Chống tham nhũng chưa tốt, dân gay gắt là phải
Cập nhật ngày: 15/10/2014 05:00:35
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhìn nhận như vậy khi tiếp thu ý kiến cử tri Q.1, TP.HCM về công tác phòng, chống tham nhũng tại cuộc tiếp xúc sáng 14-10.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 14-10 - Ảnh: Quang Định
Chủ tịch nước nhấn mạnh tham nhũng là vấn đề bức xúc, lần nào gặp cử tri cũng đều trao đổi.
Có cử tri nêu giải pháp cho vấn đề này được ông ghi nhận là rất hay - đó là phải dựa vào dân để chống tham nhũng.
Giải pháp mang tính bao quát, nguyên tắc này đã được ghi đầy đủ trong các văn kiện của Đảng, các qui định liên quan.
Chủ tịch nước cho biết thời gian qua các cấp, các ngành đã cố gắng thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng, có kết quả nhất định nhưng ông nhìn nhận: vấn đề bức xúc của dân là với bằng đó kết quả, so với yêu cầu, mục tiêu và thực tế cuộc sống thì chưa đạt.
Bức xúc này của người dân là đúng.
Cụ thể, yêu cầu đặt ra là phải “ngăn chặn và từng bước đẩy lùi” và Chủ tịch nước thẳng thắn: thật sự cho đến nay thì chưa dám trả lời câu này - theo đó, tham nhũng chưa được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi, cho nên đánh giá chưa đạt yêu cầu.
Chủ tịch nước rất đồng tình ý kiến của cử tri đề xuất phải dựa vào dân để chống tham nhũng, nên động viên cử tri mạnh dạn, thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình tham nhũng với các cấp độ thông tin khác nhau.
Chủ tịch nước cho biết sẽ tiếp nhận, bố trí người tiếp xúc với những người cung cấp thông tin, nhằm góp phần vào việc chung, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.
“Để tình hình này thì lòng dân không yên thật sự. Mỗi lần gặp cử tri, trong những cái gay gắt thì có chủ đề này. Kết quả chưa tốt thì gay gắt là phải thôi” - Chủ tịch nước nói.
Đồng tình với cử tri, Chủ tịch nước nói giám sát là một trong ba chức năng trọng yếu của Quốc hội và các khóa gần đây đã làm rất mạnh, không để việc giám sát mang tính hình thức.
Tuy nhiên, báo cáo với cử tri, Chủ tịch nước nói cái nhược của vấn đề này nằm ở chỗ các kết luận giám sát có tính bắt buộc phải thi hành nhưng nếu các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm liên quan không thi hành thì phải làm sao?
Ngược lại, các kết luận giám sát không chính xác thì hệ quả như thế nào?
Chủ tịch nước cho rằng về mặt pháp luật cần tiến sâu hơn nữa để có sự ràng buộc chức trách của cơ quan giám sát. Thể chế liên quan đến mảng công việc này chưa hoàn chỉnh, cần được tiếp tục.
Đề cập đến đường hướng phát triển kinh tế của đất nước, Chủ tịch nước khẳng định để giải quyết căn cơ vấn đề thì phải tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế một cách kiên trì, bài bản, kết hợp đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế.
Nhưng công việc này không thể hi vọng thực hiện 1-2 năm là xong. Nếu làm vội vã sẽ không tốt nhưng ngược lại nếu chần chừ, do dự thì cũng không được.
Theo Chủ tịch nước, cần có những bước đi thích hợp và thời gian nhất định để thay đổi cấu trúc nền kinh tế nhằm đi vào giai đoạn phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả như mong muốn.
Đây là chủ trương đã thực hiện được 3-4 năm nay, có kết quả trên từng mặt nhưng kết quả trên tổng thể để thay đổi bản chất của nền kinh tế thì chưa đạt, cần có thời gian tiếp tục thực hiện.
QUỐC THANH TT