Đề nghị nhân rộng mô hình “tổ công tác” về nông sản tại miền Nam
Cập nhật ngày: 21/08/2021 06:29:31
Ngày 20-8, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã ký công văn số 28 báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19, Bộ NN-PTNT và Tổ công tác của Bộ GT-VT về tình hình sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp tại các tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách trong điều kiện dịch Covid-19 lan rộng.
Nông dân miền Tây thu hoạch hành lá để bán cho thương lái thu mua chế biến. Ảnh: TRẦN CAO
Trong công văn này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, tính đến ngày 19-8, ở phía Nam đã có tổng cộng 1.201 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm (rau củ, trái cây, thủy hải sản, lương thực và các mặt hàng khác) đăng ký kết nối tiêu thụ qua Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT.
Đến nay, Tổ công tác của Bộ NN-PTNT đã giúp kết nối tiêu thụ lượng nông sản đáng kể tại Nam bộ và Tây Nguyên. Nhu cầu thu gom, thu mua nông sản để chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp đang gia tăng, nhất là đáp ứng thị trường cuối năm. Chỉ trong 1 ngày, Tổ công tác đã kết nối được 46 đơn hàng cho nông thủy hải sản tại ĐBSCL. Đặc biệt, có đơn hàng đang cần mua khoảng 500 tấn rau củ và Tổ công tác đang liên kết với các tỉnh để bắt đầu triển khai từ ngày 23-8.
Các vùng sản xuất nông sản ở miền Tây đang chờ kết nối thị trường, hỗ trợ tiêu thụ trong bối cảnh giãn cách xã hội. Ảnh: TRẦN CAO
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, rút kinh nghiệm từ việc kết nối thu mua nông sản để thực hiện chương trình tặng 15.000 phần quà cho công nhân lao động của các tỉnh, thành phố đang lưu trú tại TPHCM, Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT đã thí điểm “gói combo” kết hợp 5 loại nông sản với tổng trọng lượng 10kg/túi (đồng giá 100.000 đồng/túi) để đưa tới người tiêu dùng tại TPHCM.
Đây là các loại nông sản có giá rẻ, cần đầu ra cho nông dân, dễ vận chuyển, ít hư thối như: khoai lang, khoai môn nhỏ, củ sắn, khóm, chanh, củ cải trắng, dưa leo và một số loại rau củ, trái cây khác.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, thí điểm này cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực khi người mua nông sản tại các khu cách ly, khu công nhân có thể tiếp cận được giá rẻ và phù hợp chi tiêu; mỗi túi nông sản có giá bình quân chỉ 10.000 đồng/kg. Trong đó, giá thu mua tại nơi sản xuất là hơn 6.000 đồng/kg (tùy loại của mỗi vùng); còn lại là các chi phí thu gom, đóng gói, vận chuyển từ nơi sản xuất về TPHCM, chi phí thuê kho và phân phối đến người tiêu dùng.
“Chương trình đang được nhiều cán bộ tại nhiều tỉnh, thành phố tham gia và người mua tại TPHCM ngày càng tăng”- Thứ trưởng Trần Thanh Nam báo cáo.
Vùng trồng ớt làm gia vị chế biến xuất khẩu tại ĐBSCL trong bối cảnh dịch Covid-19. Ảnh: TRẦN CAO
Từ thành công của các mô hình thí điểm, trong công văn số 28 ngày 20-8, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị: song hành với Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN-PTNT, tại mỗi sở NN-PTNT của các tỉnh, thành phố Nam bộ cần thành lập một “tổ công tác” có chức năng kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản tại địa phương, phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT.
Dự kiến bắt đầu thí điểm từ tháng 9-2021, các tổ này không chỉ hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách và phòng chống dịch Covid-16 mà còn tiếp tục duy trì hoạt động trong thời gian tới. Qua đó, các tổ công tác sẽ cùng dự tính, dự báo tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản, kết nối các nhóm thu mua theo ngành hàng tại địa phương và hỗ trợ việc tiếp cận nguồn cung nông sản.
Ngày 20-8, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng đã ký Quyết định số 3602 về kiện toàn Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch Covid-19 (còn gọi là Tổ công tác đặc biệt do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm tổ trưởng, được thành lập căn cứ theo Công văn số 970 của Thủ tướng Chính phủ) để tăng cường hiệu quả hoạt động trong tình hình dịch Covid-19. Theo đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam tiếp tục làm tổ trưởng tổ công tác.
|
Theo VĂN PHÚC (SGGPO)