Ấn tượng “Tây Ninh - Khúc hát tự hào”
Cập nhật ngày: 01/04/2024 07:15:42
Tối 30/3, tại quảng trường Khu Du lịch quốc gia núi Bà Đen, Báo Nhân Dân và Tỉnh ủy Tây Ninh phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật chính luận với chủ đề “Tây Ninh - Khúc hát tự hào”.
Thay mặt Ban tổ chức, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc và Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Quế Đình Nguyên tặng hoa tặng đại diện các nhà tài trợ chương trình
Tham dự chương trình có Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh.
Về phía tỉnh Tây Ninh có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc, các nguyên lãnh đạo qua các thời kỳ và đông đảo bà con nhân dân, du khách...
Đây là chương trình nghệ thuật ý nghĩa, hướng tới kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chương trình có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cùng màn bắn pháo hoa tầm cao tại núi Bà Đen để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với người dân, du khách.
Tây Ninh - miền đất lịch sử
Phát biểu khai mạc, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh nhấn mạnh: “Chương trình nghệ thuật chính luận “Tây Ninh - Khúc hát tự hào” muốn kể lại lịch sử rất đỗi hào hùng, những khó khăn, thách thức cũng như sức bật vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và quân dân Tây Ninh trong giai đoạn mới”.
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh phát biểu tại Lễ khai mạc chương trình nghệ thuật chính luận “Tây Ninh - Khúc hát tự hào”
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh ôn lại truyền thống vẻ vang, tinh thần bất khuất của tỉnh Tây Ninh: từ Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng bộ Tây Ninh chỉ với 25 đảng viên đã đoàn kết, chấp hành nghiêm chỉ thị của Xứ ủy Nam kỳ, tập hợp được đông đảo các tầng lớp quần chúng đứng lên giành chính quyền. Ngày 1/2/1946, trước sự chứng kiến của nhân dân An Tịnh (huyện Trảng Bàng), tại di tích Rừng Rong, Đội tự vệ chiến đấu huyện Trảng Bàng được thành lập.
Dưới cờ đỏ sao vàng, các chiến sĩ cách mạng trang nghiêm đọc lời thề: “Độc lập hay là chết. Chết tự do hơn sống nô lệ. Dù đầu râu tóc bạc vẫn còn chiến đấu. Dù phải hy sinh đời cha thì con cháu tiếp tục chiến đấu”. Kế tục sự nghiệp vẻ vang của thanh niên cách mạng Rừng Rong ngày ấy, trong phong trào Đồng Khởi năm 1960, Tiểu đoàn 14 được thành lập và trở thành đơn vị chủ lực của tỉnh Tây Ninh.
Chương trình có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm
Từ “phát súng lệnh” là chiến thắng Tua Hai đêm 26/1/1960, Xứ ủy Nam bộ đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang làm nên cuộc Đồng khởi ở Bến Tre, một số tỉnh Nam bộ và một số tỉnh miền Trung. Theo chủ trương của Bộ Chính trị, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Nam bộ, cuối năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời. Cả miền Nam vùng lên dưới ngọn cờ Mặt trận (nửa trên màu đỏ, nửa dưới màu xanh, ngôi sao vàng ở giữa).
Mỹ và chính quyền tay sai Sài Gòn biết rõ Trung ương Cục miền Nam- đóng căn cứ trên vùng Bắc Tây Ninh- chính là cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam, nên đã nhiều lần tổ chức hành quân càn quét để “tìm và diệt”, mà lớn nhất là cuộc hành quân Junction City.
Đây là trận quyết đấu được Mỹ huy động đến hơn 3 sư đoàn với trên 45.000 quân. Bằng ý chí quyết tử, quân dân Tây Ninh và các lực lượng chủ lực đã chiến đấu ngoan cường, bảo toàn Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, giữ vững vai trò lãnh đạo cách mạng miền Nam.
Ca khúc “Vàm cỏ Đông” (Sáng tác: Nhạc sĩ Trương Quang Lục) do ca sĩ Đức Tuấn thể hiện
Với màn biểu diễn “Tự nguyện” (Sáng tác: Trương Quốc Khánh), ca sĩ Hồ Quỳnh Hương và Vũ đoàn Phương Việt đã gây xúc động trong lòng khán giả
“Chúng ta không khỏi đau xót khi đất nước vừa thống nhất, bè lũ phản động Pol Pot đã đưa một lực lượng lớn bộ binh chủ lực, lính đặc nhiệm tiến hành tàn sát, đốt phá, cướp bóc dã man, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và của cho đồng bào ta”- ông Lê Quốc Minh nói.
Riêng tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, chúng đã sát hại 506 người, làm 135 người bị thương, trong đó có 20 gia đình bị chúng giết hại cả nhà. Đau thương nhất là 11 thầy cô giáo Trường tiểu học Tân Thành bị tàn sát và ném xác xuống giếng. Sau đó, các lực lượng vũ trang Tây Ninh phối hợp với quân chủ lực của Quân khu 7, Quân đoàn 4 tấn công truy kích địch trên toàn tuyến biên giới, mở đầu cho chiến dịch tổng tiến công giải phóng Campuchia; và thật tự hào khi Tây Ninh thực hiện nghĩa vụ quốc tế, chi viện sức người, sức của giúp tỉnh Kampong Cham trong suốt 10 năm (1979-1989).
Vượt qua khó khăn, cùng nhau vươn lên
Sau ngày 30/4/1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân dân Tây Ninh cùng lúc vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa phải chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Thời kỳ 1975 - 1985, quân dân Tây Ninh tập trung vào nhiệm vụ chính là cải tạo, xây dựng và phát triển nền kinh tế theo Nghị quyết Đại hội IV và V của Đảng đề ra, chủ yếu lấy sản xuất lương thực làm nhiệm vụ trung tâm hàng đầu. Tây Ninh- từ chỗ phải nhận sự chi viện của Trung ương đã phấn đấu vươn lên, không những tự lực được lương thực, mà còn làm nghĩa vụ với Trung ương và tạo ra những vùng chuyên canh lớn của cả nước như: mía, đậu phộng, cao su, lúa.
Giai đoạn 2010 - 2015, GRDP của Tây Ninh tăng bình quân hằng năm 10,5%. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. Quan hệ hợp tác đối ngoại được duy trì thường xuyên và có hiệu quả; xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới.
Sang giai đoạn 2016 - 2020, GRDP của tỉnh đạt 7,2% - cao hơn mức của cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.135 USD, cao gấp 1,5 lần so năm 2015. Từ một tỉnh thuần nông, Tây Ninh đã tăng trưởng công nghiệp khá, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về điện mặt trời. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 350 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 7,8 tỷ USD. Diện mạo từ thành thị đến nông thôn khang trang, sạch đẹp, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.
Màn bắn pháo hoa tầm cao tại núi Bà Đen đã để lại nhiều ấn tượng, khiến người dân, du khách cảm thấy mãn nhãn
Sau nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Tây Ninh đã đạt nhiều thành quả quan trọng về kinh tế - xã hội, đúng như Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đề ra. Đặc biệt, hệ thống thương mại phát triển nhanh và rộng khắp. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu các ngành dịch vụ tăng bình quân 9,8%/năm, trong đó, ngành bán lẻ chiếm tỷ trọng bình quân trên 80%. Công tác phân giới, cắm mốc đạt kết quả quan trọng, góp phần hoàn thành chung 84% khối lượng công tác phân giới, cắm mốc toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia.
Là mảnh đất “đi trước, về sau” trong niềm vui toàn thắng của toàn dân tộc, Tây Ninh ngày nay là vùng địa linh, giàu tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Để có được thành quả như ngày hôm nay, chính quyền, quân và dân Tây Ninh có những thời điểm khó khăn đến mức tưởng chừng không thể vượt qua. Nhưng với truyền thống bất khuất, đoàn kết, trung dũng, kiên cường trong đấu tranh cách mạng, sự cần cù, chăm chỉ, năng động, sáng tạo và bề dày văn hoá sẵn có, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh đã chung sức chung lòng, cùng nhau viết nên trang sử mới.
Chương trình nghệ thuật chính luận “Tây Ninh - Khúc hát tự hào” được chia thành hai chương. Ở chương I: “Tây Ninh- Chiến khu lịch sử”, các đại biểu và đông đảo bà con nhân dân, du khách được thưởng thức nhiều ca khúc như: “Xuân Chiến khu” (sáng tác: Xuân Hồng) do hợp ca nam nữ và vũ đoàn Ngọc Trai Việt trình bày; “Vàm Cỏ Đông” (sáng tác: Trương Quang Lục) do ca sĩ Đức Tuấn thể hiện; “Bông huệ đỏ” (sáng tác: cố NSƯT Thanh Hiền) do NSƯT Thiên Hoa và vũ đoàn Ngọc Trai Việt thể hiện; đặc biệt, ca khúc “Tự nguyện” (sáng tác: Trương Quốc Khánh) do ca sĩ Hồ Quỳnh Hương và vũ đoàn Phương Việt biểu diễn đã gây xúc động trong lòng khán giả.
Ở chương II - Rạng rỡ Tây Ninh được thể hiện bởi hơn 100 nghệ nhân, nghệ sĩ qua màn trình diễn dân vũ, múa đặc trưng các dân tộc Tây Ninh, múa trống Chhay dăm... Nhóm nhạc dân tộc trình diễn solo gồm đàn cò (đặc trưng Tây Ninh) và đàn kìm (đặc trưng Nam bộ).
|
Theo Báo Tây Ninh