ĐBSCL: Cần ứng dụng tốt CNTT để phát triển

Cập nhật ngày: 30/06/2016 14:09:57

“Nếu chúng ta biết tận dụng những thế mạnh mà chỉ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mới có, đó là lúa gạo và thủy sản và đưa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) vào để phục vụ hai lĩnh vực đó, thì chắc chắn giá trị thu được sẽ lớn hơn rất nhiều so với hiện nay”, theo ông Lê Văn Lợi, Viện trưởng Viện tin học doanh nghiệp (ITB) thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).


Biết tận dụng, CNTT sẽ là chìa khóa giúp nâng cao giá trị nông nghiệp ĐBSCL. Trong ảnh là các diễn giả đang thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội thảo “Triển vọng ngành CNTT vùng ĐBSCL trong xu hướng phát triển mới” được tổ chức vào chiều ngày 29/6 ở TP.Cần Thơ, có một câu hỏi được đặt ra, đó là khu vực ĐBSCL nên “sáng tạo” ra những sản phẩm CNTT mới như một số nơi đã làm hay vận dụng nền tảng sẵn có để phục vụ phát triển những ngành là thế mạnh của vùng?

Trả lời vấn đề này, ông Lê Văn Lợi của ITB, cho rằng cần phải đầu tư một cách khôn ngoan, tức phải làm sao “lợi dụng” được những cái sẵn có để áp dụng và nâng cao giá trị là thế mạnh của vùng.

“Ví dụ, chúng ta có băng thông không dây phủ sóng toàn bộ vùng ĐBSCL.Trong khi đó, chúng ta muốn kiểm soát ao nuôi tôm, nuôi cá tra…, bằng CNTT, thì tại sao chúng ta không “lợi dụng” cái đó thông qua những phần mền truyền thông của các công ty khác đã tạo ra để tăng hiệu quả quản lý, giám sát?”, ông đặt vấn đề.

Theo ông Lợi, trong những năm qua, gia công phần mềm của Việt Nam chỉ được khoảng trên 1 tỉ đô la Mỹ, trong khi xuất khẩu thủy sản hiện đạt 7 - 8 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. “Và CNTT có thể đưa con số đó lên gấp đôi hiện nay thông qua giải quyết vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng lượng khách hàng và nhiệm vụ hàng đầu của CNTT là đảm bảo việc này”, ông cho biết.

Cụ thể, theo ông Lợi, thông qua quản lý, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm bằng CNTT, khách hàng ở Mỹ, EU…, họ dễ dàng tiếp cận được quy trình quản lý của doanh nghiệp và thấy an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề mà Việt Nam rất quan tâm, “cho nên họ ăn con cá, con tôm hay gạo của Việt Nam đều cảm thấy rất yên tâm và như vậy họ sẵn sàng mua sản phẩm của chúng ta nhiều hơn”, ông cho biết.

Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này, theo ông Lợi, Chính phủ cần cáp quang hóa toàn bộ kết nối internet của vùng ĐBSCL; ưu tiên phát triển hệ thống kết nối 3G và tiến tới 4G vì đặc điểm của ĐBSCL dễ dàng tiếp cận với kết nối không dây hơn.

Về phía doanh nghiệp, mỗi đơn vị phải xây dựng cho riêng mình một hệ thống website hoàn chỉnh để dễ dàng tiếp cận với khách hàng; mỗi doanh nghiệp phải có ít nhất 80% nhân viên có tài khoản facebook để quảng bá sản phẩm và chăm sóc khách hàng; 80% nhân viên doanh nghiệp phải được tham gia ít nhất một khóa đào tạo ngắn hạn (1-2 ngày)/năm về tìm kiếm thông tin, tiếp thị điện tử, thương mại điện tử…, nhằm để phục vụ phát triển doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ông Lợi như đã nêu ở trên, việc đầu tư vào CNTT cho vùng ĐBSCL nên biết “lợi dụng” những nền tảng sẵn có để phục vụ vào những lĩnh vực là thế mạnh riêng ở ĐBSCL, thì giá trị thu được sẽ được nâng lên rất nhiều.

D.Út (Trung Chánh TBKTSGO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn