Vẫn chưa chốt được mức tăng lương tối thiểu 2016
Cập nhật ngày: 25/08/2015 15:10:52
Phiên họp thứ 2 của Hội đồng Tiền lương quốc gia kết thúc lúc gần 12h. Tuy nhiên, các bên ra về mà vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Cụ thể, cuộc thương lượng giữa đại diện giới chủ là VCCI và Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, đại diện cho người lao động, thất bại khi mà mỗi bên vẫn kiên quyết bảo vệ mức đề xuất của mình với sự phân tích ở khía cạnh khác nhau. VCCI thì phân tích về sự khó khăn, thách thức của doanh nghiệp, đặc biệt khi mà doanh nghiệp đang phải cạnh tranh rất lớn. Nếu tăng ở mức 16,8% như đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Vì thế, họ tiếp tục đề xuất tăng ở mức 10%.
Bữa cơm đạm bạc của công nhân (ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Còn phía Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phân tích khía cạnh nhu cầu của người lao động và thực trạng đời sống người lao động, vẫn kiên quyết bảo vệ mức đề xuất tăng 350.000-550.000 (tương ứng vùng 4 và vùng 1), tương đương mức tăng 16,8% như lần họp trước.
Quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam là kinh tế đã khá hơn, không thể điều chỉnh mức tăng thấp hơn năm 2015, ít nhất phải bằng mức tăng năm 2015.
Chính vì khoảng cách đề xuất mức tăng giữa hai bên vẫn quá chênh lệch nên cuộc thương lượng về tăng mức lương tối thiểu vùng 2016 lần thứ 2 thất bại.
Trả lời phỏng vấn báo chí sau cuộc họp, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, ông không nhất trí với sự lập luận của VCCI bởi đời sống công nhân quá khổ, ở thì chật chội; chi phí sinh hoạt hàng ngày tốn kém trong khi lương không cao, khoảng 92% người lao động với mức lương doanh nghiệp trả từ 4,5-5 triệu đồng/tháng, đang sống rất chắt bóp, chỉ 8% có dư. Phần lớn họ không có hộ khẩu trên này nên khi có con nhỏ, hoặc là phải gửi về quê nhờ trông nom, hoặc là vợ chồng thay nhau ở nhà trông con.
“Tôi đang đề nghị các thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia đi xuống các khu nhà trọ của công nhân ở các khu công nghiệp để thấy tình hình thực tế của công nhân như thế nào. Chúng ta làm chính sách mà ngồi ở phòng máy lạnh thì sẽ không bao giờ thấy được cái khổ của công nhân”, Phó Chủ tịch LĐLĐ Việt Nam nói.
Ông Mai Đức Chính cũng đề nghị Hội đồng Tiền lương quốc gia phải làm việc với Tổng cục Thuế xem doanh nghiệp hạch toán tiền lương của người lao động là bao nhiêu; đồng thời làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem thực tế tiền lương doanh nghiệp đang đóng BHXH cho người lao động là bao nhiêu thì mới có quyết định chính xác được.
Theo quy chế, mỗi bên được xin dừng cuộc họp 1 lần, lần trước là VCCI và lần này là Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Dự kiến, cuộc họp lần thứ 3 của Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ diễn ra vào ngày 3/9. Tại cuộc họp này, nếu các bên vẫn không thương lượng thành công về mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 thì Chủ tịch Hội đồng sẽ lựa chọn phương án đề xuất để trình Chính phủ.
Hương Thủy (HNMO)