Chính phủ đang rút ngắn khoảng cách giữa nói và làm
Cập nhật ngày: 20/10/2016 11:35:33
Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi trình bày báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội sáng 20-10.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày cáo cáo tại Quốc hội sáng 20-10
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Chính phủ luôn đề cao phương châm lời nói đi đôi với hành động, rút ngắn khoảng cách giữa nói và làm”.
Thủ tướng cho biết trong 9 tháng đầu năm 2016, Chính phủ đã thực hiện các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý kịp thời hơn các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm người đứng đầu....
Một số kết quả bước đầu đã đạt được theo Thủ tướng là: thời gian làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp rút ngắn còn 1-3 ngày.
Trong 9 tháng, có trên 81 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và trên 20 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, đã tạo được niềm tin và không khí phấn khởi của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Nợ xấu tiếp tục được xử lý
Thủ tướng cho biết nợ xấu đang tiếp tục được xử lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống.
Tín dụng đối với nền kinh tế đến nay tăng 11,24%. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ, thị trường vàng ổn định; dự trữ ngoại hối đạt trên 40 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Đồng thời quản lý chặt chẽ, chống thất thu ngân sách, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế và tăng cường kiểm soát, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước.
Tín hiệu khả quan của nền kinh tế cũng thể hiện ở điểm tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, GDP 9 tháng tăng 5,93%. Khu vực nông nghiệp đang phục hồi, 9 tháng tăng 0,65%. Khu vực dịch vụ tăng 6,66%, cao hơn cùng kỳ. Và tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt 6,3-6,5%
Thủ tướng cũng đánh giá tái cơ cấu kinh tế đạt được một số kết quả bước đầu. Trong đó đã tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu kinh tế, tập trung trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đến nay đã có 27 đơn vị cấp huyện và 2.061 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 23%. Đến hết năm 2016, dự kiến có 30 đơn vị cấp huyện và khoảng 2.200 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 25%).
Đời sống người dân vẫn còn khó khăn
Nhiều khó khăn đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ ra là tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ (5,93% so với 6,5%).
Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn; trong 9 tháng có khoảng 45 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và trên 8,3 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Xuất khẩu 9 tháng chỉ tăng 6,7% (cùng kỳ tăng 9,1%), dự báo cả năm chỉ xấp xỉ đạt kế hoạch. Thu ngân sách 9 tháng cũng đạt thấp hơn cùng kỳ (70,8% so với 74,9%), trong đó thu ngân sách trung ương chỉ đạt 61%; nợ đọng thuế còn lớn.
Tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu khác, trong đó tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ so với GDP có thể cao hơn dự kiến” - Thủ tướng phân tích.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đời sống người dân vẫn còn khó khăn, nhất là vùng bị thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn và sự cố môi trường. Mất an toàn thực phẩm xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc xã hội.
Công tác khám, chữa bệnh và quản lý dịch vụ ở một số bệnh viện còn yếu kém. Chất lượng giáo dục, nhất là đại học, dạy nghề chuyển biến chậm, chưa thật sự gắn với nhu cầu xã hội...
Thủ tướng cũng cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu gây thiệt hại lớn. Tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi, chất lượng môi trường bị xuống cấp, chậm được cải thiện... Tình trạng úng ngập xảy ra nghiêm trọng tại TP.HCM và Hà Nội cũng được Thủ tướng nhắc đến.
Cuối bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ sẽ quyết liệt hành động, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.
Theo Viễn Sự/TTO