Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Truyền thông phải đa dạng

Cập nhật ngày: 29/04/2014 08:14:06

Trước tình hình chưa lắng dịu của dịch sởi, hôm qua (28/4), đoàn lãnh đạo Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã đến kiểm tra công tác phòng chống bệnh dịch này tại TPHCM. Làm việc với Sở Y tế TPHCM sau khi ghi nhận thực tế khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện quận Bình Tân - TPHCM, lãnh đạo Bộ Y tế nhìn nhận diễn biến dịch sởi vẫn còn phức tạp và cần nâng cao công tác phòng chống.


Đoàn lãnh đạo Bộ Y tế khảo sát công tác phòng chống dịch sởi
tại Bệnh viện Quận Bình Tân - TPHCM.

Dịch sởi có chựng lại

Báo cáo với lãnh đạo Bộ Y tế, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết dịch sởi đã có dấu hiệu gia tăng từ 3 tháng cuối năm 2013 nhưng sang đầu năm 2014 mới tăng nhiều. Nếu như cả năm 2013 chỉ có khoảng 404 ca mắc sởi thì từ đầu năm đến nay TPHCM đã ghi nhận gần 1.500 ca mắc, chưa kể số trẻ mắc sởi từ các tỉnh cũng đổ dồn về các bệnh viện của thành phố.

Điều khiến bác sĩ Dũng quan ngại là trên 90% trẻ mắc sởi trong năm 2013 ở độ tuổi dưới 3 nhưng sang năm 2014, độ tuổi mắc sởi lại cao hơn với trên 70% là trẻ dưới 10 tuổi. Mặt khác tỷ lệ biến chứng do sởi cũng cao hơn với khoảng 30% biến chứng. Tuy nhiên, nguyên nhân virus sởi có biến chứng nguy hiểm hơn hay không, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu đánh giá!...

Thực hiện chủ trương của Bộ Y tế, từ ngày 7-3 đến nay TPHCM đã triển khai công tác tiêm vét vaccine sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 3 tuổi và đến nay đã tiêm được hơn 65.000 mũi cho trẻ. Đồng thời các cơ sở y tế tiêm vaccine sởi dịch vụ cũng đã chích ngừa 25.754 mũi. “Hiện tổng cộng đã có 95.754 trẻ dưới 3 tuổi đã được chích ngừa sởi, chiếm trên 95% số trẻ cần chích theo kế hoạch”, BS Dũng cho biết. Về diễn biến dịch bệnh, bác sĩ Dũng cho rằng trong 2 tuần qua số ca mắc có xu hướng chựng lại, không còn tăng đột biến như thời điểm tháng 2 và 3…

Ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện, cũng cho biết trong tuần qua số ca mắc sởi không tăng. Nếu như đầu tuần rồi khoảng 90 ca điều trị nội trú thì hôm qua cũng chỉ khoảng 80 ca, trong đó 40% bệnh nhân từ tỉnh đổ về. Tiến sĩ Châu cũng nhìn nhận số bệnh nhân sởi ở người lớn vẫn còn nhưng không đáng ngại vì nguy cơ biến chứng nhẹ.

Ghi nhận tại các bệnh viện: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, khoa Nhi Bệnh viện quận Bình Tân cũng cho thấy số ca bệnh sởi điều trị nội trú không nhiều như các tuần trước.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết chỉ còn khoảng 30 ca mắc sởi và phát ban liên quan đến sởi nhưng đa số đều ở thể nhẹ, chưa có biến chứng nặng. Trong khi bác sĩ Nguyễn Văn Mười, Giám đốc Bệnh viện quận Bình Tân, cho biết trong hôm qua chỉ còn 5 ca mắc sởi điều trị nội trú, giảm hơn một nửa so với tuần trước. Bác sĩ Mười cũng cho biết công tác sàng lọc ngay khi khám bệnh cũng được tăng cường để tránh tình trạng những bệnh phát ban dạng sởi nhập viện không cần thiết, hạn chế lây nhiễm chéo…

Đại diện Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cũng cho biết đến ngày 27-4, cả nước ghi nhận thêm 23 ca mắc sởi mới, có giảm so với các ngày trước, nâng số ca mắc sởi lên 3.716/10.349 ca nghi mắc sởi. Đồng thời số ca mắc mới sởi ở các tỉnh có xu hướng giảm, chỉ còn ghi nhận ở 33/61 tỉnh thành có bệnh sởi.

Phải tăng cường truyền thông

Có mặt tại Bệnh viện Nhi đồng 1 sáng qua, Bộ trưởng Bộ Y tế đã khảo sát tại khoa khám bệnh trong một không gian bốn bề bệnh nhi đông nghẹt.

“Do đầu tuần nên bệnh nhi các tỉnh đổ về đông cộng thêm số bệnh nhân đến tái khám”, BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc bệnh viện, lý giải. Ngay cửa khoa khám, bệnh viện cũng cho dán một bảng chỉ dẫn “bệnh nhân sốt phát ban, sởi được tiếp nhận ở cửa số 1, số 2” nhằm phân luồng bệnh nhi bị sởi, thuận tiện cho việc khám và tránh lây nhiễm.

Thăm bệnh nhi ở khoa Nhiễm, Bộ trưởng Bộ Y tế không khỏi băn khoăn vì hầu hết những trường hợp mắc sởi đều là trẻ sơ sinh và ngay cả mẹ của bé cũng chưa hề chích ngừa sởi… Tại khoa Nhi Bệnh viện quận Bình Tân TPHCM, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng khảo sát quy trình khám, phân luồng bệnh nhân sởi và cảm thấy chưa yên tâm vì quy trình vẫn còn một số bất cập như chưa sàng lọc triệt để được bệnh nhân sởi hay sốt phát ban.

Chị Nguyễn Minh Tâm (ngụ phường Tân Tạo) ôm đứa con 3 tháng tuổi mắc sởi nước mắt lưng tròng: “Chẳng biết cháu bị mắc sởi từ đâu, cũng không biết bị sởi hay gì nữa. Đến khi cháu sốt, ho 2 ngày liên tục không bớt, đưa vô bệnh viện mới được bác sĩ nói bị sởi”. Chị Tâm cũng thắc mắc: “Bác sĩ nói chích ngừa mới không mắc bệnh nhưng mấy cháu nhỏ chưa đủ 9 tháng tuổi thì làm sao chích ngừa”.

Đại diện Phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TPHCM cho biết từ cuối năm 2013 đã triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh sởi nhưng vị này chủ yếu nêu ra từ các văn bản chỉ đạo đã được… phát hành. Chỉ đến khi dịch bệnh bùng phát và thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế thì ngày 26-4 mới triển khai tập huấn phác đồ điều trị sởi cho các bệnh viện công lẫn tư!

Tuy nhiên, vị đại diện Phòng Nghiệp vụ y thẳng thắn cho biết nếu diễn biến dịch sởi còn phức tạp thì công tác thu dung điều trị cũng chỉ đáp ứng 20% nhu cầu! Đại diện Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế cũng cho biết qua điều tra dịch tễ cho thấy, hầu hết các ca mắc sởi đều do chưa tiêm ngừa sởi hoặc tiêm chưa đầy đủ (chiếm 60% ca mắc sởi). Do đó, tiêm ngừa vẫn là biện pháp cốt lõi để phòng dịch sởi và Bộ Y tế cũng đã quyết định tiếp tục triển khai tiêm vét sởi cho trẻ từ 2-10 tuổi.

Phát biểu chỉ đạo công tác phòng chống dịch sởi, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh công tác truyền thông có vai trò chủ đạo. Bộ trưởng nói “truyền thông phải đi trước một bước” để người dân nhận thức được, hiểu được, tiến tới thay đổi hành vi mới hiệu quả được. Đánh giá việc truyền thông phòng chống sởi của Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe TPHCM là cơ bản tốt nhưng bộ trưởng yêu cầu phải tăng cường hơn nữa cả truyền thông đại chúng lẫn truyền thông trực tiếp.

“Phải thông báo, truyền thông ngay tại các bệnh viện, các khoa nhi, các điểm tiêm chủng để người dân biết”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói. Cũng theo vị bộ trưởng này, nguyên nhân chính khiến dịch sởi bùng phát là do tỷ lệ tiêm chủng sởi chưa đạt, ngay cả khi đã đạt tỷ lệ tiêm chủng 95% thì 5% còn lại vẫn có nguy cơ lây lan dịch.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ sở tiêm chủng, các đơn vị phòng chống dịch bệnh duy trì vận động để người dân đưa con em đến tiêm chủng chứ không phải chỉ vì một số vụ tai biến vaccine vừa qua mà ngại cho con đi tiêm là không được. Hơn nữa, không nên cố định lịch tiêm chủng mà linh động, thường xuyên hơn để tạo điều kiện cho người dân đi tiêm. Về công tác tiêm chủng phòng ngừa sởi, một số ý kiến cho rằng, cần thiết lập các tổ tiêm chủng lưu động về tận các khu phố, tổ dân phố vào các ngày cuối tuần để thuận tiện vận động người dân cho con em đi tiêm chủng.

Mặt khác, cần có biện pháp tuyên truyền phòng ngừa sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi vì đối tượng này chưa đủ tháng để tiêm vaccine sởi nhưng tỷ lệ mắc khá cao.

TƯỜNG LÂM(SGGPO)



< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn