Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước:
Chậm chạp, bí lối ra
Cập nhật ngày: 30/08/2012 07:07:13
Là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhưng đến nay tiến trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn vô cùng chậm chạp. Đặc biệt, trong năm 2011 và từ đầu năm 2012 đến nay, tiến trình CPH dường như vẫn “giậm chân tại chỗ” dù đã có nhiều sửa đổi về chính sách. Theo một số chuyên gia kinh tế, đây là vấn đề khó, phải quyết tâm mới làm được. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ lại ở yếu tố thị trường giữa câu chuyện “bán-mua”, phải bán được giá để bảo toàn vốn Nhà nước.
Ách tắc từ cơ chế
Nguyên nhân khiến tiến trình CPH chậm chạp có nhiều, nhưng chủ yếu là ách tắc do cơ chế. Trên thực tế, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến trình này. Năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị định 59/2011 thay thế Nghị định 109 về chuyển DN 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần. Theo đó, những vướng mắc về việc xác định giá trị của DN và chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược khi CPH DN đã được tháo gỡ. Đặc biệt là nghị định cho phép căn cứ vào giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế theo thị trường để DN trả tiền thuê đất mà không phải xác định lợi thế vị trí địa lý đối với diện tích đất DN chọn hình thức thuê.
Vinamilk là đơn vị phát triển mạnh sau cổ phần hóa, lọt vào tốp
các doanh nghiệp hàng đầu châu Á
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng ký Quyết định 21/2012/QĐ-TTg ban hành quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN. Theo đó, từ ngày 1-7-2012, nguồn thu, chi của quỹ được mở rộng để tạo động lực đẩy nhanh tiến trình CPH.
Tuy nhiên, ông Phạm Viết Muôn cho biết, Nghị định 59 mới chỉ tháo gỡ một số mặt, còn một số phát sinh như việc xác định giá trị DN có yêu cầu rà soát, lập phương án sử dụng đất của DN đang quản lý phải phù hợp với quy định để xác định sắp xếp lại, xử lý nhà đất, gửi đến UBND tỉnh, thành phố cho ý kiến trước khi thực hiện xác định giá trị DN. Bên cạnh đó còn phải đấu thầu tổ chức giám định, rà soát đối chiếu toàn bộ công nợ, tổ chức kiểm toán kết quả định giá và xử lý tài chính đối với doanh nghiệp có quy mô vốn trên 500 tỷ đồng hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề đặc thù.
Tác động thị trường
Nhóm tư vấn chính sách (Bộ Tài chính) cho rằng, nền kinh tế đang đối mặt với nguy cơ lạm phát, nguy cơ khó khăn về thanh khoản thường trực, trong khi các DN trong nước cũng đang phải chịu áp lực cạnh tranh nhiều hơn khi mở cửa hội nhập là những nguyên nhân khách quan gây cản trở tiến độ thực hiện CPH hiện nay.
Theo PGS-TS Hoàng Trần Hậu, Phó Giám đốc Học viện Tài chính, CPH gắn với việc bán vốn của Nhà nước ra thị trường nên chuyện định giá là cả một vấn đề lớn. Trong khi đó, bán phải có người mua, bán phải được giá để đảm bảo bảo toàn vốn Nhà nước. Nếu định giá cao thì khó bán mà định giá thấp thì mất vốn Nhà nước.
Ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng Đổi mới, sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) phân tích, ngoài nguyên nhân kinh tế khó khăn, thị trường chứng khoán đi xuống dẫn đến chậm tiến độ CPH, thì chủ yếu các DN thuộc diện CPH trong năm nay có quy mô lớn và đang có khó khăn về tài chính cần xử lý. Ngoài ra, theo thông lệ, do quý 1 hàng năm là thời điểm các DN kiểm kê, lập báo cáo tài chính… nên số lượng DN thực hiện CPH trong nửa đầu năm thường ít hơn so với nửa cuối năm.
Trong số các đơn vị nằm trong danh sách CPH năm 2012, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã hoàn thành cơ bản các công việc để cổ phần hóa và đang trình Bộ Công thương phê duyệt để đấu thầu, lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng khả năng Vinatex đúng hẹn IPO vào cuối năm nay là rất thấp, do đến thời điểm hiện tại vẫn chưa chọn được đơn vị tư vấn.
Làm gì để tăng tốc?
Với những nguyên nhân khách quan và chủ quan, đẩy nhanh tiến trình CPH là một bài toán khó, nhưng không phải vì thế mà không thực hiện được hoặc trì hoãn quá lâu.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, định hướng chính sách cho giai đoạn này cần phải rõ và mạnh ngay từ đầu. Ông Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới đề nghị cần lên danh sách các DN phải CPH và xếp theo mức độ “thất bại thị trường”, DN nào có thể CPH được thì tiến hành ngay; xây dựng các chính sách hỗ trợ sau CPH như miễn giảm thuế, trợ cấp thất nghiệp… để tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình CPH.
Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, trong hơn 20 năm cải cách DNNN, thời điểm này việc tái cấu trúc DNNN khó khăn hơn rất nhiều, vì nó liên quan đến các tập đoàn, tổng công ty lớn và một số “nhóm lợi ích” rất hùng mạnh của nền kinh tế. Chuyên gia này đề nghị, nhân quá trình tái cơ cấu nên xác định rõ vai trò của DNNN bởi liệu DNNN có thể làm tròn cả 2 vai khi vừa là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô vừa phải định hướng lợi nhuận. Khi quan điểm rõ ràng mới có thể đẩy mạnh CPH.
Một số chuyên gia khác cho rằng, nên bắt đầu bằng việc CPH ngay các “siêu” DN đang nắm giữ những nguồn lực, lợi thế lớn nhất của toàn bộ khu vực DNNN như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam... Giải pháp hàng đầu là quyết liệt CPH, chứ không dừng ở mức độ nhẹ như bây giờ, bởi có nguyên nhân kéo dài thời gian CPH là do ý chí của người đứng đầu DN.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Phát triển DN (VCCI) kiến nghị, cần tiếp tục hoàn hiện cơ chế CPH, đặc biệt trong việc xác định giá trị quyền sử dụng đất và giá trị thương hiệu. Ngoài ra, sử dụng các biện pháp thị trường để xử lý tài chính đối với DN CPH như cơ cấu lại nợ, mua lại nợ. Trường hợp DN không đủ điều kiện CPH thì cương quyết cho phá sản hoặc thực hiện các biện pháp sắp xếp khác. Một yếu tố quan trọng khác là thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy TTCK “ấm” trở lại để tạo điều kiện về thị trường cho CPH tăng tốc.
ĐH (Theo Bảo Minh-SGGPO)