Bộ trưởng Đinh La Thăng mong dân chủ động sang tên xe

Cập nhật ngày: 18/03/2013 15:28:29

Bộ trưởng GTVT đã giải đáp các vấn đề liên quan tới tai nạn giao thông, mũ bảo hiểm, phí bảo trì đường bộ…

Trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” ngày 17/3, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến những vấn đề đang được dư luận quan tâm: tình hình tai nạn giao thông trong những tháng đầu năm, phí bảo trì đường bộ, mũ bảo hiểm rởm…

Quyết tâm xiết chặt kinh doanh vận tải hành khách

Thật đáng tiếc khi số người chết do tai nạn giao thông tăng tới 17% trong hai tháng đầu năm nay, đặc biệt là vụ tai nạn thảm khốc như vụ tai nạn xe khách tại Cam Ranh Khánh Hòa hôm 8/3 vừa qua làm 12 người chết và hơn 50 người bị thương. Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này và cần phải làm gì để đảm bảo giảm thiểu tai nạn giao thông bền vững?


Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (Ảnh: Chinhphu.vn)

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng: Nguyên nhân tai nạn giao thông gia tăng có cả trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, của chủ doanh nghiệp vận tải và bản thân lái xe. Bộ giao thông đã nghiêm túc phân tích nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, nhất là với xe khách để tìm ra giải pháp khắc phục.

Theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước phải tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, đặc biệt là rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là quy định về vận tải hành khách. Bởi đây là loại hình kinh doanh có điều kiện nên Bộ sẽ xem lại các điều kiện kinh doanh đó đã phù hợp hay chưa, phải siết chặt hơn nữa. Để làm được việc này Bộ sẽ làm việc với các doanh nghiệp vận tải, Hiệp hội vận tải để làm rõ những điều kiện vận tải, từ đó vừa quản lý một cách chặt chẽ nhưng cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải phát triển.

Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu rõ: Chúng tôi phải siết chặt quản lý các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, bởi việc quản lý các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hiện nay thường là khoán trắng, khoán gọn, khoán doanh thu cho các lái xe. Các lái xe lại góp cổ phần vào để hợp tác cùng doanh nghiệp, trong khi đó các doanh nghiệp không có trách nhiệm gì với lái xe, kể cả mua bảo hiểm, kể cả điều kiện về sức khỏe, lái xe được hoàn toàn chủ động trong hành trình của mình. Do đó, lái xe vượt cả quy định không được lái xe quá 10 giờ mỗi ngày, hoặc vượt 4 giờ liên tục, nên dẫn đến tình trạng lái xe luôn luôn phóng nhanh để giành đường, vượt đầu, không tuân thủ cac quy định về luật giao thông đường bộ.

Nguyên nhân sâu xa chính là từ lợi nhuận của các doanh nghiệp vận tải khoán trắng như vậy. Cho nên, tới đây các cơ quan chức năng trong đó có Bộ Giao thông vận tải sẽ tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát, tăng cường tinh thần ý thức của người thực thi công vụ, cũng như tuyên truyền nâng cao ý thức của người lái xe. Bởi không thể loại trừ một trong những nguyên nhân đó là một số ít người thực thi công vụ đã không thực hiện nghiêm túc công việc của mình, còn có hiện tượng lơ là, bỏ qua cho lái xe cho doanh nghiệp vận tải cho nên dẫn đến tình trạng như vậy”.

Ngoài công tác quản lý, ý thức của lái xe thì nhiều câu hỏi của người dân đặt ra cho Bộ trưởng như phải chăng hạ tầng giao thông yếu kém và tiến độ thi công chậm chạp có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông gia tăng hay không.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng, thực ra, hạ tầng giao thông cũng không phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông. Bởi vì, qua phân tích về tai nạn giao thông vừa qua, nhất là tai nạn xe khách thì phần lớn những vụ tai nạn này đều xảy ra ở những đoạn đường tốt, không bị che khuất tầm nhìn.

Phí bảo trì đường bộ

Bộ trưởng nêu rõ, hạ tầng giao thông cũng là một điểm nghẽn cũng cần phải khắc phục, để đảm bảo cho giao thông được thông suốt, an toàn. Chính vì vậy, Bộ Giao thông vận tải thực hiện chỉ đạo của Chính phủ đã có giải pháp hết sức quyêt liệt, đồng bộ và mạnh mẽ để đẩy nhanh tiến độ, cũng như chất lượng công trình giao thông. Để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng rõ ràng rất tốn kém. Vì thế nhiều người dân khẳng định với Bộ trưởng Bộ giao thông là sẵn sàng chia sẻ gánh nặng đầu tư với Nhà nước.

Tuy nhiên cũng có những ý kiến bức xúc bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc đóng phí Quỹ bảo trì đường bộ, cho rằng thu như vậy có dẫn đến tình trạng “phí chồng lên phí”. Cụ thể, sau khi triển khai thu phí này để tăng nguồn đầu tư cho các công trình giao thông thì một số trạm thu phí mà Nhà nước đã nhượng quyền thu phí thì vẫn không được dẹp bỏ như cam kết.

Giải thích về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ: "Theo Luật Giao thông đường bộ quy định về phí, người tham gia giao thông phải nộp phí sử dụng đường bộ để hình thành quỹ bảo trì đường bộ để bảo trì, sữ chữa kết cấu hạ tâng giao thông và Nghị định 18 hướng dẫn thì luật giao thông đường bộ có hiệu lực từ 01/01/2013. Theo đó, các trạm thu phí của Nhà nước phải dừng việc thu phí thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ. Hiện trên cả nước có 57 trạm thu phí, trong đó có 19 trạm thu phí của Nhà nước thì đã dừng việc thu phí từ 01/01/2013. Còn 4 trạm thu phí cũng của Nhà nước nhưng đã được Nhà nước chuyển quyền cho các doanh nghiệp, cho các nhà đầu tư tư nhân.

Chính vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính đang đàm phán với nhà đầu tư, các doanh nghiệp để Nhà nước mua lại các trạm thu phí này. Để đàm phán được thì cũng cần có thời gian và hơn nữa việc mua lại cần dùng tới ngân sách của Nhà nước nên cơ quan chức năng cần phải cân đối nguồn vốn cũng như báo cáo với Chính phủ để có nguồn vốn mua lại các trạm thu phí này. Tất nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng sao cho trong thời gian sớm nhất thì 4 trạm thu phí đã chuyển quyền thì bao gồm các trạm trên quốc lộ 1, như trạm Bãi Cháy, Phù Đồng, Hoàng Mai… thì sẽ cố gắng để dừng.

Còn việc có phí chồng phí hay không, theo quy định của luật giao thông đường bộ và quỹ bảo trì đường bộ, phí này sẽ dùng để bảo trì các đường, thuộc đầu tư vốn ngân sách nhà nước. Còn vốn đầu tư các trạm BOT, các trạm đầu tư bằng nguồn vốn khác thì các nhà đầu tư BOT và các nhà đầu tư khác thì phải bỏ tiền ra đầu tư cũng như là bảo trì sửa chữa. Chính vì vậy không có chuyện phí chồng phí trong quy định này".

Mũ bảo hiểm rởm là trách nhiệm của cục Quản lý thị trường

Đặt câu hỏi với Bộ trưởng, nhiều người dân băn khoăn về quy định phạt với người điều khiển phương tiện không chính chủ và người đội mũ bảo không đảm bảo chất lượng. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, việc phạt việc không chuyển quyền sở hữu phương tiện đã có từ năm 1995. Trải qua nhiều năm thực hiện với nhiều nghị định hướng dẫn, luật giao thông đường bộ đã bộc lộ nhiều điều bất cập, cần phải bổ sung, sửa đổi nhằm đảm bảo tính đồng bộ. Tiếp thu ý kiến của người dân và của cơ quan chức năng, Bộ giao thông vận tải nhận thấy điều khoản phạt những người không chuyển quyền sở hữu phương tiện thì tính khả thi chưa cao.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu và làm rõ thêm, đặc biệt là quy trình xác minh thế nào là chính chủ, thế nào là chưa chuyển quyền sở hữu. Khi có đầy đủ các văn bản hướng dẫn một cách đồng bộ thì lúc đó sẽ bổ sung vào Nghị định, hoặc đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật khác cho hợp lý. Liên quan đến quy định chất lượng mũ bảo hiểm với người đi xe môtô tham gia giao thông.

“Trong dự thảo lần này có bổ sung thêm sẽ sử phạt những người có đội mũ nhưng không đủ 3 bộ phận là phần vỏ cứng, lớp đệm chống xung động đây là phần quan trọng nhất bảo vệ cho chấn thương sọ não khi bị tai nạn và bộ phận thứ ba là quai đeo”. – Bộ trưởng Bộ GTVT nói.

Bộ trưởng Đinh La Thăng còn cho biết thêm, trong dự thảo không nói đến việc phạt người dân khi tham gia giao thông điều khiển phương tiện là không đội mũ bảo hiểm đúng chất lượng, đúng quy chuẩn hoặc là mũ bảo hiểm rởm. Bởi vì thực tế người dân không phân biệt được những điều này, đây là trách nhiệm của cơ quan chức năng và hiện Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đang làm rất tốt việc này. Đó là việc truy quét, kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất mũ bảo hiểm rởm, mũ bảo hiểm kém chất lượng. Bộ trưởng Đinh La Thăng tin rằng trong thời gian sắp tới mũ bảo hiểm kém chất lượng không đạt tiêu chuẩn, mũ bảo hiểm rởm sẽ bị loại ra khỏi thị trường.

Bộ trưởng Bộ giao thông bày tỏ, dù chưa xử phạt đối với những người chưa chuyển quyền sở hữu phương tiện và đối với người đội mũ gọi là không phải mũ bảo hiểm nhưng cũng mong người dân chủ động sang tên đổi chủ với phương tiện của mình.

Bộ trưởng nhắn gửi, người dân nên chọn mua mũ có đủ 3 bộ phận (vỏ cứng, lớp đệm chống xung động và quai đeo) để đảm bảo an toàn cho tính mạng của chính mình và gia đình mình, góp phần tạo ra một xã hội an toàn, an ninh tốt hơn. Thông qua chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho biết, sắp tới Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ chỉ đạo Ủy ban An toàn giao thông các địa phương có chương trình đổi mũ bảo hiểm giả lấy mũ thật, có trợ giá nhằm đảm bảo an toàn và giảm chi phí cho người dân./.

Theo VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn