Cảnh báo những cái bẫy chết người tại Đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật ngày: 26/06/2016 10:19:21

Bẫy điện gây chết người đã xuất hiện khá nhiều tại Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua tại tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Đồng Tháp... liên tiếp xảy ra tình trạng dùng bẫy điện để diệt chuột, bắt cá, bảo vệ vuông tôm dẫn đến những cái chết thương tâm.  

Nhiều án mạng thương tâm

Các hộ dân dùng bẫy chuột bằng điện từ bình ắc quy 12V kết nối với bộ kích điện lên đến 500V hoặc dùng dây điện, dây chì nối trực tiếp vào nguồn điện để diệt chuột, chống trộm bảo vệ tài sản. Dây điện được giăng mắc ven chân ruộng, cách mặt đất chừng 5cm, nguồn nóng được mắc vào phần dây giăng trên bờ, nguồn mát cắm xuống đất. Việc sử dụng phương thức diệt chuột bằng xung hiệu quả cao hơn rất nhiều lần so với các biện pháp thủ công, bẫy chuột bằng bẫy dẫn dụ, bả thức ăn... Nhưng đã xảy ra hậu quả đau lòng.


Người dân bắt chuột trên cánh đồng đang thu hoạch

Mới đây nhất, ông Phạm Văn Lập (SN 1976, ngụ ấp Nhà Máy A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) chết do bẫy điện diệt chuột. Người dân cho biết: Vào khoảng 4 giờ ngày 5/6, ông Lập dùng bình ắc quy loại 12V nối với hộp kích xung điện (người dân thường gọi là hộp xiệc) để xiệc chuột trên phần đất ruộng của mình, không may ông Lập sơ ý bị điện giật dẫn đến tử vong.

Nhận được tin báo, cơ quan chức năng có mặt tại hiện trường tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Do đây là tai nạn ông Lập tự gây ra, nên sau khi khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng đã bàn giao thi thể ông Lập cho gia đình lo hậu sự.

Một trường khác ở tỉnh Đồng Tháp, khoảng 5 giờ sáng ngày 4/6, tại xã Thông Bình, huyện Tân Hồng xảy ra một vụ vướng bẫy điện diệt chuột kéo quanh bờ đê của ông Mai Văn Nê (ngụ xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng) nạn nhân là bà Lê Thị Việt (61 tuổi, ngụ xã Thông Bình, huyện Tân Hồng). Được biết vào thời gian trên, bà Lê Thị Việt đi ngang qua ruộng lúa của anh Mai Văn Nê, chạm vào dây dẫn điện kéo quanh bờ đê để bẫy chuột cắn phá lúa, làm bà Việt tử vong tại chỗ.

Nhiều năm trôi qua, việc bẫy điện để bảo vệ vuông tôm tránh trộm vẫn còn là nỗi ám với ông Nguyễn Văn Khởi ngụ ấp Công Nghiệp, xã Phú Tân, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau bởi cái chết thương tâm của ông Nguyễn Chí D cha vợ ông, năm 2008. Vì mất trộm quá nhiều lần ông Nguyễn Văn D đã dẫn dây chì nối vào nguồn điện sinh hoạt của gia đình ra vuông tôm nhưng không may tự ông đã mắc phải vào bẫy điện của mình, chết tại chỗ.

Ông Khởi kể: “Lúc hay tin cha (vợ) tôi mất tôi cứ tưởng đùa vì không nghĩ điện làm chết người, đến giờ tôi vẫn còn sợ khi nhớ lại cái chết của ông”. Khi được hỏi, vì sao lại giăng bẫy điện chuột, thì nhiều người còn vô tư cho biết dùng cách diệt chuột này hiệu quả và ít tốn công sức hơn nhiều so với đánh bả thuốc, đặt bẫy kẹp, lâu nay vẫn làm vậy.

... Phạm tội “Giết người”

Đặt bẫy điện không đơn thuần chỉ là để bảo vệ tài sản mà là phạm tội hình sự, lỗi cố ý gián tiếp. Mới đây ngày 13/5, TAND tỉnh Kiên Giang đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Văn Dũng (SN 1972, ngụ ấp Xẻo Đôi, xã Nam Thái A, huyện An Biên) về tội “Giết người”. Theo cáo trạng, do bị chuột phá hại lúa nên Dũng đã mua thiết bị điện tự chế và dẫn điện bằng dây mắc từ hệ thống điện sinh hoạt trong nhà mẹ vợ, là bà Nguyễn Thị Ánh (ấp Kinh Làng, xã Nam Thái, huyện An Biên) ra ruộng lúa.


Bẫy chuột bắt chuột an toàn cho người dân

Vào lúc khoảng 18 giờ 30 phút ngày 8/12/2015, ông Dũng mở nguồn điện để xiệc chuột. Đến khoảng 19 giờ cùng ngày, cháu Mai Vĩnh Kỳ (3 tuổi) là cháu nội của bà Ánh ra ngoài đi vệ sinh thì bị vướng vào đường dây điện nên bị điện giật, bà Ánh thấy vậy đến kéo ra cũng bị điện giật. Hậu quả là bé Vĩnh Kỳ chết tại chỗ bà người nhà phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời, nhưng bị tổn thương 20%. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Lê Văn Dũng mức án 7 năm tù về tội “Giết người”.

Tòa án nhân dân TP Cần Thơ, ngày 18/3, đã mở xử sơ thẩm và tuyên phạt Lê Văn Vịnh (42 tuổi, ngụ huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) 7 năm tù về tội “Giết người”. Ngoài hình phạt về tội “Giết người”, tòa cũng đã công nhận thỏa thuận về việc bị cáo Vịnh bồi thường cho gia đình người bị hại 90 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần, mai táng…

Theo cáo trạng, vào tháng 7/2015, Vịnh cùng vợ đến nhà ông Phan Văn Nút (ngụ ấp Quy Lân 3, xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) ở nhờ để nuôi vịt chạy đồng. Khoảng 17giờ ngày 11/9/2015, Vịnh lấy dây chì dài 130m nối với cục biến điện giăng xung quanh ruộng lúa của ông Nguyễn Văn Mạnh cách nhà ông Nút khoảng 30 - 40m, để làm bẫy bắt chuột về ăn. Đến 22 giờ, Vịnh ra thăm bẫy thì phát hiện anh Dương Tâm Cang đang nằm sấp trên dây chì mà Vịnh đang dùng để bẫy chuột. Thấy vậy, Vịnh vội sơ cứu cho anh Cang nhưng anh đã chết trước đó.

Trong các vụ giết người bằng bẫy điện, thủ phạm thường là những người nông dân chân lấm tay bùn, chỉ vì mục đích bảo vệ tài sản; khác với những vụ giết người vì nguyên nhân xã hội có đối tượng phạm tội thường là những kẻ côn đồ hung hãn. Dù biết việc dùng điện bẫy bị pháp luật nghiêm cấm, nhưng để bảo vệ tài sản các hộ dân đã công khai kéo điện nhà ra ruộng, vuông tôm để rồi có những cái kết đáng thương.

Chết người bằng bẫy điện gia tăng

Bác sĩ Ngô Hường Dũng, Phó Viện Trưởng Viện Pháp y Quốc gia cho biết, từ năm 1995 đến nay, những vụ án liên quan đến bẫy điện xuất hiện liên tục tại vùng ĐBSCL do thói quen của người dân, chưa hiểu về tính nguy hiểm của bẫy điện. Có nhiều dạng bẫy điện được dùng để làm bẫy diệt chuột ở các ruộng lúa và bảo vệ vuông tôm. Ông Dũng cho biết thêm: “Gần như tháng nào cũng có trường hợp chết do bẫy điện. Đây thực sự là một con số đáng lo ngại, nếu các ngành chức năng không có biện pháp xử lý kiên quyết, triệt để thì số lượng tội phạm như thế này sẽ ngày càng gia tăng”.

Chính vì tính nguy hiểm của bẫy điện, các địa phương cần có biện pháp tuyên truyền, nâng cao trình độ dân trí của người dân đặc biệt trong vấn đề đảm bảo an toàn khi sử dụng điện.

Thiết nghĩ các ngành chức năng và chính quyền cần tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân không sử dụng biện pháp diệt chuột bằng bẫy điện để bắt cá, bẫy chuột, chống trộm; vận động người dân bà sử dụng các biện pháp như đặt bẫy kẹp, trộn lúa với thuốc chuột hoặc huy động lực lượng ra quân diệt chuột.

D.Út (Theo PLVNO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn