Bằng khen- môn thể thao “chạy” và lòng tự trọng
Cập nhật ngày: 27/02/2017 06:27:30
Trước thế giới phẳng hôm nay, mọi xấu tốt, hay dở, nhân thân con người rất dễ được công khai, minh bạch.
Có một sự kiện mới diễn ra gần đây, có vẻ ít gây được sự chú ý, nhưng thực ra, vấn đề của nó rất đáng quan tâm. Đó là chuyện thi đua- khen thưởng.
Phải nói rằng, công cuộc Đổi mới của đất nước diễn ra qua 30 năm, diện mạo xã hội và chất lượng (vật chất) đời sống con người thay đổi rõ rệt. Nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đã phải đổi mới để tương thích với yêu cầu thời cuộc và cơ chế quản lý mới. Thế nhưng, có một lĩnh vực ít đổi mới nhất, nếu không nói là rất xưa cũ- đó là thi đua khen thưởng. Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác này năm 2016 mới đây:
“Việc lãnh đạo được khen thưởng nhiều quá không nên, làm nảy sinh suy nghĩ có huân huy chương thì việc thăng tiến, bổ nhiệm dễ hơn. Còn người tốt thường có lòng tự trọng nên sẽ không đi xin bằng khen, chúng ta phải tìm đến họ để khen thưởng kịp thời” (Dân trí, ngày 23/2).
Không ít người Việt rất trọng cái danh
là một thực tế đáng suy nghĩ. Chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ phản chiếu một thực trạng có thật trong lĩnh vực này. Bản chất của nó nằm ở đâu?
Nước Việt, cho dù trên hành trình hội nhập, vẫn là một xã hội mang nặng tư duy tiểu nông, gia trưởng, tâm lý rất nặng bệnh thành tích. Không ít người Việt rất trọng cái danh. Đến mức người đàn bà trong Trăng sáng vườn chè của Nguyễn Bính đã phải giãi bày về cái danh của chồng nàng: Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy/ Hai bên có lính hầu đi dẹp đường/ Tôi ra đứng tận góc làng/ Chồng tôi xuống ngựa cả làng ra xem/ Đêm nay mới thật là đêm. Một tâm lý trọng chức danh đến thế, cộng với đời sống sinh hoạt chưa thật cởi mở, dân chủ, thế nên khen thưởng từ cơ sở, đã “nghiêng hết ấy mấy về bên… quan”.
Có không ít năm, trong danh sách những người được khen thưởng ở các loại hình vinh danh, tôn vinh danh hiệu, số cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo… lấn át số cán bộ chuyên môn. Sự mất cân bằng và có phần thiên vị cấp quản lý kiểu này từ vi mô đến cấp vĩ mô, vô tình làm nhiệm vụ nối dây cho chiếc ghế quyền lực, cho việc thăng tiến, bổ nhiệm, thăng cấp của một số quan chức.
Nhưng đời sống xã hội thời kinh tế thị trường cũng luôn có sự biến động khôn lường, thậm chí đảo lộn và thách thức các giá trị, hôm qua đúng nay đã lại sai rồi. Vụ việc Trịnh Xuân Thanh xảy ra mới đây, khiến cho Ban Thi đua, khen thưởng phải hối thúc Bộ Công Thương làm thủ tục thu hồi những bằng khen, huân chương đã trình xin tặng thưởng cho Trịnh Xuân Thanh, như một cách “sửa sai” khen nhầm người, là một ví dụ cụ thể.
Cũng không phải chỉ đối với những quan chức trên hành trình quan lộ, mà có những trường hợp, quan chức rất tai tiếng đã hạ cánh an toàn, vẫn tiếp tục được khen thưởng huân, huy chương, khiến xã hội hoài nghi chính giá trị của sự khen thưởng này. Trên các trạng mạng xã hội, rộ lên sự bất bình, đàm tiếu. Mà thật ra, khen nhau như thế bằng mười hại nhau. Bởi trước thế giới phẳng hôm nay, mọi xấu tốt, hay dở, nhân thân con người rất dễ được công khai, minh bạch.
Mặt khác, cũng phải nói thẳng, mặc dù trong nền kinh tế thị trường, nhưng cơ chế thi đua- khen thưởng vẫn nặng tính ban phát, xin- cho. Chính cơ chế này tạo ra những kẽ hở để những tiêu cực, bất công vẫn có thể len lỏi vào. Mà môn thể thao “chạy” bất đắc dĩ (bằng khen, giấy khen, huân chương, huy chương) đã từng dạo nào gây bàn luận trên báo chí, các trang mạng xã hội. Cách đây 30 năm, người viết bài đã từng phải bàn về tâm sự một ông hiệu trưởng một nhà trường than thở vì không giỏi “chạy”, vì vậy mà trường ông thua thiệt, không … cán đích. Đó là chuyện thực hay hư? Có lẽ chỉ những người trong cuộc hiểu rõ nhất. 30 năm, có vẻ anh vẫn như ngày xưa.
Nếu lắng nghe, quan sát dường như ở cuộc khen thưởng nào cũng gây ra những “điều tiếng”, những thắc mắc, hoài nghi. Nhất là ở những lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thậm chí gây thắc mắc, đơn từ khiếu nại. Gần đây nhất là chuyện việc thiếu tên nhà thơ Xuân Quỳnh, Thu Bồn… trong đợt xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, mà TT Nguyễn Xuân Phúc phải đặt câu hỏi- do thủ tục, hay do chủ quan?
Thế nên, việc chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ “… người tốt thường có lòng tự trọng nên sẽ không đi xin bằng khen, chúng ta phải tìm đến họ để khen thưởng kịp thời” và “thi đua khen thưởng cần có tính thời sự, phát hiện kịp thời nhân tố mới, khen thưởng kịp thời chứ “xuân thu nhị kỳ” sẽ khó thành công”, liệu có được ngành thi đua- khen thưởng coi đó là tư vấn, là gợi ý đổi mới một cung cách làm việc xin- cho hành chính, vốn nặng về thủ tục giấy tờ, thậm chí có phần quan liêu xa rời đời sống, chuyển sang cung cách làm việc bám sát thực tiễn?
Một Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính, gần dân không chỉ phản ánh trong hoạt động của các bộ, ngành, mà còn cần được ngành thi đua- khen thưởng phản ánh bằng năng lực đổi mới của chính mình.
Không thể hay có thể?
Kỳ Duyên/Vietnamnet