3 hình thức bồi dưỡng viên chức

Cập nhật ngày: 25/12/2014 04:57:28

Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư quy định hướng dẫn công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức. Theo đó, có 3 hình thức bồi dưỡng viên chức gồm: Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; bồi dưỡng năng lực, kỹ năng lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng bắt buộc cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành hàng năm.

Nội dung bồi dưỡng tập trung vào lý luận chính trị; chuyên môn, nghiệp vụ; kiến thức quản lý hành chính nhà nước, pháp luật, năng lực, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, các nguyên tắc về hoạt động nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp; kiến thức bổ trợ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; kiến thức hội nhập quốc tế.

Về quản lý chương trình bồi dưỡng, Thông tư nêu rõ, Bộ Nội vụ quản lý chương trình bồi dưỡng năng lực, kỹ năng lãnh đạo, quản lý.


Ảnh minh họa

Các Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành quản lý chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; chương trình bồi dưỡng bắt buộc cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành hàng năm.

Các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp phải có ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ trước khi ban hành. Nếu không có ý kiến thẩm định mà vẫn ban hành thì các chứng chỉ cấp theo chương trình bồi dưỡng này không có giá trị sử dụng.

Theo Thông tư, phương pháp bồi dưỡng được sử dụng là phương pháp tích cực, phát huy tính tự giác, chủ động và tư duy sáng tạo của người học, tăng cường trao đổi thông tin, kiến thức và kinh nghiệm giữa giảng viên với học viên và giữa các học viên.

Các hình thức bồi dưỡng khá đa dạng, gồm: tập trung, bán tập trung, vừa làm vừa học và từ xa.

Điều kiện viên chức được cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài

Thông tư cũng quy định cụ thể điều kiện viên chức được cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài. Cụ thể, viên chức phải còn đủ tuổi công tác ít nhất 1 năm tính từ khi khóa bồi dưỡng bắt đầu; Không trong thời gian xem xét, thi hành kỷ luật từ khiển trách trở lên; hoặc không thuộc trường hợp chưa được xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật hiện hành về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Viên chức được cử đi bồi dưỡng phải được cơ quan xác nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…

Để được cử đi đào tạo sau đại học, viên chức phải bảo đảm thời gian công tác sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo tối thiểu gấp 2 lần thời gian đào tạo; có cam kết thực hiện nhiệm vụ, hoạt động nghề nghiệp tại đơn vị sự nghiệp công lập sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo, có năng lực và trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu sử dụng lâu dài, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị…

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 2/2/2015.

Thùy Trang (Chinhphu.vn)

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn