'Phạt báo chí rất đau lòng nhưng cần thiết'
Cập nhật ngày: 19/01/2017 06:40:43
Xử lý báo chí trong thời gian vừa qua không ai muốn, rất đau lòng nhưng cần thiết để từng bước làm trong sạch môi trường báo chí truyền thông.
Tại hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 chiều qua (18/1), Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng ghi nhận những đóng góp của báo chí trong năm qua đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Điển hình là báo chí đã tập trung tuyên truyền ĐH 12 đồng bộ, nêu bật thành tựu toàn diện của đất nước 30 năm đổi mới, bảo vệ chủ quyền biển đảo, đấu tranh phòng chống tiêu cực lãng phí…
Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng
Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ cũng ghi nhận sự cố gắng của cơ quan chủ quản, ý thức chấp hành của các cơ quan báo chí đã góp phần nâng cao hiệu quả thông tin.
Đồng thời cơ quan quản lý đã nỗ lực lớn trong việc chuẩn bị cho luật Báo chí mới đi vào hoạt động, hoàn thiện các văn bản pháp luật tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp.
“Năm 2016 cũng là năm cơ quan quản lý nhà nước có tiến bộ bước đầu trong công tác quản lý xử lý nghiêm đối với các sai phạm của báo chí. Xử lý báo chí trong thời gian vừa qua không ai muốn, rất đau lòng nhưng cần thiết để từng bước làm trong sạch môi trường báo chí truyền thông”, ông nhấn mạnh.
Dẫn lại việc xử lý vi phạm trong thông tin vụ nước mắm nhiễm thạch tín, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ đặt vấn đề, báo chí xử xong rồi thì Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng xử sao, Chính phủ giao Bộ Công an điều tra kết quả như thế nào, ai đứng sau?
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Tuyên giáo cũng nhắc nhở một số cơ quan báo chí chưa tích cực tuyên truyền phát triển KTXH, chưa phát hiện biểu dương, cổ vũ nhân tố mới, thiếu sắc bén trong đấu tranh, chưa mạnh dạn bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng…
Lưu ý một số nhiệm vụ trong năm 2017, ông nhắc các cơ quan quản lý báo chí cố gắng làm sớm quy hoạch báo chí. Đồng thời rà soát xử lý thỏa đáng trang tin điện tử, báo điện tử vi phạm đúng quy định không để lâu khó xử; làm rõ vấn đề bán sóng, bán kênh bản chất là gì, đồng thời lưu ý đến vấn đề kinh tế truyền thông, kinh tế báo chí.
Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ cũng đề nghị quan tâm hơn công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất của người làm báo. Song song đó là triển khai quy chế đạo đức nhà báo.
Ông cũng yêu cầu các cơ quan lưu ý câu chuyện trách nhiệm của người phát ngôn và phát ngôn có trách nhiệm. Bởi, thực tế hiện nay có nhiều phát ngôn không có trách nhiệm làm dư luận xôn xao như phát ngôn “đánh thuế xăng dầu hợp lòng dân” mới đây.
Mong báo chí luôn giữ được lòng tin của dân
Ghi nhận sự đồng hành của báo chí với Chính phủ trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Báo chí là một phần không thể thiếu với Chính phủ”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Ngoài những thông tin vận động nhân dân thực hiện chủ trương, các chương trình của Chính phủ, báo chí còn giúp phản biện, đóng góp xây dựng chính sách, nếu không có được điều này thì Chính phủ, bộ máy Chính phủ sẽ không hoàn thành được nhiệm vụ.
Phó Thủ tướng chia sẻ những thách thức mà báo chí đang phải đối mặt, nhất là khi phần lớn các báo không có nguồn bao cấp. Nguyên tắc là không đơn thuần chạy theo mục đích thương mại, nhưng báo chí vẫn phải lo toan về kinh tế, chăm lo đời sống cho cán bộ, phóng viên. Hơn nữa, mạng xã hội, rồi cả báo, đài chính thống nước ngoài đang trở thành thách thức rất lớn, buộc báo chí phải cạnh tranh gay gắt về thông tin.
Phó Thủ tướng cũng cho hay Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành phải thích ứng dần với sự thay đổi, đặc biệt trong xử lý sự cố khủng hoảng truyền thông trước sức lan tỏa của mạng xã hội. Một mặt phải cung cấp thông tin, mặt khác, cán bộ trong các cơ quan phải được trang bị xử lý sự cố về thông tin một cách chủ động.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã cùng Ban Tuyên giáo TƯ bàn, thống nhất chỉ đạo tiếp tục tăng cường quản lý, nhưng ở đây không phải chỉ đơn thuần là xử lý vi phạm, mà quan trọng là tạo cho báo chí môi trường phát triển thuận lợi, lành mạnh hơn, đồng thời tăng cường bản quyền, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của từng nhà báo.
Đồng thời quản lý nhà nước cũng phải mang tính ràng buộc trách nhiệm, cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí.
“Chúng tôi cũng bày tỏ mong muốn, trước sự phát triển của các hình thức thông tin khác nhau, làm sao để danh dự, đạo đức người làm báo phải được đề cao và được tôn vinh… Tôi mong rằng, báo chí chính thống sẽ luôn giữ được lòng tin của cộng đồng, của xã hội và của nhân dân. Điều này vô cùng quan trọng, một khi báo chí chính thống lên tiếng, có lòng tin thì luồng thông tin sai lệch sẽ giảm và dần mất đi”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đạo đức người làm báo đáng báo động
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết trong năm qua, Bộ TT&TT đã thanh kiểm tra 14 cơ quan báo chí và 11 tổ chức liên quan đến hoạt động truyền hình trả tiền, xử phạt 139 trường hợp với số tiền hơn 3,6 tỷ đồng.
Bộ TT&TT cũng ra quyết định đình bản tạm thời 3 tháng đối với 4 cơ quan báo chí có sai phạm, thu hồi giấy phép 1 cơ quan, thu thẻ 13 nhà báo bị kỷ luật.
Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN Hồ Quang Lợi cho rằng những con số về cơ quan báo chí, nhà báo vi phạm bị xử phạt, bị xử lý kỷ luật và truất quyền hành nghề trong báo cáo tổng kết hoạt động báo chí mà hội nghị vừa được nghe đã cho thấy rõ thêm rằng vấn đề đạo đức người làm báo đã đến mức báo động.
“Những hiện tượng báo chí tiêu cực đang góp phần làm lung lay giá trị tinh thần, giá trị đạo đức, sụt lở niềm tin xã hội. Bản thân báo chí đã và đang chịu những thách thức lớn trước sự lấn lướt của mạng xã hội, lại còn bị mất niềm tin bởi những trang báo thiếu trung thực. Đó là điều rất nguy hại”, ông lưu ý.
Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN cho rằng, giữ gìn phẩm giá, lòng tự trọng nghề nghiệp là một thử thách mà những người làm báo cần kiên tâm như một nguyên tắc tối thượng. Trong “cơn bão” của thời đại số hóa, báo chí trí tuệ, báo chí chân chính vẫn luôn có cơ hội và sức hấp dẫn.
Hiệu ứng truyền thông về trang trí rồng Hải Phòng quá lớn
Tại hội nghị, Giám đốc Sở TT&TT Hải Phòng Hoàng Duy Đỉnh đã dành trọn tham luận để nói về việc báo chí đưa tin cách trang trí rồng ở TP Hải Phòng.
“Hình ảnh 2 con rồng đã tồn tại 10 năm nay, vẫn hình hài ấy mà không một báo nào chê hay khen xấu hay đẹp. Năm nay, để tạo điểm nhấn trong trang trí đô thị trước Tết Nguyên đán, 2 con rồng được cài một lớp hoa màu vàng. Chẳng ai ngờ sự bắt mắt của màu sắc đó mà trong 3 ngày thi công cũng đồng thời nhận được 75 tin bài từ hầu hết các báo chính thống trên địa bàn”, ông Đỉnh kể.
Ông Đỉnh cho rằng, hầu hết các tin bài này với nhiều giọng điệu khác nhau, nhưng chung quy là theo lối bài xích, chê bai, gièm pha đủ chuyện... Rất ít thông tin chia sẻ, phản biện hoặc tham gia ý kiến nên chỉnh sửa lại thế nào cho đẹp.
“Hiệu ứng thông tin lớn đến mức lãnh đạo TP phải chỉ đạo tháo dỡ phần trang trí. Rồng lại về nguyên hình hài vốn có và ngậm ngùi trước vẻ đắc thắng của báo chí, và ngược lại là thái độ cầu thị, biết lắng nghe của lãnh đạo thành phố”, ông Đỉnh nói.
Theo ông, một vấn đề rất nhỏ nhưng hiệu ứng truyền thông lại quá lớn.
Ông Đỉnh cho rằng qua sự việc này, vô tình báo chí làm mất đi tính nghiêm túc, tự làm tổn thương đến hình ảnh trước mặt dư luận và bạn đọc, gây khó khăn cho công tác quản lý và ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình ở một số địa phương.
Vì vậy ông đề xuất tiếp tục đổi mới công tác quản lý, đổi mới công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, tạo cơ hội cho báo chí tiếp cận với nguồn tin rộng hơn, đa dạng, nhiều chiều.
|
Thu Hằng/Vietnamnet