính phủ từ tăng trưởng, xuất nhập khẩu, giải ngân, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô.
Vũ Dũng/VOV