Thủ tướng Phạm Minh Chính:

"Lấy xã, phường, thị trấn, xí nghiệp làm pháo đài, người dân là chiến sĩ"

Cập nhật ngày: 29/08/2021 18:15:37

Thủ tướng nêu rõ, trong quá trình triển khai, các đồng chí thấy có điểm gì cần điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện, có bài học kinh nghiệm gì hay, thấy gì từ thực tiễn thì phổ biến; đồng thời có gì chưa được thì cũng phản ánh, nhất là các xã, phường; có đề xuất gì với Trung ương, tỉnh, thành phố, quận, huyện...


Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Sáng 29/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo với 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 1.060 xã, phường, quận, huyện, thị xã, thị trấn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để quán triệt thực hiện nghiêm các Công điện số 1099 và 1102/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và bàn giải pháp trọng tâm thời gian tới trong phòng, chống dịch Covid-19.

Cùng dự tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; các đồng chí Bí thư T.Ư Đảng: Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội. Tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. 

Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vừa qua, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành 2 Công điện quan trọng về phòng, chống dịch là 1099 và 1102/CĐ-TTg; quá trình này luôn có kế thừa, bổ sung, đổi mới, nhưng thời điểm này, có điểm rất mới là chúng ta lấy xã, phường, thị trấn, xí nghiệp làm pháo đài, người dân là chiến sĩ.

Thủ tướng nêu rõ, trong quá trình triển khai, các đồng chí thấy có điểm gì cần điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện, có bài học kinh nghiệm gì hay, thấy gì từ thực tiễn thì phổ biến; đồng thời có gì chưa được thì cũng phản ánh, nhất là các xã, phường; có đề xuất gì với T.Ư, tỉnh, thành phố, quận, huyện. 

* Tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết, hoạt động giãn cách xã hội đã đạt được những kết quả nhất định, số lượng người dân di chuyển trên đường phố giảm rõ rệt, nhất là tại TP Hồ Chí Minh, lưu lượng người di chuyển trên đường đã giảm 90% so trước khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg và giảm 25% so với ngày 22/8.

Đánh giá sự tuân thủ Chỉ thị số 16/CT-TTg thông qua sự di chuyển của thuê bao di động (ngày 25/8) tại Hà Nội, Đà Nẵng và 18 tỉnh khu vực phía nam cho thấy, tỷ lệ thuê bao di động ở trạng thái “đứng yên” dao động trong khoảng 42 - 72%, ghi nhận tỷ lệ cao nhất tại TP Hồ Chí Minh (72,46%). Đánh giá theo hệ số tuân thủ quãng đường di chuyển trung bình (ngày 25/8), các tỉnh, thành phố trên có hệ số tuân thủ từ 31 - 71%, ghi nhận tỷ lệ cao nhất tại Đà Nẵng (71,2%).  

Xác định công tác bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu, các bộ, ngành, địa phương tích cực phối hợp triển khai, đặc biệt trong giai đoạn tăng cường giãn cách xã hội để bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm cho người dân để yên tâm thực hiện giãn cách. Triển khai các giải pháp hỗ trợ đến từng gia đình, người dân như: phát túi an sinh miễn phí, “đi chợ hộ” với sự tham gia hỗ trợ của lực lượng quân đội, công an (tại TP Hồ Chí Minh), Tổ hậu cần địa phương, Tổ Covid-19 cộng đồng, lực lượng tình nguyện viên...

Đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các địa phương khu vực phía nam đã triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP với số kinh phí chiếm 72,5% so cả nước; toàn bộ 19 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch hỗ trợ và bổ sung các nhóm đối tượng với các chính sách riêng, phù hợp với từng địa phương như người lao động bán vé số, xe ôm truyền thống, người buôn bán hàng rong, người làm việc trong các cơ sở kinh doanh không có hợp đồng lao động; giảm giá tiền điện….

Tính đến 26/8, cả nước có hơn 11 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 45.000 người lao động; hơn 77.200 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ tiền mặt; gần 37.000 hộ kinh doanh bị tạm dừng hoạt động được hỗ trợ; gần 1,2 triệu người lao động tự do trong cả nước đã được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí gần 2.180 tỷ đồng...

Công tác xét nghiệm: tính đến ngày 27/8, cả nước đã thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho 34.974.519 lượt người, trong đó từ 29/4 đến nay, đã thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho 31.447.580 lượt người.

Từ ngày 22/8, các địa phương TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và tăng cường triển khai lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương đã xét nghiệm nhanh cho hơn 1,5 triệu người; Đồng Nai, Long An đã xét nghiệm cho khoảng gần 1 triệu người, trong đó Bình Dương đã thực hiện 3 đợt xét nghiệm diện rộng; Đồng Nai, Long An đã thực hiện 2 đợt xét nghiệm diện rộng.

Về công tác điều trị, giảm tử vong: tại TP Hồ Chí Minh, xu hướng tử vong tăng nhanh trong tuần từ giữa tháng 7 và cao nhất vào tuần thứ 2 và thứ 3 tháng 8/2021. Xu hướng này giống nhau giữa các tầng điều trị và hiện đang có xu hướng giảm do hiệu quả bước đầu triển khai tích cực các biện pháp như: triển khai gói điều trị F0 tại nhà, trạm y tế lưu động (411 trạm y tế tại TP Hồ Chí Minh); hỗ trợ, hội chẩn, chỉ đạo chuyên môn từ Trung tâm hồi sức tầng 3 xuống các bệnh viện quận/huyện và bệnh viện dã chiến; vận hành các trung tâm hồi sức (tầng 3).

Các giải pháp đã có hiệu quả giảm số ca tử vong; mặc dù số ca phát hiện vẫn khá lớn, cao hơn trung bình những ngày trước khi triển khai xét nghiệm diện rộng.

Ngày 26/8, Bộ Y tế đã phối hợp với TP Hồ Chí Minh triển khai chương trình thuốc điều trị có kiểm soát tại cộng đồng cho các trường hợp nhiễm bệnh; đã thực hiện cấp phát 16.000 liều thuốc điều trị, giảm virus cho 16.000 người bệnh Covid-19.

Về tiêm chủng vaccine, tính đến ngày 28/8, cả nước đã tiêm được 19.223.460 liều. Tính đến 26/8, 19 tỉnh phía nam, đã cấp 12.306.010 liều vaccine, trong đó đã triển khai tiêm chủng được 10.551.088 liều (đạt 85.7%), gồm có 9.900.585 liều mũi 1 và 650.503 liều mũi 2.

Riêng TP Hồ Chí Minh đã triển khai tiêm chủng được 5.786.586 liều (đạt 81.6%), trong đó có 5.598.834 liều mũi 1 và 187.752 liều mũi 2. Các địa phương đang triển khai tiếp nhận 810.150 liều vừa được phân bổ.

Về huy động nguồn lực: Bộ Y tế đã huy động tổng lực ngành y tế cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam. Nhân lực y tế đã huy động hơn 16.000 y, bác sĩ và cán bộ y tế hỗ trợ cho khu vực phía nam; điều động số lượng lớn các trang thiết bị, máy thở, vật tư thuốc men cho các địa phương này; thiết lập và vận hành hiệu quả 11 trung tâm hồi sức bệnh nhân nặng tại khu vực phía nam, riêng TP Hồ Chí Minh đã có 6 Trung tâm với lượng lớn số giường cấp cứu và đã có những kết quả tích cực trong việc giảm tử vong...

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đánh giá cao sự tổ chức của cấp uỷ, chính quyền, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, trong đó có xã, phường, thị trấn, sự hỗ trợ của MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội, hội đồng hương, tôn giáo, sự giúp đỡ, đóng góp kịp thời của cộng đồng doanh nghiệp.



Thủ tướng cũng biểu dương các lực lượng tuyến đầu như công an, quân đội, y tế làm việc quên ngày quên đêm trong phòng chống dịch thời gian qua. 
(Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng cũng biểu dương các lực lượng tuyến đầu như công an, quân đội, y tế làm việc quên ngày quên đêm trong phòng chống dịch thời gian qua. “Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo biểu dương, đánh giá cao sự hưởng ứng tích cực của nhân dân trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Nhân dân đồng tình, ủng hộ, sẵn sàng tiếp tục thực hiện thành công cuộc chiến chống dịch. Nhờ đó, chúng ta đạt kết quả nhất định, một số tỉnh, thành phố đã đẩy lùi, ngăn chặn dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế”.

Dự báo tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo kể cả các nước có điều kiện, tiềm lực kinh tế đều bị động, quá tải hệ thống y tế. Chúng ta phải xác định phải chung sống với dịch bệnh để thích ứng, nhưng phải kiểm soát được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế.

Dịch bệnh có chiều hướng phát triển khó lường, không thể lơ là, chủ quan, mất cảnh giác được. Chủng virus mới diễn biến nhanh, khó dự đoán. Càng khó khăn thì càng không được chủ quan, mất cảnh giác, kể cả với những tỉnh thành đã khống chế được dịch. Không thể khống chế dịch tuyệt đối được, cho nên phải có cách làm phù hợp. Phải đặt sức khoẻ, tính mạng của người dân là trên hết.

Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương đưa ra mục tiêu phải rõ, cụ thể, có lộ trình để thực hiện có kết quả. Chúng ta đã hy sinh để thực hiện giãn cách thì phải đạt kết quả là chống dịch thành công, phải ngăn chặn, đẩy lùi được dịch bệnh sớm, nhanh, hiệu quả.

Tỉnh, thành phố nào chưa đạt được thì phải kiểm điểm, phân tích nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể. Từ đó rút kinh nghiệm, lãnh đạo, chỉ đạo, đưa ra biện pháp, giải pháp.

Các Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp tỉnh, huyện, xã phải thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm. Ai vi phạm, lơ là thì cũng phải xử lý. Cá nhân, tập thể nào làm tốt phải khen thưởng.

Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố, xã phường đẩy nhanh đưa địa phương mình trở lại trạng thái bình thường để phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép.

Về biện pháp, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh, huyện, xã phải quán triệt sâu sắc, thấm nhuần, tổ chức tốt nhất theo tinh thần các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức thực hiện tốt, nhất là những gì liên quan đến người dân.

Thủ tướng lưu ý về giãn cách xã hội, đây là biện pháp chống lây lan, không còn cách nào khác, đã giãn cách thì phải làm nghiêm chặt, không để lây lan; phải kiểm soát hiệu quả.

Trong thời gian giãn cách xã hội thì chúng ta phải thực hiện xét nghiệm, tiêm vaccine khoa học, an toàn, hiệu quả và toàn diện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thực hiện nghiêm "ai ở đâu ở đó"; khi giãn cách xã hội thì có có khó khăn về an sinh xã hội, chúng ta phải đáp ứng cho nhân dân, không để người dân "thiếu ăn, thiếu mặc".

Đối với việc thu dung và điều trị, giảm tử vong, ca bệnh nặng thì phải các giảm các ca F0, giảm lây lan. Muốn vậy phải tiếp cận y tế từ sớm, từ xa. Phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, không để quá tải tuyến trên. Kết hợp đông tây y trong điều trị bệnh Covid-19. Bộ Y tế cần hướng dẫn thêm, đồng thời điều động thêm bác sĩ, nhân viên điều dưỡng.


Về chiến lược vaccine, Thủ tướng khẳng định, “vaccine tốt nhất là vaccine tiêm sớm nhất”; tiêm vaccine khoa học, ưu tiên tuyến đầu, chú ý những người làm dịch vụ, công nhân.
 (Ảnh: TRẦN HẢI)

Về chiến lược vaccine, Thủ tướng khẳng định, “vaccine tốt nhất là vaccine tiêm sớm nhất”; tiêm vaccine khoa học, ưu tiên tuyến đầu, chú ý những người làm dịch vụ, công nhân... Khuyến khích những chỗ nào xét nghiệm, tiêm vaccine thì khoanh vùng, “làm đâu dứt điểm đó”, “xanh hoá vùng vàng”; kết hợp vaccine với thuốc.

Hiện nguồn vaccine đang hiếm do chủng mới lây lan, do một số nước tiêm mũi thứ ba, nhưng chúng ta phải bảo đảm phục vụ nhân dân trong tình hình này, do đó vẫn thực hiện các biện pháp 5K và công nghệ.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ và các cơ quan đang vào cuộc tích cực để tiếp cận các nguồn vaccine. Việc sản xuất vaccine trong nước đang có triển vọng nhưng phải tuân theo các thủ tục, quy trình, nhưng không vì thế mà để chậm trễ.

Phải bảo đảm an dân, trật tự an toàn xã hội. Tuyên truyền vận động nhân dân chia sẻ, hưởng ứng các biện pháp phòng, chống dịch. MTTQ, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, tôn giáo phải vận động nhân dân, coi đây là quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân, vì sức khoẻ của chính mình, vì cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Phát huy tinh thần "tương thân, tương ái". Nghiên cứu di dời những nơi mật độ dân quá đông đến nơi thông thoáng, an toàn, hạn chế lây nhiễm chéo.

Tinh thần sản xuất an toàn, an toàn để sản xuất. Những nơi an toàn như đã tiêm vaccine, xét nghiệm... phải khuyến khích sản xuất. Chúng ta phải hỗ trợ để không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Phải linh hoạt trong phòng, chống dịch, làm tốt công tác xây dựng Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Bảo đảm thông suốt chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hoá toàn quốc; các địa phương không đặt ra quy định riêng, cục bộ, "giấy phép con". Rút kinh nghiệm việc ban hành quy định đi lại như ở TP Hồ Chí Minh vừa qua thì phải làm chặt chẽ, thống nhất.

Công tác tuyên truyền và ứng dụng khoa học công nghệ phải được đẩy mạnh. Phải chủ động trong thông tin, chăm lo cả đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Ngành văn hoá, các cơ quan báo chí phải có trách nhiệm trong việc này, đây cũng là cơ hội để tăng cường tuyên truyền truyền thống văn hoá, lịch sử tốt đẹp của dân tộc, cũng là biện pháp chống dịch.

Kịp thời đúc rút kinh nghiệm hay, nhân rộng mô hình, điển hình tốt, xử lý những cá nhân, tập thể làm không hiệu quả. Đề nghị Bí thư, Chủ tịch UBND xã phường quán triệt vấn đề này.

Các địa phương phải kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, các đồng chí Bí thư phải lãnh đạo Ban Chỉ đạo. Chủ tịch UBND chịu trách nhiệm chỉ đạo trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch.

Bí thư cấp uỷ phải chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Trung tâm chỉ huy phải kiện toàn ở cấp tỉnh, cấp huyện, xã tiếp nhận, xử lý mọi việc. Cấp uỷ, tổ chức đảng là hạt nhân ở đây, đảng viên phải gương mẫu, có Đảng lãnh đạo, có MTTQ, đoàn thể giám sát, có quy chế làm việc, phối hợp rõ ràng.

Về chủ trương lấy xã, phường là pháo đài chống dịch, người dân là chiến sĩ, người dân là chủ thể và phải tham gia công tác phòng, chống dịch. Pháo đài là người dân cư trú tại xã, phường, thị trấn. Xã, phường là hệ thống chính trị gần dân nhất, đến với dân nhanh nhất, là cấp quản lý hành chính ở cơ sở mọi mặt với nhân dân.

Cấp uỷ lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị vào cuộc ngay tại xã phường. Kêu gọi cộng đồng nhân dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, phòng, chống dịch.

Xã, phường phải cung cấp các gói an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tập trung cho các đối tượng cần hỗ trợ, đứt bữa, lang thang cơ nhỡ. Bảo đảm tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất có thể ngay từ cơ sở.

Do đó từ phương pháp điều trị tập trung, chúng ta đã chuyển sang phân tán hài hoà các ca nặng mới đưa tuyến trên, các ca nhẹ điều trị tại trạm xá phường, trạm xá lưu động.

Tổ chức xét nghiệm, tiêm vaccine ngay tại xã phường theo hướng dẫn của Bộ Y tế, có trật tự, khoa học, hiệu quả.

Từ bài học kinh nghiệm ở TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng yêu cầu các xã phường phải dán công khai các số điện thoại hỗ trợ cho người dân khi cần có thể gọi được ngay, có trực 24/24 giờ, nhất là hỗ trợ về lương thực, y tế. Tăng cường vận động, tuyết phục nhân dân thực hiện giãn cách để bảo vệ sức khoẻ.

Các tổ Covid cộng đồng phải nắm rõ ai "thiếu ăn, thiếu mặc"; hệ thống chính trị ở xã phường phải điều phối các lực lượng hỗ trợ. Chúng ta phải hình thành các lực lượng vận chuyển hàng hoá đến xã phường nhưng phải bảo đảm an toàn. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp vào cuộc.

Theo NDĐT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn