"Người tố cáo tham nhũng không đặt việc được khen thưởng lên hàng đầu"

Cập nhật ngày: 02/05/2015 06:59:38

Từ 1/5, cá nhân giúp Nhà nước thu hồi tài sản tham nhũng giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở (tương đương trên 690 triệu đồng) sẽ được xét thưởng vượt mức quy định với mức cao nhất lên tới gần 3,45 tỷ đồng...


Ông Ngô Mạnh Hùng (Ảnh: Chung Hoàng).

Từ 1/5, Thông tư liên tịch số 01/2015 quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ chính thức có hiệu lực. Ông Ngô Mạnh Hùng - Phó cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) dành cho PV Dân trí một cuộc phỏng vấn xung quanh những điểm mới của thông tư này.

Thông tư 01/2015 về khen thưởng người có thành tích xuất sắc trong tố cáo hành vi tham nhũng có những khác biệt gì so với quy định trước đây, thưa ông ?. 

Thông tư liên tịch số 01/2015 quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng đã sửa đổi, thay thế cho Thông tư liên tịch số 03/2011/TTLT-BNV-TTCP. Việc sửa đổi này là nhằm thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng mà trực tiếp là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Mục đích của việc sửa đổi, trước hết là nhằm khắc phục những hạn chế của chính sách khen thưởng đối với người có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng thời gian qua; cụ thể hoá một số quy định mới của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và thi đua khen thưởng. Qua đó tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống tham nhũng, thiết thực phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng.

Trong thông tư mới có khá nhiều quy định được điều chỉnh, nhưng điểm khác biệt quan trọng nhất chính là mức thưởng và cách tính thưởng. Trong quy định trước đây, mức thưởng cao nhất cho người có thành tích xuất sắc nhất tối đa là 34,5 lần lương cơ sở (tương đương với khoảng gần 40 triệu đồng nếu tính theo mức lương cơ sở hiện nay), đồng thời người có thành tích xuất sắc hay đặc biệt xuất sắc mà được khen cùng một hình thức thì mức thưởng cũng bằng nhau. Ví dụ người có thành tích tố cáo vụ nhận hối lộ 500 triệu đồng và người tố cáo vụ nhận hối lộ 10 tỷ đồng đều đủ điều kiện để tặng Huân chương Dũng cảm thì mức thưởng là bằng nhau, cho dù số tiền mà Nhà nước tịch thu được chênh lệch nhau đến hai chục lần.

Nay theo quy định mới, mức thưởng tối đa đã được nâng lên đến 3.000 lần mức lương cơ sở (tương đương với 3,45 tỷ đồng nếu tính theo mức lương cơ sở hiện nay) và cách tính thưởng cũng thay đổi. Nếu cùng một hình thức khen thưởng là Huân chương Dũng cảm thì mức thưởng thấp nhất là 64,5 lần mức lương cơ sở (khoảng hơn 70 triệu đồng) nhưng nếu thành tích của người đó giúp Nhà nước thu hồi được số tiền, giá trị tài sản lớn trên 600 lần mức lương cơ sở thì số tiền thưởng sẽ cao hơn nhưng tối đa không vượt quá 10% số tiền, giá trị tài sản đã thu hồi được. Ví dụ 1 người tố cáo hành vi tham nhũng giúp Nhà nước thu hồi được 10 tỷ đồng thì người đó sẽ được thưởng 1 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ có kỳ vọng những quy định mới về khen thưởng này sẽ khuyến khích, động viên người dân hăng hái hơn trong tố cáo tham nhũng ?

Đây chính là một trong những mục đích quan trọng của việc sửa đổi quy định về khen thưởng lần này mặc dù chúng tôi biết rằng, nếu chỉ khen thưởng xứng đáng là chưa đủ để khuyến khích, động viên người dân hăng hái hơn trong tố cáo tham nhũng.

Kết quả một số cuộc khảo sát xã hội học thời gian gần đây cho thấy, có một tỷ lệ khá cao cán bộ, công chức, viên chức và người dân đã trả lời không sẵn sàng tố cáo cho dù biết chắc chắn về một hành vi tham nhũng. Nguyên nhân họ thường đưa ra để lý giải là người tố cáo không được bảo vệ, không được khen thưởng xứng đáng, hoặc tố cáo cũng chẳng giải quyết được gì mà chỉ thiệt thân người tố cáo… Do đó việc khen thưởng xứng đáng người tố cáo hành vi tham nhũng theo quy định mới và tiến hành đồng bộ với cơ chế phát hiện, xử lý tham nhũng và cơ chế bảo vệ người tố cáo hiệu quả thì chắc chắn sẽ phát huy được sự tham gia tích cực của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng.

Quỹ khen thưởng sẽ được hình thành, quản lý ra sao ? Việc xét khen thưởng liệu có rườm rà, phức tạp không ?

Quỹ khen thưởng sẽ được lập bằng nhiều nguồn: từ ngân sách Nhà nước, từ nguồn thu hồi được trong các vụ việc tham nhũng và cả nguồn đóng góp hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Quỹ sẽ do Thanh tra Chính phủ trực tiếp quản lý và chi thưởng cho những cá nhân đủ điều kiện.

Việc xét khen thưởng hoàn toàn không có gì rườm rà mà thực hiện theo các quy định hiện hành về thi đua khen thưởng. Hồ sơ, thủ tục khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng được áp dụng theo hình thức đơn giản để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người được khen thưởng và các cơ quan, tổ chức liên quan. Khi phát hiện cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo hành vi tham nhũng thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm chủ động khen thưởng theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét khen thưởng. Người có thành tích cũng có quyền chủ động đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, khen thưởng đối với mình và nếu cơ quan đó xét thấy chưa đủ tiêu chuẩn để khen thưởng thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do không khen thưởng.

Tuy nhiên, việc khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng cũng có một số quy định mang tính đặc thù. Nguyên tắc chung của khen thưởng là công khai nhưng trong những trường hợp cần phải bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo hoặc theo yêu cầu của người tố cáo thì việc trao tặng khen thưởng sẽ không được công khai.

Một số trường hợp sẽ không được khen thưởng nếu như người có thành tích đồng thời lại có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xem xét trách nhiệm hình sự hoặc khi thành tích của người đó đã được xác định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm khi xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ đã có kế hoạch triển khai phổ biến các quy định này như thế nào ?

Quy định mới về khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng đã và đang tiếp tục được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi như các văn bản quy phạm pháp luật khác do Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ ban hành, bảo đảm thông tin đầy đủ đến các cơ quan, tổ chức liên quan và các đối tượng chịu sự tác động.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ đang xây dựng kế hoạch để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng trong năm 2015-2016. Do đó, việc triển khai thực hiện quy định mới về khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng cũng sẽ được đề xuất để hướng dẫn đến cơ sở, gắn với việc khen thưởng tổng kết lần này, bảo đảm chính sách mới sẽ sớm được triển khai sâu rộng và phát huy tác dụng, hiệu quả.

Qua thực tiễn triển khai công tác khen thưởng người có thành tích xuất sắc trong tố cáo tham nhũng, Thanh tra Chính phủ có thấy rằng người dân mong muốn sự việc họ phản ánh được giải quyết rốt ráo, đến nơi đến chốn hơn là để được khen thưởng ?. Ngoài ra việc bảo vệ người tố cáo, giữ kín danh tính của họ sẽ được phối hợp thực hiện ra sao ?

Đúng là cho đến nay chúng tôi chưa thấy có vụ việc tố cáo nào mà người tố cáo đặt mục tiêu được khen thưởng lên hàng đầu. Hầu hết những người tố cáo mong sự việc của mình được giải quyết khẩn trương, đúng pháp luật, xử lý vi phạm nghiêm minh và nhiều trường hợp người tố cáo mong muốn được bảo vệ trước sự đe doạ, trù dập, trả thù của những kẻ vi phạm pháp luật. Hiện nay pháp luật cũng đã quy định nhiều biện pháp bảo vệ người tố cáo như bảo mật thông tin, bảo vệ tính mạng, tài sản, việc làm, danh dự của người tố cáo, người thân thích của người tố cáo…nhưng tình hình thực hiện còn chưa có kết quả cụ thể. Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã  hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương đánh giá 2 năm thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo, báo cáo về Thanh tra Chính phủ trước 1/5/2015. Hy vọng là qua việc sơ kết, đánh giá lần này sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả thực hiện việc bảo vệ người tố cáo đồng bộ với cơ chế khen thưởng.

Xin cảm ơn ông !

       Mức thưởng cao nhất lên tới 3,45 tỷ đồng

Thông tư liên tịch số 01/2015 quy định 3 hình thức khen thưởng: Huân chương Dũng cảm; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, người đứng đầu cơ quan Trung ương của các đoàn thể, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương).

Tiêu chuẩn khen thưởng đối với người có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều 21 Nghị định số 76/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tố cáo.

Ngoài mức thưởng được áp dụng theo quy định tại Điều 72, Điều 75 Nghị định 42 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua - khen thưởng, cá nhân được khen thưởng còn được thưởng từ Quỹ Khen thưởng về phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ quản lý với mức thưởng cụ thể như sau: Huân chương Dũng cảm: 60 lần mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức (gọi tắt là mức lương cơ sở); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 40 lần mức lương cơ sở; Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương: 20 lần mức lương cơ sở;

Riêng trường hợp giúp thu hồi được cho Nhà nước số tiền, tài sản có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở (tương đương trên 690 triệu đồng vì lương cơ sở hiện nay là 1.150.000 đồng/tháng - PV) thì được xét thưởng vượt mức quy định trên nhưng không vượt quá 10% số tiền, giá trị tài sản đã thu hồi được và không vượt quá 3.000 lần mức lương cơ sở (tương đương 3,45 tỷ đồng).

Theo Thế Kha/Dân trí

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn