Mở lối Đồng bằng sông Cửu Long ra biển lớn

Cập nhật ngày: 23/06/2016 08:39:29

Dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu đã hoàn thành và đang chuẩn bị đón những chuyến tàu...


Những chiếc tàu tải trọng lớn đầu tiên đi vào luồng kênh Tắt đến kênh Quan Chánh Bố để ra sông Hậu

Dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu đã hoàn thành và đang chuẩn bị đón những chuyến tàu trọng tải lớn đầu tiên vào sông Hậu. Đây có thể coi là bước ngoặt ghi dấu sự thành công của một dự án có ý nghĩa chiến lược khi đã mở đường ra biển lớn cho vùng đất Chín rồng.

Hơn 820 ngày mở lối ra biển cho ĐBSCL

Đến thời điểm này, khi chúng tôi gặp ông Trần Anh, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Hàng hải, ông mới có thể thở phào nhẹ nhõm bởi dự án “Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu” đã cơ bản hoàn thành. Những ngày này, các đơn vị chức năng đang tất bật chuẩn bị để đón những chuyến tàu lớn gần 20 nghìn tấn đầu tiên vào sông Hậu.

Kể từ khi dự án được tái khởi động vào ngày 15/3/2014 đến nay, gần như ngày nào những cán bộ của Ban Quản lý dự án Hàng hải cũng tập trung cao độ tại công trường. Là người trực tiếp chỉ huy tại công trường ông Trần An Hải, Phó tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Hàng hải chia sẻ rằng, ông đã tham gia nhiều dự án nhưng chưa thấy dự án nào có áp lực về tiến độ và chất lượng như dự án này.

“Có nhiều hôm vì áp lực về tiến độ, chất lượng anh em phải “bám” công trường cả ngày đêm, khi về đến văn phòng có người mệt không ăn nổi cơm. Thế nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT, Ban QLDA và sự quyết tâm của các nhà thầu thi công, đến nay các hạng mục của dự án đã hoàn thành theo từng mốc tiến độ đề ra”, ông Hải nói.

Để thực hiện dự án trọng điểm này, những đơn vị mạnh của Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng như: Tổng công ty 319, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, VINAWACO, Trường Sơn, Thăng Long… đều đã được huy động.

Đại tá Trần Trọng Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô nhớ lại những tháng ngày cùng các chiến sĩ đạp sóng gió xây dựng tuyến đê biển phía Nam. Ông Dũng cho rằng, đây là một dự án gặp vô vàn khó khăn, “nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT, sự đồng lòng của đại diện chủ đầu tư, sự phối hợp chặt chẽ của tư vấn giám sát và quyết tâm của các nhà thầu nên dự án mới đi đến đích như ngày hôm nay. Đây là nỗ lực, công sức và quyết tâm của tập thể những người tham gia tại dự án đặc biệt quan trọng này”, ông Dũng nói.

Đất Chín rồng cất cánh

Những ngày này người dân huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đang háo hức chờ đón những chuyến tàu biển trọng tải gần 20 nghìn tấn đi vào sông Hậu thông qua kênh Quan Chánh Bố. Đây là những chuyến tàu lớn đầu tiên mà người dân vùng ĐBSCL được nhìn thấy bởi từ trước đến nay các tàu chạy trên sông Hậu lớn nhất cũng chỉ 5 nghìn tấn.


Toàn cảnh dự án Luồng cho tàu biển vào sông Hậu nhìn từ phía biển vào

Ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, không chỉ người dân tỉnh Trà Vinh mà người dân 13 tỉnh vùng ĐBSCL đều trông chờ dự án này hoàn thành từng ngày. Tỉnh Trà Vinh đã có ý tưởng quy hoạch các nhà máy sửa chữa tàu thuyền, các dịch vụ logistics, khu công nghiệp Duyên Hải dọc hai bên tuyến kênh Quan Chánh Bố để đón đầu cho sự phát triển kinh tế vùng ven biển này.

Một lãnh đạo TP Cần Thơ cũng cho biết, đã đầu tư hệ thống cảng Cái Cui với cầu tàu dài để có thể cho tàu 20 nghìn tấn cập cảng. Hệ thống đường giao thông đến cảng, các khu công nghiệp, các dịch vụ logistics cũng chú trọng đầu tư để Cần Thơ trở thành đầu mối trung chuyển hàng hóa của cả vùng ĐBSCL.

Có thể nói, dự án “Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu” là dự án mang tính chiến lược trong việc khai thác hiệu quả lợi thế giao thông thủy của ĐBSCL. Dự án còn là đòn bẩy để phát triển kinh tế toàn vùng bởi khi những chuyến tàu lớn ra vào sông Hậu cũng là cơ hội để hàng hóa vùng ĐBSCL ra được với thị trường thế giới với chi phí cạnh tranh hơn. Vùng đất Chín rồng sẽ có cơ hội cất cánh đi lên, sánh vai với các địa phương khác trong thời gian không xa.

Dự án “Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu” được triển khai thi công từ năm 2009. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, Dự án đã phải đình hoãn từ tháng 1/2013. Đầu năm 2014, Dự án đã được Quốc hội thông qua và tái khởi động lại.

Mục tiêu của Dự án là xây dựng tuyến luồng cho tàu biển có trọng tải 10 nghìn tấn đầy tải, 20 nghìn tấn giảm tải, các tàu có thông số kỹ thuật phù hợp chuẩn tắc luồng để hành hải vào các cảng trên sông Hậu; Đáp ứng thông qua lượng hàng hóa tổng hợp 21 - 22 triệu tấn/năm và hàng container 450 - 500 nghìn TEU/năm cho giai đoạn 2020. Bên cạnh đó cùng với Dự án xây dựng cảng của Trung tâm Điện lực Duyên Hải sẽ góp phần hình thành bể cảng tại khu vực cửa kênh Tắt, Trà Vinh.

Phan Tư (GTO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn