Càng hội nhập sâu, càng lo tụt hậu

Cập nhật ngày: 29/08/2015 07:12:46

Sáng 28-8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh chủ trì hội thảo khoa học “Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015 – 2035”. 

Năng suất lao động được cải thiện nhưng vẫn chậm hơn các nước trong khu vực

Tại cuộc hội thảo, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, từ năm 2008, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, nhưng khoảng cách về GDP bình quân đầu người so với các nước trong khu vực còn lớn và có nguy cơ nới rộng. 

Mặc dù quy mô nền kinh tế liên tục được mở rộng, GDP năm 2014 gấp 29 lần GDP năm 1990, nhưng so với một số nước trong khu vực ASEAN thì quy mô kinh tế nước ta vẫn còn nhỏ. Tại thời điểm năm 2014, GDP của Indonesia gấp 4,8 lần GDP của Việt Nam; Thái Lan gấp 2 lần; Malaysia gấp 1,8 lần; Singapore gấp 1,7 lần và Philippines gấp 1,5 lần.

Điều đáng lo ngại là việc thu hẹp khoảng cách tương đối về năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam với các nước trong thời gian qua là thành tựu đáng ghi nhận, nhưng vẫn chưa đủ để thu hẹp khoảng cách tuyệt đối về giá trị NSLĐ so với các nước trong khu vực.


Năng suất lao động còn kém thua các nước trong khu vực 

Tính ra, với xu hướng này, phải đến năm 2038, Việt Nam mới bắt kịp năng suất lao động của Philipines, và phải đến năm 2069 mới bắt kịp năng suất lao động của Thái Lan; trong khi khoảng cách với Trung Quốc tiếp tục gia tăng đáng kể. Cụ thể, NSLĐ của toàn nền kinh tế năm 2014 theo giá hiện hành đạt 74,7 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 3.530 USD/lao động), tăng 4,9% so với năm 2013; bình quân giai đoạn 2005-2014 tăng 3,7%/năm. 

Cùng với quá trình phát triển kinh tế, NSLĐ của Việt Nam những năm qua đã cải thiện đáng kể, khoảng cách tương đối theo tỉ lệ về NSLĐ so với các nước ASEAN được thu hẹp dần. Cụ thể, nếu năm 1994 NSLĐ của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia lần lượt gấp 29,2 lần; 10,6; 4,6; 3,1 và 2,9 lần NSLĐ của Việt Nam, thì đến năm 2013 khoảng cách tương đối này giảm xuống tương ứng còn 18 lần; 6,6; 2,7; 1,8 và 1,8 lần.   Mặc dù vậy, khoảng cách tuyệt đối tính bằng chênh lệch giữa NSLĐ của Việt Nam với hầu hết các nước ASEAN lại gia tăng trong giai đoạn trên. Tính theo sức mua tương đương năm 2005 (PPP 2005), chênh lệch giữa NSLĐ của Singapore và Việt Nam tăng từ 62.052 đô la Mỹ năm 1994 lên 92.632 đô la Mỹ năm 2013; tương tự, so với Malaysia, chênh lệch tăng từ 21.142 đô la Mỹ lên 30.311 đô la Mỹ; với Thái Lan từ 7.922 đô la Mỹ lên 9.314 đô la Mỹ; Indonesia từ 4.104 đô la Mỹ lên 4.408 đô la Mỹ (NSLĐ của Việt Nam năm 1994 tính theo PPP là 2.203 đô la Mỹ; ước tính năm 2013 đạt 5.440 đô la Mỹ). 

Điều này cho thấy NSLĐ của Việt Nam đã tăng trưởng tương đối nhanh, giúp thu hẹp khoảng cách tương đối nhưng vẫn chưa đủ để giảm khoảng cách tuyệt đối về NSLĐ với các nước.

Đáng chú ý là nếu so với Trung Quốc và Ấn Độ thì NSLĐ của Việt Nam tăng chậm hơn, dẫn tới sự gia tăng cả về khoảng cách tuyệt đối và tương đối với hai nước trên. 
Khoảng cách tương đối về NSLĐ giữa Trung Quốc và Việt Nam từ 1,3 lần (năm 1994) lên 2,8 lần (năm 2013); giữa Ấn Độ và Việt Nam từ 1,6 lần lên 1,7 lần. Tương tự, khoảng cách tuyệt đối giữa NSLĐ của Trung Quốc và Việt Nam tăng từ 771 USD lên 9.545 USD; giữa Ấn Độ và Việt Nam từ 1.396 USD lên 3.867 USD. 

Giả định Việt Nam và một số nước vẫn duy trì liên tục tốc độ tăng trưởng NSLĐ trung bình như trong giai đoạn 2007-2012 vừa qua thì phải đến năm 2038 Việt Nam mới bắt kịp NSLĐ của Philippines và đến năm 2069 mới bắt kịp NSLĐ của Thái Lan, trong khi khoảng cách với Trung Quốc lại gia tăng đáng kể.

Chi phí tăng cao, hiệu quả đầu tư thấp 

Trong khi đó, chi phí đầu vào cho sản xuất của Việt Nam lại có xu hướng tăng dần qua các năm. Đơn cử, mức tiêu hao năng lượng cho sản xuất có xu hướng tăng, hiệu quả sử dụng năng lượng tương đối thấp so với các nước trong khu vực: để tạo ra một đồng GDP, năm 1996 cần 0,07 đồng năng lượng; năm 2000 cần 0,1 đồng, năm 2007 cần 0,13 đồng. Nhìn tổng quát, hiệu quả đầu tư còn thấp, thể hiện ở hệ số đầu tư ICOR (chỉ số cho biết muốn có thêm một đơn vị sản lượng trong một thời kỳ nhất định cần phải bỏ ra thêm bao nhiêu đơn vị vốn đầu tư trong kỳ đó – PV) còn ở mức cao và tăng dần: giai đoạn 2001 – 2005 là 4,88; 2006 – 2010 là 6,96 và 2011 – 2013 là 6,99. Đáng ngạc nhiên là ICOR của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2013 (6,99) còn cao hơn cả Lào (2,59); Indonesia (4,64); Malaysia (5,4), Philippines (4,1), Trung Quốc (6,4).

ANH PHƯƠNG/SGGP

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn