“Chết dần” với mỹ phẩm chứa chất nguy hại
Cập nhật ngày: 20/07/2015 05:29:09
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa triệt phá đường dây sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm bằng nguyên liệu trôi nổi tại Công ty Mỹ phẩm Huyền Trang (TPHCM). Qua đó đã lộ ra hàng chục tấn mỹ phẩm giả, nhái, nhập lậu - là hồi chuông cảnh báo tới người tiêu dùng. Ngoài ra, thị trường hiện đang bày bán những loại mỹ phẩm có chứa chất cấm, nguy hại mà Bộ Y tế đang chuẩn bị cấm lưu hành.
Theo đó, từ ngày 1-8-2015, Cục Quản lý dược Bộ Y tế cấm lưu hành một số dẫn xuất của Parabens (chất bảo quản, nhũ hóa) sử dụng phổ biến trong sữa rửa mặt, sữa tắm, kem dưỡng da, dầu gội… nhằm hạn chế những tác hại lên sức khỏe người tiêu dùng.
Tràn lan mỹ phẩm “ngậm” chất cấm Parabens
Dạo qua một lượt các siêu thị, cửa hàng bán mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp cho thấy hàng loạt sản phẩm bày bán với đủ chủng loại, xuất xứ. Trong đó, không ít sản phẩm có chứa chất bảo quản dẫn xuất của Parabens hoặc hợp chất bảo quản Methylchlorothiazolinone và Methylisothiazolinone (MCT + MIT). Tại siêu thị Co.opMart Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, người tiêu dùng hoa mắt bởi cả trăm sản phẩm bày san sát trên kệ như sữa tắm D., sữa dưỡng ẩm L., S., kem trắng da N., sữa rửa mặt P... Chưa hết, ngay kế bên kệ mỹ phẩm là hàng tá nước tẩy rửa, dầu gội đầu cũng xếp từng dãy dài…
Khi được hỏi có biết một số mỹ phẩm chứa chất cấm nguy hại đang được Bộ Y tế chuẩn bị cấm lưu hành, một phụ nữ đang săm soi mua sữa dưỡng da nói rằng không hề hay biết gì. Chị cũng nói khi mua chủ yếu xem nhãn hiệu, công dụng, giá cả chứ chẳng hề xem và biết có thành phần gì. Trong khi đó, ghé qua chợ Kim Biên, quận 5, một trong những trung tâm chuyên cung cấp sỉ và lẻ các mặt hàng chăm sóc cơ thể, sắc đẹp, vẫn tràn lan các loại kem, dầu gội, nước hoa có nhãn mác nào Pháp, Ý, Đức, Mỹ… và cả Trung Quốc. Trong đó có không ít loại sản phẩm trôi nổi, nguồn gốc không rõ ràng. “Hàng chục quầy sạp ở đây bán mỹ phẩm cả mấy chục năm nay, có biết gì chất cấm hay nguy hại. Mỗi ngày đều đóng hàng cung cấp cho các tỉnh ào ào đấy thôi”, chủ một sạp hàng mỹ phẩm cho biết.
Theo ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, việc thực hiện lộ trình ngừng lưu hành sản phẩm chứa Parabens, MCT + MIT kể trên xuất phát từ những cảnh báo của thế giới về nguy cơ gây hại cho sức khỏe và nhằm thực hiện lộ trình chung của các nước ASEAN. Ông Đạt cho biết từ ngày 1-7 đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan hạn chế lưu hành sản phẩm có chất MCT + MIT và ngừng hẳn từ 30-4-2016, chỉ cho phép hỗn hợp chất MCT + MIT với tỷ lệ 3:1 trong sản phẩm tẩy rửa, không được phép sử dụng trong mỹ phẩm. Còn các sản phẩm chứa Parabens sẽ bị cấm lưu hành từ ngày 1-8 tới đây. “Hiện thị trường có hơn 100.000 mỹ phẩm các loại công bố tiêu chuẩn sản phẩm ở Việt Nam nhưng chưa biết được bao nhiêu sản phẩm có chứa Parabens, MCT + MIT. Tuy nhiên, Cục Quản lý dược sẽ rà soát và nghiêm khắc đình chỉ lưu hành, không cấp phép những sản phẩm mỹ phẩm có chứa Parabens”, ông Đạt nhấn mạnh.
Dễ gây ung thư
Theo các chuyên gia hóa dược, các dẫn xuất Parabens và MCT + MIT đã được cảnh báo nguy cơ gây ung thư, dị ứng, rối loạn hormone từ năm 1998. Ủy ban Mỹ phẩm cộng đồng châu Âu nghi ngờ chất isoparaben (dẫn chất của Parabens) có thể gây ung thư vú. Theo PGS-TS Trương Văn Tuấn, chuyên gia dược bào chế, nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới chứng minh Parabens là chất gây mất cân bằng nội tiết tố, lâu dài có thể gây ung thư.
“Nếu Parabens có trong các loại kem bôi được xoa lên lưng của những thanh niên khỏe mạnh, các dấu vết của Parabens có thể được tìm thấy trong máu chỉ trong vài giờ sau khi sử dụng kem bôi”, PGS Trương Văn Tuấn cho biết.
Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), các nghiên cứu tại châu Âu cho thấy chất Parabens vẫn thường được sử dụng làm chất bảo quản trong 80% mỹ phẩm, nhiều loại thực phẩm và dược phẩm để chống nấm mốc phát triển và vi sinh vật có hại cho con người. Theo chuyên gia dược học Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, các Parabens là một nhóm hợp chất hóa học được sử dụng làm chất bảo quản chống vi khuẩn trong thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm. “Hóa chất Parabens thường xuất hiện trong các loại kem lăn nách, kem dưỡng da, xịt khử mùi, sữa rửa mặt, dầu gội đầu, gel cạo râu, khăn giấy, sữa tắm dùng cho trẻ em…”, ông Truyền khuyến cáo.
Tại hội thảo “Mỹ phẩm, khăn giấy ướt và sức khỏe người tiêu dùng” do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) vừa tổ chức ở TPHCM, PGS-TS Lê Ngọc Diệp (Trường ĐH Y Dược TPHCM) cảnh báo cần thận trọng với hàng loạt mỹ phẩm bán tràn lan ngoài vỉa hè, trong cửa hàng, trên mạng xã hội. “Đã không ít chị em đến các phòng khám da liễu để điều trị với các biểu hiện như phát ban, mụn trứng cá, mặt nổi mẩn đỏ, sạm da, nám da, giãn mao mạch, teo da…, là dấu hiệu của việc bệnh nhân đã bôi mỹ phẩm chứa chất corticoid và các hóa chất bảo quản khác”, PGS Lê Ngọc Diệp băn khoăn.
Trước thực trạng nói trên, nhiều chuyên gia y tế kiến nghị Cục Quản lý dược và các cơ quan chức năng triển khai chiến dịch chỉ đạo rà soát, kiểm tra thị trường mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp, những cơ sở sản xuất nhằm sớm đình chỉ, xử lý những sản phẩm chứa chất cấm, cơ sở sản xuất sử dụng chất cấm hoặc không đảm bảo điều kiện sản xuất. Người tiêu dùng nên mua và sử dụng những sản phẩm từ các công ty có uy tín, nguồn gốc, nhãn hiệu rõ ràng.
TƯỜNG LÂM/SGGP