Đặc sản tết tấp nập đổ về TPHCM
Cập nhật ngày: 28/01/2016 14:05:46
Chưa có mùa tết nào mà đặc sản từ các vùng, miền đổ về TPHCM nhiều như năm nay. Từ trang mạng cho đến các cửa hàng, siêu thị, đặc sản tết được bày bán đầy ắp trên các quầy kệ, với hàng trăm sản phẩm đặc trưng của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Ngay cả các loại đặc sản nổi tiếng của các nước láng giềng như Campuchia, Lào cũng xuất hiện ngày càng nhiều tại TPHCM.
Mua bánh chưng hương vị Bắc tại cửa hàng thực phẩm Tiến Huệ. Ảnh: Cao Thăng
Phong phú thực phẩm miền Bắc
Vào thời điểm này, đến các cửa hàng chuyên bán thực phẩm miền Bắc ở khu vực đường Điện Biên Phủ, chợ Văn Thánh hay những cửa hàng ở đường Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng…, khách hàng có thể chọn mua cùng lúc hàng trăm sản phẩm đặc trưng của ngày tết. Với thực phẩm tươi sống, phổ biến nhất vẫn là su hào, bắp cải, cải cúc (tần ô), xà lách cuộn, hành hoa, khoai tây, cà rốt, rau thơm các loại. Điểm khác biệt của các loại rau củ quả miền Bắc so với sản phẩm cùng loại của Đà Lạt là khi chế biến, vị rất thơm ngon, ngọt và mềm. Nếu củ su hào của Đà Lạt tròn nhỏ, thì củ su hào miền Bắc rất to, hơi dẹp, da bóng mượt, nhìn rất bắt mắt. Với trái cây, còn có cam Canh, bưởi Diễn và trái phật thủ.
Ở nhóm các mặt hàng thực phẩm khô, nổi tiếng nhất là miến dong (làng So, Hà Nội), mì Chũ, măng lưỡi lợn (Tuyên Quang), măng vầu (Bắc Giang), nếp nương (Điện Biên, Sơn La), gạo Tám Xoan (Nam Định), hạt kê, nấm hương (Hà Nội). Thực phẩm chế biến sẵn có giò thủ, giò tai lưỡi, thịt đông các loại, măng ngâm chua, hành muối, bánh chưng, bánh khảo… Nhưng đặc biệt nhất là món cá kho cổ truyền của làng Vũ Đại (thôn Nhân Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Đây là sản phẩm được chế biến từ loại cá trắm đen, tẩm gia vị truyền thống của làng Vũ Đại và nấu liên tục bằng củi từ 14 - 16 giờ. Khi kho xong, xương cá trở nên mềm và xốp nhưng thịt cá vẫn giữ được màu trắng, cứng chắc, rất thơm ngon. Cách đây khoảng 5 năm, những khách hàng sành ăn phải đặt hàng trước mới có (và thường là đặt nguyên nồi khoảng 1kg và nồi 4,5kg) thì nay một số điểm bán tại TPHCM đã bắt đầu bán theo yêu cầu của khách. Nồi cá kho Vũ Đại hiện đang được xem là loại thực phẩm đặc sản, người mua không chỉ dùng trong gia đình mà còn là món quà biếu tặng dịp tết.
Về giá cả, đặc sản tết miền Bắc có giá bán khá cao. Chẳng hạn xu hào hoặc bắp cải giá bán từ 35.000 - 45.000 đồng/kg (dịp tết tăng thêm 20% - 30%), trong khi hàng từ Đà Lạt chỉ từ 15.000-20.000 đồng/kg. Nồi cá kho cỡ lớn có giá bình quân từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/nồi. Theo chủ một cửa hàng thực phẩm, hàng đưa từ miền Bắc vào đều vận chuyển bằng máy bay nên chi phí rất cao.
Đa dạng các loại khô, đặc sản miền Nam
Nói tới đặc sản tết, không thể không nói tới các loại bánh truyền thống của miền Trung bán khá nhiều tại các chợ ở quận Tân Bình. Có thể kể đến bánh thuẫn, bánh in, bánh đậu xanh, bánh nổ, rồi khô bò (Quảng Ngãi), bò một nắng (Gia Lai), cá bống Sông Trà (Quảng Ngãi), rượu Bàu Đá (Bình Định)... Đến khu vực Nam Trung bộ còn có gạo Ngọc Việt (Ninh Thuận), thịt heo ngâm mắm nhĩ (Khánh Hòa), mực một nắng (Bình Thuận)…
Tại các chợ, siêu thị và trên các trang mạng rao bán khá nhiều, từ lạp xưởng tươi Sóc Trăng, xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn, cam mật Cần Thơ, rượu Sen Hồng Đồng Tháp, quýt hồng Lai Vung, bánh tét - chả hoa Trà Vinh, tôm đất, khô sặc, khô cá lóc, cua Cà Mau… Năm nay, ngoài bưởi Tân Triều (Đồng Nai) nổi tiếng, xuất hiện trên thị trường còn có giống bưởi Tân Triều nhưng trồng ở Tân Uyên (Bình Dương), chất lượng không hề thua kém nhưng hình thức lại có phần vượt trội bởi quả to và tròn đều. Ngoài bưởi Tân Triều, các nhà vườn ở Tân Uyên còn cung ứng cho thị trường tết một số loại bưởi khác như bưởi lá cam, bưởi da xanh, quýt hồng, quýt đường.
Tết năm nay, các đặc sản của một số nước láng giềng cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều tại TPHCM. Trước đây, khách hàng muốn thưởng thức thử loại mắm trứng kiến của Campuchia phải đến nước này, tìm đến những nhà hàng nổi tiếng mới có, nay chỉ cần vào google, gõ từ “mắm trứng kiến” sẽ có đầy đủ thông tin từ điểm bán, giá bán, đến cách sử dụng, tác dụng của món ăn. Trên một số trang mạng cũng như cửa hàng ở khu vực quận 10, hiện bày bán khá nhiều mặt hàng như khô cá lóc Biển Hồ, khô rắn, khô cá tra phồng, khô nhái, lạp xưởng Xiêm Riệp… Giá bán các mặt hàng này dao động từ 280.000 - 700.000 đồng/kg tùy loại, cao hơn hàng trong nước bình quân khoảng 20% - 30%. Chẳng hạn, lạp xưởng Xiêm Riệp giá bán 260.000 - 300.000 đồng/kg, so với lạp xưởng tươi Cần Giuộc giá chỉ 240.000 - 250.000 đồng/kg.
Có thể nói, tết là dịp để người dân làm “sống dậy” các đặc sản của mỗi vùng, miền. Theo thống kê, tính riêng món bánh chưng, bánh tét đã có hơn 30 loại khác nhau được chào hàng. Ở khu vực chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) có bánh chưng ngọt quyện vị hoa hồi, chút vỏ quế, tẩm ướp với thịt heo để làm nên hương vị đặc biệt. Các cửa hàng thực phẩm miền Bắc có bánh chưng gấc, bánh chưng nếp cái hoa vàng, bánh chưng cốm… Riêng mặt hàng bánh tét của miền Tây có bánh tét lá cẩm nếp mù u, bánh tét rau ngót, bánh tét nhân chuối, đặc biệt là “bánh tét chữ” (mỗi đòn bánh tét được sắp chữ bên trong, ở mỗi khoanh bánh tét sẽ là mỗi chữ trong câu chúc xuân như Chúc Mừng Năm Mới). Đặc sản giờ đây không còn “giam mình” bên trong những khóm tre làng, mà đã vươn ra để hòa nhập cùng cộng đồng. TPHCM đã và đang trở thành địa điểm thu hút những tinh hoa ẩm thực của cả nước vào mỗi độ “xuân về, tết đến”.
THÚY HẢi/SGGP