Đại hội thi đua yêu nước: Hướng tới người trực tiếp lao động

Cập nhật ngày: 06/12/2015 08:04:16

Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, 60% là những người trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, chiến đấu, nghiên cứu khoa học

Trong số 1.800 đại biểu chính thức được tuyên dương, khen thưởng tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 9, có 60% là những người trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, chiến đấu, nghiên cứu khoa học. Tỷ lệ này có xu hướng gia tăng, cho thấy phong trào thi đua yêu nước ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, thôi thúc mọi tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng, cống hiến công sức, trí tuệ để xây dựng đất nước.


Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc tôn vinh người lao động, sản xuất trực tiếp

Đây là lần thứ 4 ông Lê Văn Xê, chủ nông trang Phương Uyên, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương được chọn là đại biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc. 

Ông được biết đến là một nông dân luôn say mê tìm tòi, nghiên cứu để tạo ra giống cây mới có chất lượng tốt, giá trị cao. Ông Lê Văn Xê chính là người đã thuần hóa giống chanh không hạt, nhiều nước của Mỹ, sau đó phổ biến, giúp đỡ bà con nông dân gieo trồng, tiêu thụ. Nhờ vậy, đời sống của người nông dân ở nhiều tỉnh như Long An, Hậu Giang, Bến Tre… đã ấm no, giàu có từng ngày. 

Ông Xê cũng là người hỗ trợ trực tiếp kỹ thuật cho người dân chuyên canh cây bưởi da xanh và nay đã trở thành một thương hiệu trái cây nổi tiếng trên cả nước. Chưa dừng lại ở đó, trước tình hình kinh tế hội nhập, nhận thấy ngày càng nhiều hoa của nước ngoài được nhập vào Việt Nam, nông dân Lê Văn Xê lại đau đáu tìm tòi, thuần hóa giống cây mới: “Tôi có nghiên cứu thấy Việt Nam có nhập những sản phẩm từ Úc, Mỹ, trái hoàn toàn không có hạt. Tôi tiếp tục mang những loại giống này tiếp tục trồng thử nghiệm trong 2 năm vừa qua, cho kết quả rất tốt, chất lượng ngang bằng hoặc hơn. Năm 2016, tôi sẽ triển khai đưa vào trồng ngay 50 ha theo dạng hàng hóa để tổ chức cho người nông dân tập hợp sản xuất, liên kết, có liên kết thì mới có sản xuất theo chuỗi giá trị cao, có hàng hóa chất lượng cao thì sản xuất này mới bền vững”

Ông Lê Văn Xê là một trong số rất nhiều người trực tiếp lao động, sản xuất, chiến đấu, nghiên cứu khoa học trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội được tuyên dương, khen thưởng tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 9. Kết quả này là nhờ thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 34 năm 2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng, trong đó nhấn mạnh cần chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương cho biết, tại Đại hội lần này, có 60% đại biểu được tuyên dương là những người trực tiếp tham gia lao động, sản xuất. Họ là những thầy thuốc, nhà giáo, nhà văn, nghệ nhân, nhà khoa học tiêu biểu, hay những công nhân, nông dân, người lao động có nhiều đóng góp cho tập thể…

“Hầu hết các đồng chí đều xuất phát điểm từ những người lao động trực tiếp sau đó phấn đấu trưởng thành để giữ các chức vụ. Do đó, chúng tôi tính đến giai đoạn này thì 60% là người trực tiếp lao động sản xuất công tác. Thứ hai là trong số anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang 167 tâp thể và cá nhân, trong đó có 29 cá nhân và 101 chiến sĩ thi đua toàn quốc thì 30% là người lao động trực tiếp”.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phân tích, số đại biểu chính thức là người trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, nghiên cứu khoa học từ chỗ chỉ khoảng 50% tại những lần Đại hội thi đua yêu nước gần đây, nay đã tăng lên đáng kể, chất lượng cũng đồng đều hơn. Đây được coi là một bước chuyển lớn trong công tác thi đua, khen thưởng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Túc, 60% vẫn chưa phải là tỷ lệ xứng đáng, bởi những người lao động trực tiếp ở tất cả các lĩnh vực hiện chiếm không dưới 80%, cho nên tỷ lệ này cũng cần phấn đấu đạt khoảng 80% ở Đại hội lần thứ 10. Ông cha ta có câu “thần thiêng là nhờ bộ hạ”, cấp trên của một cơ quan, đơn vị có làm tốt hay không, Tổng giám đốc của một doanh nghiệp có làm tốt hay không chính là nhờ những người lao động trực tiếp hoàn thành tốt nhiệm vụ:  “Thực tiễn cho thấy, trong cơ quan nào cũng thế, lãnh đạo chỉ là một nhóm người, còn tập thể là những người lao động trực tiếp. Lao động trực tiếp từ những người công nhân quét rác, người lái xe, rồi những chuyên gia, bộ phận tham mưu giúp việc, chứ không chỉ có lao động tay chân không. So sánh với Đại hội thi đua khi Bác Hồ còn sống, Bác khen chủ yếu là những người lao động sản xuất, chiến đấu, nghiên cứu khoa học trực tiếp, còn những nhà quản lý thì hầu như rất ít” .

 Bên cạnh đổi mới hình thức, nội dung, thì việc động viên, khuyến khích, khen thưởng kịp thời, xứng đáng đối với những người trực tiếp lao động, xản xuất, chiến đấu, nghiên cứu khoa học ở mọi lĩnh vực theo tinh thần Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị có ý nghĩa quan trọng để các phong trào thi đua yêu nước thực sự tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân.

Lưu Huyền/VOV

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn