Đại biểu Quốc hội muốn tăng ngân sách cho các lực lượng trên Biển Đông

Cập nhật ngày: 04/06/2014 05:16:31

Tăng 5.000 đến 10.000 tỷ nữa ưu tiên cho lực lượng công an cảnh sát biển.

Việc Chính phủ bố trí 16.000 tỷ đồng cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình, ủng hộ. Bởi, theo các đại biểu, lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư trực tiếp bảo vệ chủ quyền biển đảo và ngư dân là những cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển đảo.

Đại biểu Thích Thanh Quyết (đoàn Quảng Ninh) cho biết: “Cử tri rất hoan nghênh Chính phủ đã bố trí 16.000 tỷ đồng cho các lực lượng giữ gìn và phát triển kinh tế biển. Tôi nghĩ số này vẫn là ít, nếu có thể tăng 5 đến 10.000 tỷ nữa thì mới tạm được, nhưng phải ưu tiên cho lực lượng công an cảnh sát biển, vì họ vừa làm ở ngoài biển vừa phải giữ gìn trên đất liền”.


Lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư trực tiếp bảo vệ chủ quyền biển đảo và ngư dân là những cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển đảo

Đánh giá về chủ trương này của Chính phủ, Đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hoá) khẳng định: Đây là quyết sách rất quan trọng, nhất là trong tình hình hiện nay khi hàng ngày chúng ta đang chứng kiến khí phách của ngư dân bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chủ trương của Chính phủ tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong khi còn rất nhiều khó khăn lại dành 16.000 tỷ đồng để tăng cường khả năng chiến đấu của cảnh sát biển, kiểm ngư, lực lượng quân đội, tôi đề nghị cần tính toán cả lực lượng công an nhân dân. Dành 10.000 tỷ đồng để ngư dân vay với lãi suất cực kỳ ưu đãi 3%/năm, ân hạn một năm được mang chính con tàu ấy làm vật thế chấp. Thật là vui, những ước mơ khao khát của ngư dân đã lâu lắm rồi giờ mới có khả năng được đáp ứng.

Tăng cường đầu tư hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (đoàn Tây Ninh), đây là nhiệm vụ cấp bách phải tập trung thực hiện để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ mới phát sinh trong 2014, năm tài chính 2013 đã kết thúc, do đó cần phải đưa vào nhiệm vụ chi năm 2014 để phản ánh đúng thực chất. Đồng thời chính sách hỗ trợ ngư dân phải tính toán đảm bảo tính đồng bộ mới phát triển chuỗi giá trị của ngành ngư nghiệp. Cần rút kinh nghiệm từ chương trình đánh bắt xa bờ đã triển khai trước đây nhằm đem lại những lợi ích thiết thực và hiệu quả đem lại sự phát triển bền vững cho nền kinh tế quan trọng này.

Thứ hai, phải rà soát, tính toán, phân bổ lại nguồn lực ngân sách nhà nước trong điều kiện nhiệm vụ mới cấp bách phát sinh. Trước mắt cũng như dự liệu cho lâu dài, cần thiết Quốc hội và Chính phủ phải có những định hướng chính thức về thực hiện tái phân bổ nguồn lực để thống nhất quan điểm và tổ chức thực hiện trong thời gian sắp tới.

Còn đại biểu Chu Lê Chinh (đoàn Lai Châu) thì cho rằng: Hiện nay trong bối cảnh tình hình hết sức đặc biệt, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải có những quyết sách và đối sách đặc biệt, ưu tiên mọi nguồn lực cho vấn đề biển Đông là số một. Tôi đề nghị chúng ta tập trung đầu tư cho vấn đề biên giới đất liền, đặc biệt là đường tuần tra biên giới và khu kinh tế quốc phòng là ưu tiên số hai trong bối cảnh hiện nay.

Sau sự việc xảy ra tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, theo Đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình), đòi hỏi chúng ta không chỉ đầu tư cho lĩnh vực biển mà cần phải đầu tư cho lực lượng công an về nguồn lực, quân số, các điều kiện cần thiết khác, để lực lượng công an ở những khu vực trọng điểm có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong khi nguồn nhân lực ngân sách nhà nước còn rất hạn hẹp, chúng ta cần khơi dậy phát huy lòng yêu nước của mọi người dân và bằng nhiều hình thức thích hợp, vận động, quyên góp, tiết kiệm tạo nguồn lực tài chính, đóng góp cùng với nguồn lực từ ngân sách nhà nước để đầu tư cho quốc phòng, an ninh, hỗ trợ khuyến khích động viên ngư dân đóng mới và nâng cấp tàu thuyền vươn khơi bám biển.

Tăng cường đầu tư, khai thác kinh tế biển

Ở khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Thị Phúc(đoàn Bình Thuận) đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa đầu tư, khắc phục tình trạng xâm thực biển, xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, nâng cấp hệ thống giao thông và các công trình phòng thủ trên các đảo. Thực tế cơ sở vật chất vùng ven biển hải đảo thường xuyên bị ảnh hưởng do bão, chiều cường và biển xâm thực nên đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. “Tại Bình Thuận, nhiều công trình bức xúc phục vụ sản xuất và đời sống ngư dân đang rất cần sự quan tâm đầu tư” – đại biểu Nguyễn Thị Phúc nói.

Về phát triển ngày thủy sản, hỗ trợ ngư dân bám biển, làm giàu từ biển, góp phần bảo vệ chủ quyền, đại biểu Mã Điền Cư cho rằng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, nhằm phát triển cơ sở hạ tầng kế tục nghề cá, hỗ trợ, khuyến khích ngư dân bám biển, các chính sách đã hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và ngư dân, góp phần bảo đảm việc khai thác và chế biến thủy sản được ổn định, từng bước cải thiện đời sống của các hội ngư dân vùng ven biển và hải đảo. Tuy nhiên, công tác quản lý, phát triển tàu cá chưa có một quy hoạch hợp lý, thiếu định hướng dẫn đến số lượng phương tiện khai thác ven bờ chiếm tỷ lệ lớn. Việc bố trí nguồn lực đầu tư các dự án hạ tầng như tàu, cảng, khu neo đậu tránh lũ bão, đê kè chắn gió, khu dịch vụ hậu cần nghề cá... còn hạn chế, xây dựng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Chính sách tín dụng cho vay ưu đãi tuy được thực hiện, nhưng nguồn vốn chưa thực sự đến với người dân./.

Vũ Hạnh/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn