Sửa nhiều điều không còn phù hợp của Luật báo chí
Cập nhật ngày: 29/10/2016 09:10:31
“Điểm quan trọng nhất của Luật báo chí 2016 là khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân, quyền tiếp nhận thông tin, quyền được thông tin của xã hội” - Thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết.
Ngày 28-10, tại TP Cần Thơ, Bộ Thông tin - truyền thông tổ chức hội nghị phổ biến Luật báo chí năm 2016 cho khoảng 250 đại biểu đại diện cho các sở thông tin - truyền thông, cơ quan báo, đài các tỉnh, thành phía Nam.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết bộ được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan sửa đổi Luật báo chí năm 2010 nhằm khắc phục những nội dung bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn.
Luật báo chí năm 2016 gồm 6 chương với 61 điều (tăng 25 điều), trong đó có 32 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật báo chí hiện hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2017.
Theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, Luật báo chí mới sẽ là hành lang pháp lý quan trọng, với nhiều quy định mới tiến bộ, phù hợp với thực tiễn đời sống của báo chí, xây dựng một nền tảng pháp lý vững chắc và cụ thể cho việc phát triển báo chí trong giai đoạn tới, thể hiện trong các quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, đối tượng thành lập cơ quan báo chí, liên kết trong hoạt động báo chí, quyền tác nghiệp của báo chí cũng như quyền hạn, nghĩa vụ của nhà báo, cải chính và xử lý vi phạm…
“Điểm quan trọng nhất của Luật báo chí 2016 là khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân, quyền tiếp nhận thông tin, quyền được thông tin của xã hội.
Luật cũng quy định trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, việc cải chính trên báo chí khi đưa tin sai và quy định bắt buộc về đạo đức người làm báo”, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh.
CHÍ QUỐC/TTO