Canh tác lúa thông minh - Nông dân trở thành chuyên gia nông nghiệp

Cập nhật ngày: 09/10/2016 05:44:05

Thông qua chương trình, người nông dân trở thành chuyên gia tự ứng phó với các điều kiện sản xuất bất lợi, nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập.

Năm 2016, sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng biến đổi khí hậu. Hạn hán và xâm nhập mặn làm thiệt hại nhiều diện tích cây trồng, gây thất thoát năng suất và giảm đáng kể nguồn thu nhập của nhà nông. Là một trong những vùng Đồng bằng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, ĐBSCL đã và đang gánh chịu những khó khăn hết sức to lớn.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, cùng chia sẻ những kinh nghiệm của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu đàn trong lĩnh vực nông nghiệp, Công ty CP Phân bón Bình Điền phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia, Trung tâm BVTV phía Nam và Trung tâm khuyến nông các tỉnh ĐBSCL thực hiện “Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”.


Lợi nhuận từ canh tác lúa thông minh đạt 26,4 triệu/ha, cao hơn trên 1 triệu đồng/ha sản xuất thông thường.

Chương trình bắt đầu từ vụ Hè Thu 2016 được thực hiện ở tất cả 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL, với tổng diện tích 32,5 ha và 65 hộ nông dân tham gia. Với mục tiêu giúp nông dân trồng lúa nắm bắt được các kiến thức khoa học và tự ứng phó được với các điều kiện bất lợi của môi trường. Các mô hình được xây dựng ngay tại các vùng canh tác lúa trọng điểm và gặp nhiều khó khăn do hạn hán, nhiễm phèn, nhiễm mặn…

Để đạt được những mục tiêu trên, ban tổ chức đã mời 10 nhà khoa học đầu ngành về nông nghiệp làm cố vấn, chịu trách nhiệm về việc soạn thảo tài liệu kỹ thuật, tập huấn nông dân ở hội trường cũng như ra đến tận đồng ruộng để hướng dẫn các kinh nghiệm thực tế.

Ngoài ra, Công ty CP phân bón Bình Điền đã cung cấp miễn phí cho nông dân thực hiện mô hình lúa giống và toàn bộ lượng phân bón phù hợp với các điều kiện sản xuất bất lợi, trong đó đặc biệt là sản phẩm Đầu Trâu Mặn-Phèn (giúp nâng cao pH, tăng tính chống chịu của cây lúa với phèn, mặn và các điều kiện bất lợi khác) và bộ sản phẩm chuyên dùng lúa TE A1, TE A2 cung cấp dinh dưỡng cân đối và hợp lý với các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa.

Tại Long An, mô hình được thực hiện tại Ấp Hòa Hưng, Xã Bắc Hòa, Huyện Tân Thạnh – một trong các khu vực đất phèn và thường xuyên gặp nhiều bất lợi trong canh tác lúa vụ Hè Thu. Giống như các mô hình khác, cả 5 nông dân thực hiện mô hình tại Long An đều được các nhà khoa học tập huấn rất kỹ về các biện pháp kỹ thuật canh tác, tất cả nông dân phải áp dụng giảm giống và bón phân theo nhu cầu cây lúa. Với lượng giống gieo sạ chỉ 80 kg/ha tương đương 8kg/công, bước đầu hầu hết nông dân đều lo lắng, tuy nhiên theo dõi sự phát triển của cây lúa và bón phân hợp lý đã giúp cho ruộng lúa phát triển tốt.

Ông Vũ Đình Toán, một nông dân trong đã thực hiện mô hình cho biết, đây là mô hình hiệu quả, giúp nông dân nhận thức ra nhiều vấn đề quan trọng mà trước đây không được coi trọng. Với giống gieo sạ thường được xuống giống khoảng 130-150 kg/ha, nhưng trong mô hình các nhà khoa học khuyến cáo sạ 80kg/h, kết quả vừa tiết kiệm giống, cây lúa lại ít sâu bệnh, giảm được rất nhiều chi phí.

GS.TS. Mai Văn Quyền - Nguyên Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam trong một lần thăm mô hình đã cho biết, qua khảo sát trên mô hình thí điểm của nhiều hộ trước khi gieo sạ đất bị nhiễm phèn, nếu không có giải pháp phèn sẽ làm cho rễ lúa kém phát triển.

“Trong mô hình nông dân được cung cấp phân chuyên dùng bón lót Đầu Trâu Mặn – Phèn, giúp cây nâng cao pH đất, giảm phèn nên rễ lúa phát triển tốt. Và thực tế cây lúa đang phát triển rất tốt, nông dân có thể giảm được lượng bón phân bón thúc”, GS.TS. Mai Văn Quyền chỉ rõ.

Ngày 15/8 vừa qua, sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện mô hình, các ruộng lúa đã thu hoạch. Kết quả thực hiện được cán bộ kỹ thuật trung tâm khuyến nông tỉnh Long An báo cáo cho thấy, năng suất bình quân trong mô hình đạt 5,6 tấn/ha, cao hơn ruộng đối chứng 350 kg/ha, lợi nhuận trong mô hình đạt 26,4 triệu/ha, cao hơn trên 1 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.

Theo cán bộ kỹ thuật theo dõi mô hình, vụ lúa Hè Thu năm nay tình hình sâu bệnh đặc biệt là bệnh đạo ôn và vi khuẩn tấn công rất nặng, nhiều ruộng lúa trong khu vực bị giảm năng suất rất nặng nề. Tuy nhiên, các ruộng trong mô hình tình hình sâu bệnh hại không đáng kể, từ đó góp phần giúp giảm chi phí phun thuốc bảo vệ thực vật và tăng năng suất lúa.

Tham gia Hội thảo tổng kết mô hình, PGS.TS. Mai Thành Phụng – một trong 10 cố vấn của chương trình nhận xét: “Với nỗ lực của nông dân khi tham gia mô hình, năng suất vụ Hè Thu đạt bình quân 5,6 tấn/ha đối với giống VD20 là kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nông dân cần hạn chế 1-2 lần phun xịt thuốc bảo vệ thực vật mới hoàn chỉnh quy trình canh tác. Ở những vụ tiếp theo, nông dân vẫn sẽ áp dụng canh tác lúa thông minh và tiếp tục truyền đạt cách làm này đến nhiều nông dân khác để cùng làm, cùng hưởng lợi, nhất là trong điều kiện hội nhập TPP”.

Việc thay đổi tập quán canh tác của nông dân là công việc hết sức khó khăn. Trong điều kiện sản xuất ngày càng bất lợi như hiện nay, người nông dân cần phải thay đổi, phải tiếp thu nhanh các kiến thức mới và vận dụng vào trong thực tế sản xuất của mình.

Mô hình canh tác lúa thông minh tại Long An đã đạt được mục tiêu của chương trình đề ra, vấn đề quan trọng nhất được ban tổ chức đặt ra với các mô hình này là người nông dân phải trở thành chuyên gia, để tự ứng phó với các điều kiện sản xuất bất lợi, nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập và có khả năng truyền đạt các kiến thức học được cho các nông dân khác cùng áp dụng.

ThS. Hồ Thế Huy/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn