Còn tâm lý “vị thân”, biên chế chỉ muốn tăng, không giảm

Cập nhật ngày: 23/02/2017 06:08:35

Có đến 20/22 bộ ngành đồng thời đề nghị tăng biên chế. Chỉ có hai bộ đề xuất giảm là Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ.

Hội thảo “Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước - Khung chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện” vừa được đoàn giám sát của Quốc hội tổ chức sáng 22-2.

"Bộ trưởng nào muốn tinh giản bộ máy thì dễ bị cô lập"

Báo cáo tại phiên họp, ông Thái Quang Toản, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) cho biết, có đến 20/22 bộ ngành đồng thời đề nghị tăng biên chế. Chỉ có hai bộ đề xuất giảm là Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ,  trong đó Bộ Công Thương đề nghị giảm mạnh nhất, từ hơn 30 đầu mối xuống còn 28.

Thẳng thắn nhận định, tâm lý “chỉ muốn tăng biên chế chứ không muốn giảm” vẫn còn rất phổ biến, ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) chia sẻ với cái khó của người đứng đầu các bộ ngành: “Bộ trưởng nào muốn thực hiện tinh giản, tinh gọn bộ máy thì bị coi là đi ngược lại lợi ích của bộ, ngành mình và rất dễ bị cô lập”.


Quang cảnh hội thảo

Vẫn theo chuyên gia Lê Hồng Sơn, trong nhiều thập kỷ qua, việc cho phép thành lập, xác định tên đơn vị, xác định chức năng nhiệm vụ của các vụ “khá dễ dãi”, nhiều khi phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người đứng đầu: “Mỗi nhiệm kỳ, mỗi đời bộ trưởng lại có sự thay đổi về số lượng, tên gọi của các vụ. Sự thay đổi này lại chủ yếu theo hướng tăng, chia nhỏ chức năng. Cá biệt có vị lãnh đạo quan niệm rằng bộ có nhiều đầu mối, nhiều đơn vị cấp dưới mới oai, mới thể hiện vị thế của bộ, ngành mình”. Nhận thức không đúng đắn như vậy dẫn đến tình trạng phình bộ máy, tăng biên chế.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc có cùng quan điểm này. Ông Phúc phân tích thêm, trong khi Quốc hội, Chính phủ thực hiện giảm bớt số lượng các bộ thì tổ chức bên trong các bộ lại phình ra. Trong khi đó, bộ máy Chính phủ còn ôm đồm nhiều việc, phương thức điều hành còn cũ, vẫn điều hành trực tiếp làm cho chính quyền địa phương ỷ lại chờ Trung ương chỉ đạo. Đây chính là biểu hiện rõ nét của tư tưởng bao cấp, xin - cho trong quản lý điều hành của các bộ; tạo ra lực cản trong tiến trình xây dựng thể chế, kiến tạo phát triển...

Một nguyên nhân khác cũng dẫn đến sự cồng kềnh của bộ máy là do chưa thực hiện tách bạch giữa quản lý nhà nước với sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc và các tổ chức sự nghiệp công; do đó các bộ còn dành bộ máy khá lớn để thực hiện quyền sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước thuộc chính ngành, lĩnh vực mà mình quản lý.

Còn tâm lý "vị thân"

Tham luận tại hội thảo của TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng cho biết, kết quả khảo sát hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) từ 2011-2016 cho thấy người dân hài lòng về thủ tục hành chính, nhưng quan ngại về "chủ nghĩa vị thân”.

Theo đó, hàng năm khảo sát PAPI đã trao đổi trực tiếp, lắng nghe những trải nghiệm của gần 14.000 người dân, được chọn ngẫu nhiên, về những nội dung về quản trị và hành chính công. Phát hiện từ PAPI cho thấy người dân đánh giá về các thủ tục hành chính cao hơn về nội dung liên quan đến quản trị.

5 năm qua các giá trị về lĩnh vực cải cách hành chính luôn được người dân đánh giá cao (trên 70% hài lòng), cao hơn hẳn các trục nội dung liên quan đến thể chế , đạo đức công vụ, liên quan đến lĩnh vực quản trị. Đáng lưu ý, có 4 chỉ số là sự tham gia của người dân, tính công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình và kiểm soát tham nhũng luôn luôn chỉ đạt trên 50% một chút và chưa thấy tiến bộ qua các năm.

Trả lời câu hỏi: “ông/bà có thấy việc quen thân (còn gọi là chủ nghĩa vị thân) hoặc lo lót có quan trọng khi vào làm công chức, viên chức không?”, có đến trên 80% người được hỏi trả lời là “rất quan trọng” hoặc “quan trọng”.

Mặt tiêu cực trong tuyển chọn công chức/viên chức, ảnh hưởng của "chủ nghĩa vị thân" cũng thể hiện rất rõ trên phạm vi toàn quốc. Suốt 5 năm liền, sự đánh giá của người dân tính trung bình trên cả nước là rất thấp (có giá trị 1,06 - 1,2 trên giá trị tối đa là 5).

Một hiện tượng khác cũng đáng quan ngại, đó là dường như người dân đã quen và cam chịu nạn tham nhũng vặt, chạy chọt, hối lộ. Họ ngày càng không còn hăng hái tố cáo hành vi tham nhũng khi bị vòi vĩnh, đòi hối lộ. Tỷ lệ người bị vòi vĩnh đã tố giác hành vi đòi hối lộ giảm dần từ 9,15% của 2011 xuống 2,67% năm 2015…

Anh Phương/SGGPO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn