Cần “cú huých” cho mô hình hợp tác xã kiểu mới
Cập nhật ngày: 24/06/2016 14:58:26
So với Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2003, Luật HTX năm 2012 (sửa đổi) được xem như làn gió mới giúp bộ mặt kinh tế tập thể đổi thay. Sau khi Luật có hiệu lực, việc triển khai, vận hành rơi vào trạng thái ì ạch. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24-7-2015 về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật HTX.
Chỉ thị 19 khẳng định các HTX và Liên hiệp HTX có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đặc biệt trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26 (khóa X) của T.Ư Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Do đó, văn bản này được kỳ vọng sẽ tiếp thêm “lửa” để chính sách HTX không thể đến chậm hơn với HTX. Tuy nhiên, sau hơn ba năm triển khai luật và một năm thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, kết quả vẫn ở mức khiêm tốn, không như mong đợi.
Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, Chỉ thị 19 từng bước làm thay đổi nhận thức của các cơ quan quản lý Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Hiện cả nước có hơn 20 nghìn HTX; 150 nghìn tổ hợp tác, gần 50 liên hiệp HTX; 1.148 quỹ tín dụng nhân dân, 43 Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Hoạt động của các HTX có những đóng góp quan trọng vào việc xóa đói, giảm nghèo, ổn định an ninh, chính trị trật tự xã hội tại địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ chưa đạt hiệu quả mong muốn. Việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt các văn bản, có nơi còn mang tính hình thức. Kết quả xây dựng mô hình HTX, liên kết sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thời kỳ hội nhập. Một trong nguyên nhân dẫn tới thực trạng đó là phần lớn các thành viên HTX là người lớn tuổi, khả năng tiếp cận thị trường còn chậm; thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho HTX. Sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở T.Ư, cấp ủy chính quyền địa phương còn hạn chế, chậm trễ, nhiều nơi chưa quyết liệt. Quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác còn manh mún, phân tán, tách rời từ T.Ư đến địa phương.
Nguyên nhân dẫn tới thực trạng nêu trên, một phần là do định kiến của các cấp đối với những mô hình HTX kiểu cũ hoạt động kém hiệu quả vẫn tồn tại song song với các mô hình HTX kiểu mới. Các chuyên gia cho rằng, muốn xóa bỏ định kiến này, cần xóa bỏ nhận thức cố hữu HTX như là một tổ chức “cứng” trong hệ thống chính trị. Đặc biệt cần cơ chế chủ trương, hành lang pháp lý tạo sân chơi cho HTX tham gia vào thị trường. Có cơ chế đặc thù, chuyên biệt giải quyết cho các HTX kiểu cũ các vấn đề liên quan tới con người, tài sản, thủ tục vay vốn, giải quyết nợ đọng để có cơ sở chuyển đổi sang hình thức HTX kiểu mới.
Nhằm đẩy mạnh Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, triển khai mạnh mẽ Luật HTX, Liên minh HTX Việt Nam đã đề ra chương trình hành động, trong đó chú trọng triển khai xây dựng mô hình HTX, tổ hợp tác kinh tế kiểu mới. Đơn cử như việc đưa một nghìn kỹ sư trẻ về làm giám đốc HTX nông nghiệp trong thời gian thí điểm trong vòng năm năm. Bên cạnh đó, chú trọng triển khai chương trình đào tạo, dạy nghề và bồi dưỡng cán bộ HTX gần gũi gắn bó với cơ sở, bồi dưỡng nâng cao kiến thức dành cho bốn chức danh: hội đồng quản trị, ban giám đốc, trưởng ban kiểm soát và kế toán trưởng; tiến tới thành lập Học viện HTX Việt Nam. Thúc đẩy hình thành xây dựng các mô hình HTX liên kết chặt chẽ giữa HTX với doanh nghiệp và hộ nông dân, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo ra chuỗi giá trị sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…
MINH LÂM (NDĐT)