Bỗng dưng bị mất chức!
Cập nhật ngày: 10/09/2016 15:16:25
79 phó chủ tịch UBND xã, phường ở tỉnh Tiền Giang vừa bị điều xuống làm nhân viên do dư thừa “quan” xã. Vốn quen chỉ đạo, nay họ phải chầu chực trình ký văn bản và xin ý kiến tất tần tật mọi chuyện.
Anh Trần Anh Tuấn (trái) soạn quyết định trao tặng nhà tình nghĩa rồi trình chủ tịch xã ký. Mới tháng trước còn làm phó chủ tịch, anh không phải làm việc này - Ảnh: V.TR.
7 giờ sáng, anh Nguyễn Thanh Dũng chạy xe máy đến trụ sở UBND xã Tân Thuận Bình (huyện Chợ Gạo) làm việc. Đi ngang bộ phận “một cửa”, anh bị một người dân níu lại: “Anh ký hồ sơ giùm tui nhanh nhanh để về đi công việc gấp lắm”. Anh Dũng bối rối: “Dạ, tui không còn làm phó chủ tịch nữa anh ơi”.
Sau hơn một giờ cặm cụi viết 50 thư mời họp triển khai kế hoạch tái thẩm định các danh hiệu văn hóa năm 2016, anh Dũng mang qua trình chủ tịch xã ký. Xong, anh qua văn phòng tự tay đóng dấu rồi đi tìm đưa thư mời tận tay từng người. Anh nói mới hồi tháng trước không phải làm những công việc lặt vặt như thế này.
UBND huyện Chợ Gạo mới có quyết định điều anh xuống làm công chức văn hóa xã hội nên không được quyền ký nữa. Công việc của anh bây giờ là làm tất cả những việc râu ria và kiêm luôn vai trò giao liên.
Ở xã An Thạnh Thủy gần đó, anh Trần Anh Tuấn cũng vừa nhận quyết định thôi chức phó chủ tịch UBND xã, chuyển xuống làm công chức văn hóa xã hội. Anh Tuấn công tác ở xã này từ năm 2000. Giữa năm 2015, anh được bầu làm phó chủ tịch xã.
“Mất sáu tháng trời tui mới quen được công việc lãnh đạo. Khi công việc mới vào guồng, nhiều người dân trong xã chưa kịp biết mặt tân phó chủ tịch xã thì bị cách chức” - anh Tuấn nói.
Chị Nguyễn Thụy Hạ Giao (nguyên phó chủ tịch xã Long An, huyện Châu Thành) cũng rơi vào hoàn cảnh y như vậy. Từ một cán bộ xã đoàn, chị được bầu làm phó chủ tịch xã hồi tháng 7-2015. Ngồi chưa kịp nóng thì chị nhận được quyết định điều xuống làm công chức văn phòng vào ngày 12-7-2016.
Chị kể cảm giác những ngày đầu không còn làm phó chủ tịch rất khó diễn tả, rất buồn và thất vọng. “Đa số người dân trong xã chưa biết tui mất chức nên ra đường gặp vẫn gọi là phó chủ tịch, ngại lắm luôn. Tui đã nói lãnh đạo xã mai mốt có xuống họp ở ấp thì thông báo cho dân biết để tránh hiểu nhầm không hay” - chị Giao nói.
Ông Đoàn Thanh Liêm, giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tiền Giang, cho biết toàn tỉnh có tới 79 phó chủ tịch xã, phường, thị trấn bị “mất chức” trong đợt này.
Ông giải thích: “Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định xã loại 1 mới được hai phó chủ tịch, còn xã loại 2 và loại 3 chỉ một phó chủ tịch. Nghị định của Chính phủ quy định số lượng phó chủ tịch UBND cấp xã có hiệu lực thi hành từ ngày 10-3-2016, trong khi cấp xã đã tổ chức đại hội Đảng và bầu các chức danh chủ chốt từ hồi giữa năm 2015. Hầu hết các xã, phường, thị trấn đều bầu hai phó chủ tịch nên bây giờ phải giảm bớt một người cho đúng quy định”.
Để đảm bảo quyền lợi cho số “quan” xã này, UBND tỉnh quyết định bố trí họ làm công chức tại xã, huyện.
Theo Vân Trường/TTO