Cần 12.000 tỷ đồng triển khai Đề án 1 triệu ha lúa giảm hiệu ứng nhà kính
Cập nhật ngày: 30/03/2023 05:34:55
Để triển khai Đề án 1 triệu ha lúa giảm phát thải ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Việt Nam cần đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng. Nông dân sẽ được hưởng lợi từ bán chứng chỉ carbon khi tham gia đề án này.
Hội thảo tham vấn các tổ chức quốc tế và các tổ chức tín dụng về Đề án 1 triệu ha lúa giảm phát thải
Chiều 29/3 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức Hội thảo tham vấn các tổ chức quốc tế và tổ chức tín dụng trong nước về “Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh tại ĐBSCL”.
Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), hiện nay, năng suất lúa ở ĐBSCL đạt khoảng 6,2 tấn/ha. Đây là mức cao trên thế giới. Tuy nhiên, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL mà Bộ NN-PTNT đang xây dựng, không chỉ hướng đến hiệu quả kinh tế, an ninh lương thực, tạo thu nhập cao hơn cho nông dân, mà còn phải đảm bảo đa mục tiêu trong tình hình mới, gồm thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm được lượng khí metan (gây hiệu ứng khí nhà kính) do canh tác lúa gây ra.
Dự kiến, tổng mức đầu tư cho đề án này là khoảng 12.000 tỷ đồng. Trong đó, 3.000 tỷ đồng là vốn ngân sách nhà nước và 8.400 tỷ đồng vốn xã hội hóa, còn lại là từ các nguồn vốn khác.
Dự kiến, đề án sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2023.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, sau khi đề án này được phê duyệt, cần sự chung tay hỗ trợ của các tổ chức tín dụng và các tổ chức quốc tế.
Tại hội thảo, đại diện các tổ chức quốc tế và tổ chức tín dụng cho biết sẽ hỗ trợ Việt Nam triển khai thành công đề án này. Các tổ chức quốc tế cho rằng, vùng lúa chuyên canh chất lượng cao 1 triệu ha tại ĐBSCL có thể được coi là hình mẫu về sản xuất lúa giảm phát thải mà Việt Nam là nước đầu tiên triển khai trên thế giới. Qua đó sẽ thu hút sự quan tâm và hỗ trợ của đối tác quốc tế về nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ trước những thách thức về biến đổi khí hậu và an ninh lương thực.
Nội dung được các bên quan tâm là người nông dân trồng lúa sẽ được hưởng lợi từ việc bán tín chỉ trên thị trường carbon thông qua sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam đến năm 2050 đạt mức phát thải ròng bằng “0”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) đề nghị, cần làm rõ hơn những ưu tiên về cơ chế, chính sách để huy động nhiều nguồn vốn khác nhau khi thực hiện các mục tiêu của đề án này.
Nông dân trồng lúa sẽ được hưởng lợi từ bán tín chỉ carbon
Tại hội thảo, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức tín dụng đã cam kết cùng đồng hành hỗ trợ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao của Việt Nam. Đại diện WB tại Việt Nam cho biết, hiện tổ chức tín dụng này đang hỗ trợ chương trình xây dựng thương hiệu nông sản tại các tỉnh miền Tây của Nam bộ.
WB sẽ triển khai dự án hỗ trợ khoảng 40 triệu USD cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao giảm phát thải tại ĐBSCL của Việt Nam. Trong đó, 20 triệu USD là hỗ trợ không hoàn lại, còn 20 triệu USD dùng để mua 5%-10% tín chỉ carbon được chứng nhận từ chương trình 1 triệu ha lúa giảm phát thải nếu Việt Nam bán tín chỉ này trên thị trường thế giới.
“WB mong muốn phối hợp cùng Bộ NN-PTNT Việt Nam và các nhà tài trợ thực hiện các dự án ở ĐBSCL”, ông Li Gou, Chuyên gia cao cấp Kinh tế nông nghiệp của WB tại Việt Nam khẳng định.
Theo VĂN PHÚC (SGGP)