Cấp tập chuẩn bị ứng phó bão số 10
Cập nhật ngày: 05/11/2020 04:57:51
Trước cơn bão số 10, các tỉnh Bình Định, Phú Yên đã lên danh sách di dời hàng ngàn người dân ở khu vực xung yếu, vùng ngập lụt, vùng nguy cơ sạt lở núi…
Để ứng phó với cơn bão số 10, Bình Định đã lên kịch bản di dời 1.073 hộ/4.288 khẩu; sơ tán người dân vùng ven biển, vùng ngập lụt và vùng có nguy cơ sạt lở đất theo phương châm sơ tán tại chỗ, bảo đảm an toàn. Trường hợp không đủ điều kiện sơ tán tại chỗ thì có phương án chi tiết di dời đến các cơ quan nhà nước, trường học và bố trí phương tiện di dời.
Người dân Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ, Bình Định) dùng dây thừng để cột lại mái nhà
UBND tỉnh Bình Định cũng đã có văn bản chỉ đạo về việc khảo sát, đánh giá, phân vùng các khu vực rủi ro sạt, lở đất, đá trên địa bàn tỉnh. Trong đó, giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện.
Ngày 4-11, lực lượng chức năng của Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn được điều động thực hiện việc tuần tra, rà soát tất cả các vùng vịnh từ Quy Nhơn đến Vũng Rô để thực hiện nghiêm lệnh cấm biển. Cảng vụ Quy Nhơn hướng dẫn cho 8 tàu hàng vãng lai vào neo trú an toàn tại vùng mặt đước đầm Thị Nại và yêu cầu các thủy thủ, thuyền viên cần chủ động nắm bắt tình hình gió bão để bảo vệ tài sản, tính mạng.
Lực lượng chức năng hướng dẫn cho 8 tàu hàng lai vãng vào đầm Thị Nại để trú bão
Trực tiếp có mặt tại vịnh Vũng Rô, ông Vũ Thế Quang, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn cho biết, trước cơn bão số 10, đơn vị đã thông báo cho tất cả các tàu thuyền trong và ngoài nước thời điểm này không nên di chuyển đến vùng biển Nam Trung bộ. Cảng vụ trực tiếp rà soát, hướng dẫn các tàu thuyền ở khu vực biển thuộc vịnh Vũng Rô di chuyển đến nơi tránh trú an toàn hoặc đi xuống phía Nam để tránh bão.
Tại thị xã Sông Cầu, các tàu thuyền đánh cá, lồng bè đều được người dân chủ động chằng chống, đưa đến các vùng đầm, vịnh để neo trú an toàn. Tại đầm Cù Mông (thị xã Sông Cầu), người dân đã tranh thủ thu hoạch hải sản trên lồng bè của mình để giảm thiểu thiệt hại do bão.
Ngư dân thị xã Sông Cầu đưa tàu vào đầm Cù Mông để trú bão
Ông Nguyễn Văn Lên (55 tuổi, xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu) lo lắng nói: “Hiện tôi vẫn còn 1.000 cá mú, 500 cá chim đang thả nuôi trên đầm Cù Mông vẫn chưa thể xuất bán được vì cá còn quá nhỏ. Trước tình hình gió bão liên tiếp tôi rất lo lắng, sợ bão đổ bộ, gió chướng, lũ lớn tàn phá các lồng bè cá. Trước mắt, tôi chủ động gom cá lại để bảo vệ, số hải sản đã thu hoạch thì tranh thủ bán hết để mong giảm thiểu thiệt hại do bão…”.
Tranh thủ bán hải sản để giảm thiểu thiệt hại
Đầm Cù Mông được che chắn bởi dãy núi cao nên trong ngày 4-11, hàng trăm tàu cá của ngư dân ở thị xã Sông Cầu tranh thủ di chuyển đến neo trú tránh bão.
Trong ngày 4-11, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ký lệnh cấm biển từ 9 giờ cùng ngày. Bên cạnh đó, ông Thế cũng chỉ đạo các địa phương chủ động lên danh sách di dời người dân ở vùng xung yếu, vùng ngập lụt, nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn trước cơn bão số 10 đổ bộ.
Ngư dân thị xã Sông Cầu cột lại tàu thuyền trước bão số 10
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đề nghị các địa phương phải triển khai ngay các biện pháp để bảo vệ các tàu thuyền, lồng bè, nhà cửa và các hoạt động của người dân ven biển, trên biển; rà soát, bảo vệ an toàn cho người dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét…
Hàng trăm tàu cá ngư dân vào sâu trong cảng cá Quy Nhơn để tránh bão
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, để phòng chống các diễn biến của thiên tai phức tạp trong bão số 10, các Bộ GT-VT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công thương đã có công điện về việc tập trung ứng phó với bão số 10 và lũ lụt miền Trung.
Qua đó, đơn vị chức năng huy động và duy trì gần 65.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân cùng với 922 ô tô, 88 xe đặc chủng, 11 máy bay cùng hàng trăm phương tiện cứu nạn cứu hộ khác để phục vụ cho công tác ứng phó với bão lũ.
|
NGỌC OAI (SGGP)